.

Cần có một phố sách ở Đà Nẵng

.

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4 lần đầu được tổ chức theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta rất nên bàn về việc hình thành một phố sách ở thành phố Đà Nẵng.

Một nhà văn ở ta vừa phát biểu rất đúng, nhân chuẩn bị cho Ngày sách Việt Nam 21-4, đại ý là các bậc phụ huynh ngày nay lo con cái còi xương, chú tâm bồi bổ thể chất cho các cháu, nhưng lại không quan tâm lắm việc các cháu bị còi cọc về tâm hồn, về tri thức, về nhận thức thẩm mỹ. Nhiều ông bố bà mẹ rất băn khoăn lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn, nhưng lại ít để ý đến đủ các loại “sách bẩn” đang hủy hoại tâm hồn thơ ngây trong sạch của các cháu. Trong những hoạt động có tính bổ trợ cho việc đọc sách của đông đảo nhân dân thì việc tổ chức và duy trì một phố sách ở trung tâm thành phố là giải pháp hữu hiệu. Tính chất xã hội hóa rộng rãi về thưởng thức sách có lẽ thể hiện rõ nhất ở phố sách chứ không phải ở các thư viện, nơi đòi hỏi nhiều thao tác mang tính thủ tục hành chính mới có thể cầm được quyển sách cần đọc trên tay.

 Cần hiểu phố sách không giống như một cuộc triển lãm sách, không giống như hình thức ngày hội sách, trống giong cờ mở, băng-rôn đỏ rực, khách tham quan đông đúc vào ra, được vài ba ngày là kết thúc. Phố sách, tuy so sánh có phần khập khiễng, nhưng nó giống như phố ẩm thực mà lâu nay ta vẫn bàn nhiều và đã làm, chỉ có điều ở đấy bày bán những món ăn tinh thần, chứ không phải các thức ăn để khoái khẩu trong chốc lát. Đã là một phố mang tính chuyên đề như vậy thì không thể chỉ tổ chức theo lối “ăn xổi ở thì”, mà nó phải trở thành một địa chỉ cố định.

Ở nước ta, không kể những siêu thị sách, hình như khái niệm phố sách đúng nghĩa chỉ có ở Hà Nội với một con phố nhỏ nhưng người mê sách thường tìm đến, đó là phố Nguyễn Xí, ngay trung tâm Thủ đô. Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có những con đường mà những người bán sách cũng mang sách tới đó bày la liệt trên vỉa hè, cũng đủ các loại sách, nhưng bán theo giờ nhất định, và theo lối “du kích”. Khi có công an hoặc dân phòng đến giải tán thì lại “rút lui có trật tự”. Ở Nha Trang, một thành phố du lịch, thỉnh thoảng cũng gặp những phố nhỏ có nhiều hiệu liền kề bán và cho thuê sách tiếng nước ngoài phục vụ du khách.

Thành phố Đà Nẵng, một địa phương phát triển năng động về kinh tế, một thành phố đón nhiều triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm, một thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng và phổ thông các cấp, nhất thiết phải có một đường phố chuyên dành cho sách.

 Phố sách không chỉ bày bán sách, mà còn là nơi trao đổi sách của những người sưu tầm, nghiên cứu; hoặc mua bán sách cũ với giá hợp lý vừa túi tiền, để cho mỗi quyển sách có giá trị đến đúng nơi mà người ta cần. Trên thực tế, việc trao đổi này hiện vẫn đang diễn ra trong phạm vi một số người thân quen cùng sở thích hoặc tại cơ sở của một số người sưu tầm có tiếng ở Đà Nẵng. Nay khi có chủ trương một phố chuyên đề sách, việc trao đổi sách sẽ diễn ra trên phạm vi rộng lớn hơn.

Phố sách cũng không chỉ là nơi bày bán sách, mà còn có các tác phẩm ảnh nghệ thuật, tranh nghệ thuật, hàng lưu niệm, v.v… Trong khuôn viên của phố sách, vào những dịp lễ hội đặc biệt, có thể tổ chức cho công chúng yêu sách có dịp giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với các tác giả mà họ từng đọc, từng yêu mến…Việc này lâu nay thường diễn ra ở các thư viện, các trường đại học, ở các hội văn nghệ, nhưng một khi chúng ta đã có phố sách, nếu tổ chức được các sự kiện như vậy sẽ rất thú vị. Còn nhiều điều có thể nghĩ thêm, một khi lãnh đạo thành phố quyết định chọn một đường phố để làm phố sách.

Hình dung sơ bộ như vậy cũng đủ thấy nếu một phố sách ra đời sẽ là địa điểm hấp dẫn không kém đối với người dân địa phương và du khách.

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.