Khắc phục hậu quả sau mưa lớn, báo cáo thêm nhiều điểm ngập sâu

.

ĐNO - Sáng 26-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành báo cáo về tình hình triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, trong đó có đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai Công văn số 5191/UBND-PCTT ngày 25-9-2023 của UBND thành phố và thống kê thêm các khu vực, điểm ngập úng sâu do các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang vừa báo cáo.

Đường Lạc Long Quân bị ngập nước vào ngày 25-9-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đường Lạc Long Quân bị ngập nước vào ngày 25-9-2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức dọn vệ sinh môi trường sau mưa, ngập úng.

UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ nạo vét, khơi thông cống thoát nước thuộc phạm vi quản lý để hạn chế tình trạng ngập cục bộ; vận động người dân khơi thông, không làm cản trở dòng chảy tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang theo địa bàn quản lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trái phép, gây cản trở thoát lũ, lưu thông dòng chảy ở các khu vực cũng như tự ý tích nước để tổ chức sản xuất trái quy định pháp luật.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, vệ sinh cửa thu nước mưa trên mặt đường.

Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các sở liên quan đến công tác xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức phòng, chống thiên tai cho các công trình xây dựng; phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang; chỉ đạo các đơn vị thi công chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị thi công để xử lý kịp thời trong tình hình phức tạp, cần hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn có thể xảy ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thông báo kịp thời cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm...

Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu và kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, đề nghị của các cấp chính quyền.

Sở Du lịch thông tin về tình hình thiên tai cho các đơn vị, trụ sở, cơ sở hạ tầng du lịch và khách du lịch trước, trong và sau thiên tai; sẵn sàng lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, bảo đảm an toàn và thông suốt các tuyến giao thông chính; chỉ đạo khẩn trương rà soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất, đá, triển khai ngay các giải pháp an toàn và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm; tham gia điều tiết giao thông tại các khu vực xảy ra ngập úng, cây xanh, trụ điện ngã đổ,…

Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến của mưa, lũ, thời tiết để quyết định cho học sinh, sinh viên và học viên nghỉ học; đồng thời phối hợp với chính quyền địa kiểm tra, xử lý cây xanh trong khuôn viên trường học, bảo đảm an toàn cho việc dạy và học.

Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương thi công các công trình kè khẩn cấp và các công trình phòng chống thiên tai thực hiện hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2023.

UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp tham gia cùng với các lực lượng địa phương ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau mưa lũ...

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự quận Liên Chiểu, tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), các tổ dân phố, 21, 23, 113, 124 bị ngập sâu 50cm; các tuyến đường Nam Trân, Nguyễn Thái Bình, Lê Sao, Lê Trọng Tấn, Tô Hiệu, Ngô Chân Lưu, Tân Trào, Hồng Thái, kiệt 64 và kiệt 92 đường Trần Đình Tri bị ngập sâu 40cm.

Tại phường Hòa Khánh Nam, các tổ 35, 36, 37, 42 (đường Mẹ Suốt); tổ 45, 47 (đường Đà Sơn 2); tổ 50 (đường Hoàng Minh Thảo); tổ 65 (đường Nam Cao nối dài); tổ 68, 70 (đường Hoàng Văn Thái) bị ngập sâu từ 20-40cm.

Tại phường Hòa Khánh Bắc, tổ 17 (kiệt 80/18 đường Nguyễn Chánh) bị ngập sâu 60cm, tổ 26  (kiệt 294 đường Nguyễn Lương Bẳng) bị ngập sâu 40cm; các tổ 21, 22, 23 (đường Lạc Long Quân) bị ngập sâu 30cm; các tổ 65, 66 (kiệt 317 đường Âu Cơ), 70, 71, 79, 80 (đường Lê Công Kiều) bị nước từ trên núi chảy xuống, không thoát kịp; một số nhà dân ở tổ 72 (gần chợ Thanh Vinh) bị nước tràn vào nhà và nhiều đoạn đường, khu vực dân cư bị ngập cục bộ. Tổ 2 và kiệt 91 Ngô Xuân Thu thuộc phường Hòa Hiệp Bắc bị ngập sâu 20-50cm.

Các tuyến đường ở khu phố chợ Hòa Hải, tổ 48, 51 thuộc phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) bị ngập khoảng 20 nhà; các kiệt 16 đường Bà Bang Nhãn, kiệt 12 và 16 đường Đặng Thái Thân bị ngập cục bộ sâu 20cm.

Tại quận Cẩm Lệ, một số nhà dân ở tổ 22 thuộc phường Hòa Phát, khu vực đông nam nút giao thông Hòa Cầm, kiệt 29 đường Trần Ngọc Sương, và một số lớp học của Trường tiểu học Trần Nhân Tông (cơ sở đường Bình Thái 1) bị nước tràn vào; đường lên nghĩa trang Giếng Trắng tiếp tục sạt lở.

Khu vực ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ bị ngập sâu 30cm; đường Bình Hòa 1,2,3,5 bị ngập sâu 40cm; đường Bình Hòa 15 ngập sâu 30cm. Các tuyến đường thuộc tổ 5, 7 thuộc phường Hòa Thọ Tây bị nước, đất, đá, bùn từ dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ tràn xuống.

Tại huyện Hòa Vang, đường tràn thôn Lộc Mỹ và các tuyến đường thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) bị ngập cục bộ; 3 nhà dân ở khu vực Hố Dư bị ngập.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.