.

Nhiều bộ ngành, địa phương sai phạm tiền tỷ

.

(ĐNĐT) - Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều bộ ngành, địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí, thất thu, vượt chi. Trong khi đó, việc quản lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đang cho thấy nhiều bất cập. Trong đó, tổng nợ phải thu của 21 đơn vị tính tới cuối năm 2010 lên tới hơn 56.000 tỷ đồng.

34/34 tỉnh, thành vượt dự toán chi thường xuyên

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2011 sáng 18-7, 7Kiểm toán Nhà nước cho biết đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan trung ương; 34 tỉnh, thành phố; 37 dự án đầu tư; 9 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 6 chuyên đề; 27 doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng-an ninh; tỉnh ủy 9 tỉnh; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010  tại Bộ Tài chính…

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, năm 2011, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 27,5% dự toán, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực trong quản lý thu NSNN của các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về chi ngân sách, nhiều địa phương đã có sai phạm, điển hình là các lỗi khá “quen” như: ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất với một số dự án chưa phù hợp quy định. Đặc biệt, có chuyện một số địa phương còn tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách, miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định, xét giao đất không qua đấu giá… đã gây thất thoát thu ngân sách nhà nước.

Ttình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN chưa khắc phục được nhiều. Kiểm toán 272 đơn vị thuộc 20 bộ, ngành và 303 đơn vị thuộc 34 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định các khoản thuế, phí phải nộp NSNN tăng thêm 238,4 tỷ đồng.

Giải thích về vấn đề này, kiểm toán Nhà nước cho rằng, tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí tại các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa khắc phục được nhiều. Ngoài ra, một số sai phạm trong công tác quản lý các khoản thu từ đất còn chậm, ban hành giá cho thuê đất với một số dự án chưa phù hợp với quy định.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu tiền sử dụng đất hơn 340 tỷ đồng (Hà Nội 52 tỷ đồng, Bình Dương 30 tỷ đồng, Vĩnh Long 7 tỷ…) và các khoản thuế nội địa 1.228,6 tỷ đồng.

Ngay một số bộ, ngành cũng chưa khắc phục được những sai sót từ năm trước trong quản lý thu nên đã thu nhiều khoản vượt quy định. Kiểm toán Nhà nước nêu đích danh Bộ Công thương đã thu học phí vượt mức quy định tới 146,5 tỷ đồng, Bộ Giáo dục - Đào tạo thu học phí vượt quy định 59,1 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu vượt trên 37 tỷ. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng thu ngoài chế độ tới gần 36 tỷ, Đại học Quốc gia TP.HCM thu ngoài chế độ gần 10 tỷ, Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài chế độ 2,6 tỷ…

Về quản lý chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, 34/34 tỉnh, thành phố được kiểm toán đều vượt dự toán chi thường xuyên, trong đó có tới 8 địa phương vượt mức trên 25%; 26 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, 30 địa phương chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn.

Nợ lớn, lỗ nặng do quản lý kém

Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng nợ phải thu của 21 tập đoàn, tổng công ty tính tới cuối năm 2010 lên tới hơn 56.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, do chưa có biện pháp thu hồi hiệu quả và ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên vốn bị chiếm dụng của nhiều doanh nghiệp vẫn cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn.

Đơn vị kiểm toán đưa ra ví dụ về số nợ phải thu trên tổng tài sản của một số tập đoàn, tổng công ty như Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là 50,88%, Tổng công ty xây dựng đường thủy là 37,58%, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) là 22,73%...

Việc đầu tư ngoài ngành của nhiều đơn vị cũng được kiểm toán Nhà nước đánh giá đã gây ảnh hưởng tới tới nhiệm vụ kinh doanh chính. Đặc biệt, do quản trị kém, nhiều hoạt động đầu tư hiệu quả thấp, bị thua lỗ. Trong đó, riêng EVN với hoạt động viễn thông lỗ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng hay Công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn tổn thất do đầu tư cổ phiếu lỗ khoảng 359 tỷ đồng…

Thẳng thắn hơn, Kiểm toán đánh giá, nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực giao thông có tình trạng cán bộ tham ô, chiếm dụng, hay việc cho các cơ quan khác vay trong khi chính mình cũng đang phải đi vay để sản xuất.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, việc hạch toán tại nhiều doanh nghiệp vẫn sai sót, phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó nhiều doanh nghiệp có doanh thu không phù hợp với chi phí, không đúng kỳ kế toán, hạch toán chi phí lãi vay, khấu hao tài sản cố định không dúng quy định…

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty trong niên độ ngân sách 2010 cho thấy, 19/21 tập đoàn, tổng công ty có lãi.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam là 9.127 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên nguồn vốn sở hữu đạt hơn 34%. Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) có lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng, tổng công ty xi măng VIệt Nam (VICEM) là 1.073 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, đánh giá của Kiểm toán cũng cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, đặc biệt có thể kể tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lợi nhuận trước thuế năm 2010 lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.

Nói thêm về Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ chế hạch toán giá thành điện của tập đoàn này chưa tính toán các khoản thu có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện. Ngoài ra, quy hoạch ngành thép, xi măng chưa phù hợp với quy hoạch ngành điện, điều này tạo nên thực trạng thiếu điện, phải mua bên ngoài và phát nguồn điện giá cao.

Theo Vietnam+, TTO

;
.
.
.
.
.