.

Thật là xót xa

Hôm qua (19-12), giữa thanh thiên bạch nhật, trên địa bàn phường Thuận Phước (quận Hải Châu), một thanh niên xông vào tiệm làm đẹp, truy sát dã man rồi tưới xăng đốt một cô gái 24 tuổi, theo bệnh viện chẩn đoán là bỏng nặng 85%. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bột phát trong quan hệ tình cảm.

Nhớ lại cách đây 8 tháng, cũng tại quận Hải Châu, một cô gái trẻ, 23 tuổi, cũng bị một kẻ gọi là “yêu đơn phương” tưới xăng thiêu cháy ngay trước nơi làm việc và sau đó cô gái từ giã cõi đời trong bệnh viện sau những ngày vật vã với nỗi đau thân xác.

Nghe những thông tin đó, ai cũng đau xót, bàng hoàng, huống chi là những bậc sinh thành - những người dõi theo từng miếng ăn, giấc ngủ, từng hơi thở nặng nhẹ của con em mình. Ai sinh được đứa con cũng mong con mình khỏe mạnh, lớn lên và thành đạt trong cuộc đời, không ai nghĩ đến một ngày mai con mình phải đối diện với những sự truy sát dã man và chết tức tưởi, oan trái khi tuổi còn quá trẻ.
Nói điều đó, để thấy rằng, xã hội ai ai cũng muốn điều tốt đẹp đến với con em mình, với những người thân thương ruột thịt của mình; từ đó cũng hướng tới mong mỏi một xã hội tốt đẹp hơn, an toàn hơn cho thế hệ sau.

Thế nhưng, dường như những chuyện bột phát dẫn đến thương vong vì mâu thuẫn xã hội như vậy diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội mà mọi sự phòng ngừa, ngăn chặn vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nhìn vào đó, nhiều người âu lo và không khỏi giật mình trước cách giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội hiện nay. Đó là chúng ta chỉ mới chú trọng đến dạy chữ, dạy làm ăn, dạy kiếm sống… mà quên dạy kỹ năng sống; đặc biệt là kỹ năng tự vệ, kỹ năng đối phó với khủng hoảng tinh thần... cho thanh-thiếu niên. Nhiều trẻ em hoặc quá được bao bọc, nuông chiều, hoặc được “thả” ra ngoài xã hội quá sớm mà chưa được trang bị kỹ năng sống thích ứng với tâm lý lứa tuổi, để từ đó khi đối diện với khủng hoảng, với sự cố thì thường ứng xử theo bản năng hơn là kỹ năng.

Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại với công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đang hình thành một lớp trẻ lớn lên trong thế giới “ảo”, hình thành những “anh hùng bàn phím”...; vì vậy khi đối diện với đời sống thực, với những tình huống thực trong cuộc sống thì rất bỡ ngỡ, bất ngờ nên không kiềm chế được cảm xúc, ứng xử theo bản năng nhiều hơn. Cùng với việc mang lại những tiện ích nhất định, công nghệ thông tin cũng có mặt trái với việc truyền tải những thông tin chưa chọn lọc, làm cho những đầu óc non nớt, chưa trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sẽ tiếp nhận và thực hành theo cái xấu, cái chưa được gạn lọc trong xã hội. Hiệu ứng truyền qua mạng thông tin cũng rất nhanh và dễ lây nhiễm, vì thế chuyện bắt chước cũng là chuyện thường tình, mà bắt chước cái xấu thì dễ hơn là cái tốt.

Xót xa trước những cảnh đó, chỉ mong rằng, ngay cả người lớn cũng phải tỉnh ngộ để cùng góp tay, chung sức trong việc giáo dục, rèn luyện cho con em mình; từ dạy dỗ đến quản lý trong gia đình, nhà trường đến xã hội… để mỗi ngày, chúng ta không thấp thỏm và xót xa trước tin lại có một cô gái, một chàng trai tuổi còn non trẻ bị truy sát, thương vong vì mâu thuẫn xã hội bột phát; mà biết đâu, trong đó có con em mình!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.