.

Đưa lãi suất về dưới 13%

.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Ngân hàng Đà Nẵng vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng: Tăng trưởng tín dụng (TTTD) nhưng phải đi đôi với hiệu quả tín dụng. Đồng vốn tín dụng nếu đi đúng hướng và được đầu tư đúng chỗ sẽ không cần nhiều tiền. Năm 2014 các TCTD cần chú trọng chất lượng tín dụng, không nên thấy TTTD thấp mà vội lo, năm nay sẽ cố gắng hạ mặt bằng lãi suất cho vay từ 1-2%.

Các TCTD đang tháo gỡ khó khăn cùng DN bằng việc tiếp tục giảm lãi suất.
Các TCTD đang tháo gỡ khó khăn cùng DN bằng việc tiếp tục giảm lãi suất.

Trên thực tế, trong thời gian qua mặt bằng lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) đã giảm 3-4%/năm so với năm 2012, giảm 5-7%/năm so với năm 2011, trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất cho vay bình quân bằng VND tại các TCTD trên địa bàn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đến cuối tháng 11-2013 là 11,50%, giảm 2,76% so với cuối năm 2012; bằng ngoại tệ 4,97%, giảm 0,93% so với năm trước… Nhìn chung, các TCTD trên địa bàn đã tích cực giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện tại dư nợ cho vay VNĐ với lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 13% trên địa bàn là 39.652 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ VNĐ. Như vậy, có thể nói vẫn còn đến khoảng 16% dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%. Điều này không những gây ra khó khăn cho doanh nghiệp (DN) mà cũng có thể khiến cho nợ xấu của ngân hàng gia tăng, nếu như các DN tiếp tục làm ăn khó khăn, không có nguồn trả nợ cho ngân hàng.

Ông Huỳnh Văn Quy, Giám đốc Ngân hàng Indovina chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, nỗi trăn trở của giới doanh nhân cũng chính là nỗi trăn trở của ngân hàng. Đó là băn khoăn năm 2014 liệu NHNN có triển khai áp dụng Thông tư 02 hay không, và nếu triển khai, có gây áp lực cho việc hạ lãi suất cũng như giảm nợ xấu?

Trong khi đó, ông Nguyễn Lai, Giám đốc Ngân hàng LD Việt - Thái Chi nhánh Đà Nẵng nêu một thực trạng nếu trước đây, không ít ngân hàng cùng cạnh tranh nâng lãi suất huy động để kéo khách hàng về mình, thì nay lại cạnh tranh bằng cách hạ lãi suất cho vay để kéo khách hàng. Vấn đề khó khăn của DN hiện nay không phải là lãi suất cao hay thấp bởi mức lãi suất hiện nay đã trở về với thời điểm lãi suất thấp nhất. Vấn đề là khả năng hấp thụ vốn của DN rất kém. Bởi vậy, thành phố nên có những chính sách kích cầu thích hợp để DN mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm này, hầu hết các DN đều kỳ vọng “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” sẽ là cú hích để giúp các DN vực dậy sau thời gian dài khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết: Năm 2013, mặc dù hoạt động sản xuất-kinh doanh gặp nhiều khó khăn, riêng trên địa bàn đã có 1.000 DN phải giải thể, nhưng các chỉ tiêu đặt ra của thành phố trong năm 2013 đều hoàn thành. Đặc biệt, thành phố đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Trong nỗ lực để có kết quả này, sự đóng góp của các TCTD trên địa bàn là không nhỏ. Phó Chủ tịch cũng cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng là DN. Ngoài nhiệm vụ cung ứng vốn cho DN, các ngân hàng cũng phải lo đến hiệu quả kinh doanh của mình. Năm 2014, thành phố dành sự quan tâm đặc biệt đến DN cũng là quan tâm đến đối tượng “đầu ra” của các ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng hãy góp sức cùng tháo gỡ khó khăn về trả nợ, về vốn và áp dụng mức lãi suất hợp lý cho các DN.

Trên thực tế, hiện có 6 ngân hàng còn hơn 80% dư nợ cho vay với lãi suất trên 13%. Vì thế, với việc cùng thành phố thực hiện “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, các ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho vay cũ tất cả các khoản vay về mức dưới 13%/năm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.