.

Địa chỉ tin cậy về bảo tồn đa dạng sinh học

.

Trung tâm GreenViet (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập vào cuối năm 2012.

Những thành viên “Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học”.
Những thành viên “Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học”.

Từ khi thành lập đến nay, trung tâm luôn chủ động nâng cao năng lực tổ chức để thực hiện tốt các hoạt động theo hướng hiệu quả và mang lại lợi ích cho cộng đồng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

Khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có vài mối quan hệ sơ giao với các cá nhân, tổ chức, chưa có nguồn tài chính chi trả lương, cũng chưa có dự án để thực hiện. Năm 2013, nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ tích cực của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố và các sở, ngành chức năng liên quan, Trung tâm tập trung thực hiện một số hoạt động có ý nghĩa như “Chương trình khám phá thế giới động vật hoang dã” tại khu nuôi thú ở Công viên 29-3; tư vấn dự án “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thành phần vi sinh vật trong hệ tiêu hóa của loài Chà vá chân nâu ở Sơn Trà”; tổ chức khóa tập huấn phát triển cộng đồng dựa vào nội lực và do người dân làm chủ.

Năm 2014, Trung tâm có bước đột phá trong việc vận động nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện 21 hoạt động chính với tổng kinh phí tới 100.000 USD; trong đó, có 11 chương trình về truyền thông và giáo dục, 10 chương trình về nghiên cứu khoa học. Một số hoạt động tiêu biểu như khóa tập huấn quốc tế về “Phát triển kỹ năng giáo dục cộng đồng hiệu quả hướng đến bảo tồn thú linh trưởng ở châu Á”; dự án “Giảm thiểu tiêu thụ động vật hoang dã tại thành phố Đà Nẵng”; chương trình “Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà”... 

Ngoài các dự án có nguồn kinh phí lớn trên, Trung tâm còn thực hiện nhiều hoạt động truyền thông và nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa sâu rộng cho xã hội như: “Tôi yêu Sơn Trà” là chương trình miễn phí được tổ chức vào chiều chủ nhật mỗi tuần để nâng cao ý thức bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà; tư vấn dự án tái hòa nhập loài voọc Hà Tĩnh vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; khảo sát vùng phân bố của loài voọc chà vá chân xám tại tỉnh Kon Tum.

Sau 3 năm hoạt động, nhờ có định hướng đúng trong chiến lược phát triển, nhất là nhờ tổ chức có hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch, Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy về bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố, trong nước mà còn cả với các đối tác quốc tế. Nhờ vậy, Trung tâm đã có chương trình hợp tác với Vườn thú San Diego của Mỹ; Trung tâm là thành viên trong Ban điều hành Mạng lưới các tổ chức hoạt động về biến đổi khí hậu tại miền Trung nhiệm kỳ 2014 - 2016 và mạng lưới phóng viên báo chí thân thiện với Trung tâm hơn 30 thành viên nên việc truyền tải sự kiện truyền thông của Trung tâm đến cộng đồng nhanh, sâu rộng và hiệu quả.

Để có những thành công bước đầu như vậy, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Đó là nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên; chủ động tìm kiếm đối tác và giữ mối quan hệ, đặc biệt với các đối tác nước ngoài, những chuyên gia đầu ngành; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch nhằm mang lại phúc lợi tối đa cho cộng đồng; phát huy tính sáng tạo, tính linh hoạt trong quản lý và thực hiện; khung pháp lý và sự quan tâm của đơn vị chủ quản, cơ quan Nhà nước.

Trong thời gian qua, Trung tâm GreenViet đạt được những thành công trên nhờ có vai trò to lớn từ sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quản chủ quản, thừa hưởng các chính sách thuận lợi như thủ tục hành chính của UBND thành phố giải quyết nhanh chóng, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Đơn vị chủ quản không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mà còn kết nối cơ hội hợp tác cho Trung tâm tăng khả năng tiếp cận và nhận viện trợ.

Th.S TRẦN HỮU VỸ

Giám đốc Trung tâm GreenViet

;
.
.
.
.
.