.

Cần sớm khôi phục hoạt động kinh doanh thực phẩm

.

Ngay khi bão tan, chúng tôi đã có mặt tại các chợ lớn trên địa bàn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Hòa Khánh, hầu như bốn mặt chợ đều đã đóng cửa. Chỉ có lực lượng Ban quản lý làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho tiểu thương.

Theo Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, do lệnh cấm không cho ô-tô từ các địa phương khác vào thành phố trong thời gian bão tiến sát Đà Nẵng nên xe chở hàng hóa không về được chợ Đầu mối. Đến chiều 15-10, mới chỉ có khoảng vài chục tấn hàng rau, củ, quả về chợ Đầu mối Hòa Cường. Hoạt động giết mổ ở các lò gia súc gia cầm tập trung cũng rơi vào tê liệt. Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết: “Bình thường lò mổ lớn nhất là Đà Sơn (quận Liên Chiểu) đưa vào giết mổ khoảng 90-120 con heo, bò/ngày thì đêm 14, rạng 15-10 chỉ mổ đúng 5 con heo và trên 60 con gà, không có một con bò nào”.

Buổi chợ đầu tiên sau bão chỉ lèo tèo vài hộ kinh doanh bán hàng tồn còn lại những ngày trước. Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm nhanh chóng tăng vọt đến 2-3 lần ngày thường. Tại chợ Hòa Khánh, các loại rau, củ, quả đều tăng gấp đôi do lượng hàng về chợ rất ít, trong khi đây là khu vực tập trung nhiều công nhân, sinh viên lưu trú. Nhu cầu lớn đã đẩy mặt hàng thực phẩm đội giá như: rau muống, mồng tơi, rau cải 10.000 đồng/bó (nhỏ), đậu cô-ve 25.000 đồng/kg, hành lá 26.000 đồng/kg, ớt 40.000 đồng/kg, bí đao 15.000 đồng/kg, khổ qua 20.000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg.

Các loại hải sản hầu như không có nhiều và đắt đỏ như cá khế 150.000 đồng/kg (loại bằng bàn tay), cá phèn 60.000 đồng/kg, cá hồng 120.000 đồng/kg, cá lóc 70.000 đồng/kg. Hải sản khác như tôm, mực, ốc, ghẹ… không có ở chợ. Chợ trung tâm huyện Hòa Vang là Túy Loan cũng vắng bóng người mua bán. Trong khi đó, hơn 11 giờ trưa 15-10, Siêu thị BigC mở cửa đón khách. Với giá cả ổn định, những mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là hàng thực phẩm chế biến như rau củ tươi, cá, thịt và nhất là bánh mì. Hàng quán phục vụ cơm bình dân, bún, phở, bánh mì ngưng bán, người dân buộc chọn những loại thực phẩm đóng sẵn như cá hộp, thịt hộp, mì tôm. Song, cũng chỉ có rất ít các cửa hàng, tạp hóa bán trở lại, vì thế giá cả có phần tăng thêm từ 500-1.000 đồng/thứ.

Dự báo trong những ngày tới, giá cả những mặt hàng thực phẩm hàng ngày sẽ còn tăng cao, nhất là các loại rau xanh. Chị Nguyễn Thị Xuyến, tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường nói: Một số tuyến đường ở miền Trung đang bị ngập lụt cho nên bạn hàng vẫn chưa đồng ý chuyên chở hàng vì sợ sẽ bị  hư hỏng giữa đường. Hiện tại, giá còn “mềm” chứ khoảng tuần nữa chắc chắn rau, củ, quả sẽ hiếm.

Trước tình hình đó, ngành Công thương thành phố cần sớm có giải pháp khôi phục hoạt động kinh doanh, cung cấp các loại thực phẩm cần thiết, nhất là mặt hàng rau, củ, quả; đồng thời với việc bảo đảm bình ổn giá cả thị trường sau bão.

Phát hiện tăng giá bất hợp lý, báo số 0913.414.909

Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương: Nhằm tránh tình trạng lợi dụng bão lũ, tư thương đầu cơ tăng giá hàng hóa, Sở đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nếu người dân phát hiện tăng giá bất hợp lý hãy báo qua số điện thoại 0913.414909 để xử lý. Hiện có 8 đơn vị dự trữ hàng hóa, gồm: Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (350 tấn gạo các loại), Chi nhánh Công ty Vissan Đà Nẵng (345 tấn lương thực, thực phẩm), HTX An Hải Đông (200 thùng mì ăn liền, 8 tấn gạo và thực phẩm), Công ty TNHH Đà Nẵng Mễ Cốc (1.500 thùng mì ăn liền, 5 tấn lương thực thực phẩm khác), gạo trắng Nam Bộ (1.000 tấn), mì ăn liền (500 gói) và 50.000 chai nước uống đóng chai 1,5 lít… Riêng các quận, huyện sẽ chuẩn bị lương thực, thực phẩm tại địa bàn theo kế hoạch hợp đồng tại chỗ với các đại lý, cửa hàng.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.