.

Giao thông đô thị nhìn từ vỉa hè

.

Lâu nay, Đà Nẵng vẫn được xem là một trong những thành phố tổ chức giao thông đô thị một cách khoa học, ý thức tham gia giao thông của người dân khá cao.

Điều này được bạn bè và du khách khi đến tham quan thành phố đều trầm trồ khen ngợi. Tuy vậy, trong sự trầm trồ khen ngợi của bạn bè, chúng ta vẫn không khỏi lo âu bởi một số hiện tượng kể dưới đây đang từng ngày đe dọa đến hình ảnh đô thị và giao thông của thành phố.

Vào đầu giờ sáng hoặc giờ tan tầm, dọc các con đường có buôn bán, nếu quan sát, chúng ta thấy hầu như khách hàng đi xe máy giao dịch với các cửa hàng, quầy tạp hóa, tiệm bánh mì… đều vô tư để xe hoặc đậu xe dưới lòng đường trong khi lề đường còn chỗ để. Tại các ngã ba, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, cũng chỉ vì mưu sinh kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc học mà đã có không ít các em sinh viên đứng dưới lòng đường phát các tờ rơi quảng cáo chương trình ca nhạc, cho vay tín chấp, câu lạc bộ gia sư… cho người đi đường.

Một số người đi đường cất vào túi áo để khi cần xem thông tin; nhưng rất ít người thực hiện như vậy, hầu như vừa cầm, vừa thả theo chiều gió bay khắp đường phố. Các em học sinh trên đường đi học và tan trường cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên trước những điều đang diễn ra trước mắt các em. Thử hỏi người lớn còn như vậy thì các em với những điều học trong nhà trường về an toàn giao thông, ý thức tham gia giao thông không tròn xoe mắt thì mới lạ.

Những tiệm rửa xe cứ tha hồ xả nhớt trên vỉa hè và mỗi sáng lại xịt nước rửa vỉa hè mặc cho nước bắn tung tóe văng lên người đi đường, khi được nhắc nhở thì quay sang cãi lại. Một số hộ dân vô tư đắp thêm các giá đỡ bằng xi-măng hoặc sắt nằm dưới lòng đường và tiếp giáp với lề để xe thuận tiện lên xuống như ở đường Ông Ích Khiêm, Nguyễn Chí Thanh (đã có trường hợp người dân phản ánh khi đang thực hiện và UBND phường Thạch Thang đã có mặt kịp thời và buộc tháo dỡ) là những ví dụ cụ thể. Còn các đơn vị thi công công trình ngầm, khi thiết kế cống bể và đậy đan lên lại cao hơn cốt nền vỉa hè gây ra không ít nguy hiểm cho người đi bộ.

Những điều kể trên tuy chưa đến mức báo động. Nhưng để đạt mục tiêu một thành phố văn minh, an bình thì ngay từ bây giờ cần lắm sự sâu sát, cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tăng cường công tác quản lý.

Một trong những giải pháp cụ thể, theo chúng tôi, để khắc phục tình trạng trên đó là các cơ quan Nhà nước cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về ý thức giao thông đối với người tham gia giao thông tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp; phối hợp với các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố để tuyên truyền trong đối tượng sinh viên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tham gia phát tờ rơi quảng bá của các em trên đường phố; các nội dung về giao thông, đô thị cần đưa vào chương trình của các buổi họp tổ dân phố tại khu dân cư.

Có như vậy mới có thể tăng tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về giao thông, đô thị trên địa bàn thành phố để những hiện tượng nêu trên sẽ thực sự được chấm dứt và đó cũng là kết quả cụ thể nhất về tính hiệu quả, thiết thực của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố.

TRƯƠNG HỘI AN

;
.
.
.
.
.