.

Chất lượng môi trường ở Đà Nẵng đã được cải thiện

.

ĐNĐT - Đó là đánh giá của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng tại Hội thảo “Hoạt động Hỗ trợ bình duyệt lần thứ 3 tại TP. Đà Nẵng” do Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng TP. Đà Nẵng (CCCO) phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 8-4.

Một góc thành phố Đà Nẵng.
Một góc thành phố Đà Nẵng

Năm 2008, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường; là nơi làm ăn, học tập, sinh sống tốt đẹp cho người dân, hay nói cách khác xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống”. Bên cạnh ý nghĩa về mặt môi trường, đề án còn là “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình về ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh… Có thể nói, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng và ban hành đề án này.

Và qua 5 năm triển khai đề án, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Cơ bản chất lượng môi trường của thành phố đã được cải thiện, nhất là cảnh quan xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, đồng thời, tạo được cuộc sống an toàn, đảm bảo cho sức khoẻ người dân”. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 9/10 điểm nóng ô nhiễm môi trường được giải quyết; tỷ lệ đấu nối nước thải sản xuất trong khu công nghiệp đạt 97%. Hầu như toàn bộ nước thải đã được xử lý, không còn tình trạng thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Không những thế, một phần chất lượng môi trường không khí cũng được cải thiện; tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trên 5 m2/người; chất thải rắn được quản lý tốt. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trong khu vực đô thị đạt 98%, toàn thành phố đạt 93%, ý thức bảo vệ môi trường được phổ cập tới các cấp cộng đồng, các em học sinh…

Về phía UNIDO, ông Jan Distus, chuyên gia cao cấp của UNIDO, cho rằng thành phố Đà Nẵng cần nói rõ cơ chế trao đổi thông tin như thế nào với các quận, huyện để tạo sự thống nhất trong việc thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Đồng thời, Đà Nẵng đã có các chính sách nào liên quan đến việc thu gom, tái chế rác thải; sự tham gia của cộng đồng như thế nào trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường.

Trả lời những vấn đề UNIDO đặt ra, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, sau khi thành phố ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, mỗi quận, huyện trên cơ sở đó sẽ xây dựng đề án cụ thể cho địa phương mình. Phía thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện đề án, mỗi năm thành phố tổ chức các cuộc họp để lãnh đạo UBND các quận, huyện thảo luận, đánh giá và đề xuất những giải pháp, vướng mắc trong việc thực hiện đề án, từ đó tạo ra sự chặt chẽ, thống nhất trong triển khai.

Đối với việc quản lý và tái chế rác thải, tỷ lệ tại thành phố Đà Nẵng vẫn thấp. Trước đây, thành phố cũng đã có nhiều mô hình liên quan đến tái chế rác thải nhưng chưa thực sự thành công. Đối với các vấn đề về môi trường, cộng đồng địa phương cũng đã tham gia tích cực thông qua chiến dịch hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh; Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp...

Mặc dù đạt được những kết quả về công tác xây dựng thành phố môi trường, song việc triển khai đề án vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về mặt quản lý, kỹ thuật, công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. “Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố cần bổ sung và tiếp tục đánh giá một số tiêu chí mới trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Cụ thể như việc kiểm soát các chỉ số ô nhiễm không khí công nghiệp, giao thông, sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo, kiểm kê và kiểm soát phát thải khí nhà kính… để việc thực hiện đề án được đảm bảo”, ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh.

Với những kết quả đạt được, liên tục nhiều năm, Đà Nẵng được đánh giá là đô thị sạch nhất trong cả nước với tỷ lệ chất thải rắn thu gom cao.

Năm 2011, Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam được ASEAN bình chọn thành phố bền vững về môi trường ASEAN.

Năm 2012, Hiệp hội Đô thị Việt Nam bình chọn Đà Nẵng là đô thị sạch và được Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đánh giá thành phố phát thải cacbon thấp.

Năm 2013, Đà Nẵng được lựa chọn là thành phố “Phong cảnh thành phố châu Á”; Quỹ Rockerfeller đã công bố Đà Nẵng là 1 trong 33 thành phố trên thế giới lọt vào Chương trình 100 thành phố có khả năng ứng phó BĐKH. Và cũng trong năm 2013, Đà Nẵng được Hiêp hội các Đô thị Việt Nam bình chọn là đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh- sạch- đẹp.

Tin và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.