.

Mơ về phố đêm

.

Sau một thời gian thí điểm, hầu hết các tụ điểm được phép triển khai loại hình giải trí sau 24 giờ đã không thể phát huy hiệu quả. Trong khi đó, những nhà làm du lịch ở Đà Nẵng mơ về một phố đêm có sức thu hút du khách ở khu vực chợ Hàn, vốn manh nha từ những loại hình nghệ thuật đường phố trong nhiều tháng qua.

Seventeen Saloon, một trong những quán bar khai thác khách du lịch rất tốt với những chương trình giải trí được thiết kế mang phong cách riêng.
Seventeen Saloon, một trong những quán bar khai thác khách du lịch rất tốt với những chương trình giải trí được thiết kế mang phong cách riêng.

Dịch vụ về đêm phải được xâu chuỗi

Nói về hoạt động của các cơ sở thí điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (TTXTDL) Đà Nẵng lý giải: “Chủ yếu do các doanh nghiệp đã đầu tư không xứng tầm để trở thành một tụ điểm giải trí dành cho khách du lịch, nhất là đối với khách nước ngoài. Và vì thế, phong cách phục vụ, âm nhạc, cách trang trí... đã không thể thích ứng với thị hiếu du khách”.

Vài lần đưa du khách đến các tụ điểm giải trí, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà nhận xét: “Đầu tư không kỹ và chỉ thích hợp với đối tượng giới trẻ trong cộng đồng dân cư nên không thu hút. Những khách mong chờ tính giải trí nhẹ nhàng, uống một ly bia, nghe tiếng nhạc nhè nhẹ, quan sát cách sinh hoạt của những khách địa phương... thì hầu như chưa được đáp ứng”. Tuy nhiên, theo ông Trần Phước, người quản lý trực tiếp bar Seventeen Saloon - đơn vị hiếm hoi nằm trong chương trình thí điểm hoạt động có hiệu quả, dù được phép hoạt động đến 2 giờ sáng, nhưng thực chất trước 1 giờ, cơ sở đã phải “gói ghém” chương trình để không bị “hỏi han”. “Trong khi khách nước ngoài có tập quán khác khách nội địa, họ thích chơi khuya hơn, nhưng chúng tôi không thể phục vụ. Đà Nẵng là thành phố du lịch và du khách tới đây để thư giãn, nên chúng ta phải tạo một cơ chế thoáng mở hơn để khai thác chi tiêu và đáp ứng tốt nhu cầu lành mạnh của họ”, ông Phước nói.

Bằng cách kinh doanh của mình, Seventeen Saloon đã tạo nên dấu ấn riêng phù hợp với đối tượng khách du lịch, có khả năng thu hút khoảng 200 người/đêm đối với những chương trình đặc biệt hằng năm. Song, theo nhiều chuyên gia về du lịch, dù Seventeen Saloon hoặc một số điểm có thể hoạt động tốt, nhưng cũng chưa phải là nơi tập trung du khách, nếu các địa điểm dàn trải trong nhiều không gian khác nhau. “Cần phải xâu chuỗi để làm nên một hệ thống, để khi nghĩ tới việc giải trí về đêm, người ta sẽ nghĩ ngay đến một khu nào đó, dần dần hình thành thói quen trong du khách và cả cộng đồng dân cư. Chúng ta có thể thu hút du khách về đêm rất tốt, chỉ cần kiểm soát và quản lý hiệu quả để không nảy sinh biến tướng”, ông Bình đề nghị.

Đêm Bạch Đằng: Nhẹ nhàng mà thu hút

Không ồn ào, nhưng các dịch vụ hình thành cách đây không lâu trên vỉa hè đường Bạch Đằng do các nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng “chủ xị” đã thu hút rất nhiều người dân và du khách hằng đêm. Chỉ với bộ cọ, giấy và giá vẽ, 3-4 sinh viên năm 3, năm 4 đã khiến mọi người tròn mắt vì những bức chân dung truyền thần sắc sảo và có hồn. Từ 19 giờ, bất cứ khi nào cũng có đám đông người dân và du khách xúm xít quanh các điểm này xem tranh vẽ, bình luận, xuýt xoa khen ngợi. Ở một góc khác, một ông đồ trẻ cũng xuất phát từ trường này đang vung tay những đường thư pháp như rồng bay phượng múa.

Hai tuần một lần, chương trình âm nhạc đường phố tối thứ bảy với những chủ đề và phong cách khác nhau bắt đầu từ năm ngoái đã trở thành điểm hẹn cuối tuần của cộng đồng dân cư và du khách. Có mặt ở vỉa hè đường Bạch Đằng vào một tối như vậy, anh Lê Nguyên Song - Việt kiều đang đi tour xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh - nói rằng anh đã từng đến Đà Nẵng 2 lần, và đây là lần anh cảm thấy thú vị nhất khi được hòa vào dòng người, xem những loại hình nghệ thuật đường phố nhẹ nhàng nhưng rất cuốn hút. “Không cần phải quy mô, hoành tráng, nhưng những dịch vụ này có thể giúp khách tham quan như chúng tôi có được những trải nghiệm dễ thương, tận hưởng không gian thoải mái”, anh Song cho hay.

Ông Bình cũng chia sẻ ý định về việc hình thành một khu phố đêm với tâm điểm là chợ Hàn. Ông nói rằng, cần phải hình thành một chuỗi dịch vụ liên hoàn, bao gồm khu mua sắm ở chợ Hàn và các tuyến đường lân cận như Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học, khu ẩm thực phục vụ thức ăn nhanh ở mặt sau chợ Hàn trên đường Bạch Đằng, đối diện đó là những chương trình âm nhạc đường phố với cách chọn ban nhạc biểu diễn thoáng hơn, ngẫu hứng và gây chú ý nhiều hơn. “Tôi cho rằng, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để thực hiện khu phố đêm, mà cần hình thành thói quen trước đã. Khi đó, thấy nhu cầu thị trường tốt, tự dưng nhiều đơn vị sẽ cùng hào hứng bắt tay vào”, ông nói.

Theo dự đoán của ông Bình, đối với cụm dịch vụ đêm tại đây, ngoài lượng khách hằng đêm dạo chơi trên vỉa hè đường Bạch Đằng, còn có nguồn khách không nhỏ lan tỏa ra từ các khách sạn chung quanh sẽ sớm làm sôi động khu vực này.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.