.

Hàng Tết tăng giá

.

Từ Tết Dương lịch trở đi, lượng hàng hóa trên thị trường bắt đầu dồi dào hơn nhằm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Dù sức mua chưa sôi động nhưng giá cả hàng loạt mặt hàng đã nhích từng ngày.

Giá cả một số thực phẩm đang tăng nhẹ.
Giá cả một số thực phẩm đang tăng nhẹ.

Tăng sớm

Thông thường mọi năm giá những mặt hàng thiết yếu đến giữa tháng 1 mới tăng rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12-2013 đến nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm như gạo, thịt heo đã tăng từ 5-10%; đường, các loại đậu, ngũ cốc tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá các loại rau củ, trái cây tại các chợ sỉ, chợ lẻ đã tăng thêm từ 2.000-3.500 đồng/kg như cà-rốt, bông súp-lơ xanh; nấm rơm tăng 5.000 đồng/kg... Trái cây như quýt đường, bưởi cũng từ mức 25.000-40.000 đồng/kg đã tăng vọt lên 40.000-50.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Út, quầy trái cây chợ Đầu mối Hòa Cường cho hay: “Bây giờ đang vào mùa trái cây miền Tây nhưng giá cũng không hạ mà ngược lại có chiều hướng tăng hơn do nhà vườn trữ hàng chờ cận Tết bán cho được giá. Hiện chị em tiểu thương bán sỉ chỉ lấy hàng với số lượng vừa phải, bán tới đâu lấy tới đó chứ không ai muốn ôm hàng cả. Như năm trước, phải tới gần ngày đưa ông Táo thì giá mới tăng, nhưng năm nay không hiểu sao lại tăng sớm hơn”.  

Thời điểm này, các loại hạt, mứt bán lẻ trong các chợ trên địa bàn thành phố cũng đã bắt đầu chộn rộn trên các quầy kệ. So với giá cũ, giá bán các loại mứt, hạt khô cũng đã tăng thêm từ 5.000-40.000 đồng/kg. Cụ thể, hạt điều rang chưa bóc vỏ giá bán dao động từ 300.000-350.000 đồng/kg, hạt dẻ 310.000-350.000 đồng/kg, hạt sen 320.000-340.000 đồng/kg... Ðối với nhóm các mặt hàng hải sản khô, giá bán cũng đã tăng bình quân khoảng 7-9% so với thời gian đầu tháng 12. Tôm khô loại nhỏ có giá bán 550.000 đồng/kg, tôm khô vừa từ 600.000-750.000 đồng/kg, tôm khô cỡ lớn 800.000 đồng/kg. Mặt hàng này bán chạy vì khách hàng bắt đầu mua làm quà đi các nơi.

Chị Đỗ Thị Minh, ngành hàng khô chợ Cồn giải thích: “Mỗi năm mỗi khác. Nhiều hồi mua sớm được rẻ, nhưng có khi mua sớm lại đắt vì có khả năng hiếm hàng đột xuất. Cái này là do nhà cung cấp bỏ giá cao thì mình phải bán cao chứ không thể bán thấp được”. Thực tế, giá bán sản phẩm và hàng hóa hiện nay có sự chênh lệch lớn là do người bán lẻ. Trong chợ, nhiều tiểu thương cố tình đưa ra giá cao để khách hàng trả dần xuống theo thói quen.

Tăng do đầu vào?

Lý giải về vấn đề hàng hóa tăng giá mạnh, hầu hết tiểu thương tại các chợ bán buôn, bán lẻ đều cho rằng, do năm nay thời tiết bất lợi, bão lũ liên tục khiến nhiều loại thực phẩm bị thiệt hại nặng nề nên giá cả thị trường chịu nhiều tác động. Giá nhập một số mặt hàng khô đã liên tục nhích dần từ nhiều tháng trước.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, tiểu thương ngành hàng khô chợ Cồn cho biết: Năm nào đến tháng Tết giá hàng hóa cũng tăng thêm khoảng 10% so với bình thường. Nhìn chung, năm nay do giá xăng dầu, gas tăng nhiều đợt nên tiểu thương phải nhập hàng với giá cao, giá bán lẻ theo đó tăng là điều hiển nhiên. Đối với thịt heo, giá heo hơi đã tăng tới 10%, nguyên nhân là do nguồn cung từ các tỉnh phía Nam giảm đáng kể. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh cho rằng: Tình hình giá heo đầu vào khá căng thẳng. Chưa Tết mà giá heo hơi đã lên tới 52.000 đồng/kg, cứ đà này tới áp Tết sẽ còn tăng nữa.

Trong khi đó, nhiều người dân đã đặt hàng cá, tôm cho dịp Tết nhưng các chủ thuyền vẫn chưa dám nhận tiền bây giờ vì sợ “hớ” nếu giá các mặt hàng thủy sản tăng mạnh.

Theo lãnh đạo Chi cục QLTT thành phố, từ nay đến Tết Nguyên đán, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tập trung quân số đi kiểm tra theo chuyên đề. Trong đó, sẽ chú trọng về niêm yết giá, chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh doanh. Nếu cần thiết cho thanh kiểm tra chuyên sâu tại các kho hàng của các đơn vị, hộ kinh doanh nhằm làm rõ các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.