.

Thiết kế công trình vùng lũ phải hợp lý

.

Là khu vực thường bị ảnh hưởng lũ lụt, khi xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở, cơ quan chức năng và người dân Hòa Vang đều tính đến yếu tố lũ. Theo người dân địa phương, những công trình bị thiệt hại nặng do lũ chủ yếu bất cập trong thiết kế và thi công.

Đúng ra khi thiết kế phải tham khảo ý kiến người dân sở tại, bởi họ là người biết rất rõ tác động của lũ đến công trình. Ví như, với kênh mương, đường sá, phía ta-luy âm, tức là hướng chảy ra của lũ, nhất thiết phải gia cố chắc chắn, cống (hoặc cầu) qua đường, qua kênh phải nhiều về số lượng và khẩu độ lớn. Thực tế, hầu như tất cả kênh mương, đường sá tại vùng lũ đều không được quan tâm đến yếu tố này. Mái ta-luy âm không hề được gia cố cứng; cống qua đường vừa ít, vừa nhỏ. Khi lũ về, kênh, đường trở thành đê chắn lũ. Hậu quả là liên tục bị lũ cuốn trôi.

Gia cố bằng đá ghép mí tại các tuyến đường qua vùng lũ ở Hòa Vang.
Gia cố bằng đá ghép mí tại các tuyến đường qua vùng lũ ở Hòa Vang.

Nói về thực trạng này, nhiều người dẫn chứng một loạt công trình từng bị hư hỏng do lũ, không chỉ tốn kém kinh phí khắc phục mà nông dân tốn nhiều tiền của, công sức xúc hốt đất đá bồi lấp trên ruộng. Đơn cử như kênh chính trạm bơm An Trạch, đường ĐT 409, đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Phong, cống qua đường vào thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, cầu tràn Nà Gối ở xã Hòa Phú…

Ông Nguyễn Đính, Trưởng thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, cho biết: Trước đây, hễ lũ về là mọi người biết trước thế nào kênh chính trạm bơm An Trạch đoạn cách trạm bơm chừng 100m bị cắt đứt. Đoạn đó dòng chảy của lũ rất mạnh. Ít nhất 4-5 đợt lũ kể từ ngày đưa vào sử dụng, đoạn kênh này bị cắt đứt hoàn toàn. Tình trạng đó chỉ chấm dứt sau khi năm 2010, cùng với việc khắc phục hậu quả lũ đã thay đổi thiết kế bằng cách hạ độ cao đoạn dài 50m và gia cố bê-tông cốt thép phía

ta-luy âm. Thực ra, hồi đưa kênh vào sử dụng, nhân dân địa phương đã nhận thấy sự bất cập này và lường trước hậu quả. Nếu như ngay từ đầu, thiết kế hợp lý hơn thì không bị thiệt hại liên tục như vậy. Hiện tại, kênh nhánh N5 cũng lâm vào tình trạng tương tự. Hễ lũ về là sạt lở đoạn dài chừng 60m.  

Minh chứng cụ thể nhất về sự bất cập trong thiết kế công trình qua vùng lũ là đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi Hòa Phong. Đây là đường mới hoàn toàn, vốn đầu tư 23 tỷ đồng cho hơn 4km. Kể từ khi thông xe, đợt lũ đầu tiên (2011), đường bị sạt lở rất nghiêm trọng. Đợt lũ vừa qua, tình trạng lặp lại như cũ. Nói về thiệt hại không đáng có này, ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho rằng, đường xuyên qua vùng lũ mà cống qua đường vừa ít, vừa nhỏ, ta-luy âm không được gia cố chắc chắn, hư hỏng là điều tất yếu. Không chỉ đường bị sạt lở mà các thôn ven sông Yên còn bị lũ quét đe dọa, điều chưa từng xảy ra khi chưa xây dựng đường.

Nói về chất lượng công trình đang thi công ở vùng lũ Hòa Vang, ông Trần Cảnh Quy, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết: 3 yếu tố cần được quan tâm nhất hiện nay: Một là, khâu thiết kế phải thật sự khoa học, hợp lý. Cùng với việc khảo sát kỹ lưỡng về địa chất, yếu tố tác động của tần suất lũ và ý kiến đóng góp của người dân địa phương cần được chú trọng. Hai là, đặc biệt coi trọng khâu chất lượng. Ba là, công tác duy tu bảo dưỡng công trình phải tiến hành thường xuyên…

Theo chúng tôi, trước mùa lũ, việc kiểm tra, tu bổ các công trình trên vùng lũ phải triển khai kịp thời. Sau lũ, những công trình bị thiệt hại, cần đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, đừng để công trình hư hỏng do thiết kế, thi công nhưng hậu quả Nhà nước và nhân dân gánh chịu.

NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.