.

Suất ăn công nghiệp và chữ “tâm” của người kinh doanh

Suất ăn công nghiệp là bữa cơm giữa ca làm việc của công nhân, nhân viên các nhà máy, xí nghiệp. Trước đây, bữa ăn này do người lao động tự lo. Một số đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức bữa cơm giữa ca tại nhà ăn của mình, hoặc từ căng tin…
 

Tuy nhiên, với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, mặt bằng khó khăn nên việc tổ chức bữa cơm ca tại nhà máy trở nên phức tạp và không hiệu quả, nhất là với các doanh nghiệp có số người lao động trong ca lớn. Việc người lao động tự lo bữa ăn từ nhà vất vả và tốn thời gian, nên xu hướng “gặp đâu, ăn đấy” khá phổ biến. Chính vì vậy, vài năm gần đây, một ngành dịch vụ mới là sản xuất suất ăn công nghiệp ra đời.

Theo số liệu thống kê, tại Đà Nẵng hiện có gần 10 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này. Một số cơ sở có uy tín với vài ngàn suất ăn mỗi ngày như Công ty TNHH An Thạnh, Cơ sở Đại Kim Sơn (321 Nguyễn Tri Phương), Công ty TNHH An Khánh… Khách hàng chủ yếu của các cơ sở này là các công ty có 100% vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh tại các khu công nghiệp và một số đơn vị khác. Giá mỗi suất ăn phổ biến từ 6.500 đồng đến dưới 10 nghìn đồng. Cá biệt, có các đơn vị đặt suất ăn lên tới vài chục ngàn đồng.

Cái khó của việc cung cấp suất ăn công nghiệp là vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng, an toàn cho người dùng, nhưng phải có giá cả hợp lý. Với mức giá nêu trên, các cơ sở sản xuất có một mức lãi vừa phải để phát triển là rất khó. Các cơ sở phải thực hiện quy trình kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng, như lưu mẫu thức ăn, quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Phúc Phát, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Khánh - cơ sở đầu tiên chế biến suất ăn công nghiệp tại Đà Nẵng cho biết: Muốn làm được nghề này, trước tiên phải có “tâm”, cho dù người đó ở vị trí nào tại cơ sở. Vì sản phẩm của cơ sở ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, do vậy, cho dù mục đích của mọi cơ sở sản xuất kinh doanh là phải có lợi nhuận, nhưng đối với ngành này, nếu kiếm lợi nhuận bằng bất cứ giá nào sẽ không thể tồn tại.

Quá trình sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối đều không được sai sót, không thể có sản phẩm, nguyên liệu không đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, do những khó khăn của quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nông dân, ngư dân, nên dễ gây hậu quả cho các cơ sở chế biến. Vì thế, đây là một nghề mang tính rủi ro cao. Chưa kể một vài chính sách khác mà các cơ sở phải chịu thiệt thòi.

Đơn cử: khi mua sản phẩm của nông dân, ngư dân không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhưng khi bán sản phẩm bắt buộc phải có, nên các cơ sở phải chịu thay phần thuế của nông dân và ngư dân mà không được khấu trừ. Ông Châu Quang Anh, chủ cơ sở An Thạnh (KCN Hòa Khánh) cho biết: Chỉ riêng việc phải tuân thủ quy trình sản xuất theo một chiều (từ khâu nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến và ra thành phẩm không được lặp lại ở bất cứ khâu nào) nhằm bảo đảm vệ sinh thì cơ sở vật chất, nhà chế biến cũng phải đầu tư khá nhiều tiền.
 
Theo tính toán của các chủ cơ sở, để có một cơ ngơi với một dây chuyền sản xuất 1.500 suất ăn trở lên phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, chưa kể một số vật dụng khác. Các hầm chứa thực phẩm, lưu giữ và bảo quản thực phẩm có yêu cầu rất cao. Tuy nhiên, chỉ cần mất điện đột ngột trong vòng vài giờ, nếu không có máy phát điện dự phòng, các thực phẩm trên phải đem sử dụng ngay hoặc phải bỏ đi vì nếu sử dụng sẽ không an toàn.

Là một ngành công nghiệp-dịch vụ không thể thiếu tại đô thị, hy vọng nghề này sẽ phát triển mạnh và đáp ứng nhu cầu khá đa dạng của các doanh nghiệp, để công nhân có bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe lao động trong thời buổi giá cả cao như hiện nay.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.