.

Ấn tượng Hà Mòn

Hà Mòn (huyện Đăk Hà) là xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum đạt đủ tiêu chí nông thôn mới kể từ năm 2012. Đường vào trụ sở UBND xã Hà Mòn rộng thoáng, hai bên đường là những vườn cà phê đang mùa thu hoạch. Vợ chồng anh Xuân, người Lệ Thủy, Quảng Bình vào vùng đất này lập nghiệp từ năm 1994 đang chăm mấy tạ cà-phê nhân.

Anh Xuân cho biết: Mùa cà-phê này vợ chồng anh làm được 1ha, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 100 triệu. Gia đình anh thuộc diện trung bình trong xã, nhiều hộ làm được 3-4ha, thu nhập gần một tỷ đồng.

Hà Mòn có 3.800ha diện tích sản xuất, trong đó chủ yếu trồng cà-phê, cao su và lúa nước. Nhờ vào các loại cây trồng này, đời sống người dân ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày. Trước khi đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2012, Hà Mòn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục. Toàn xã đã nhựa hóa 100% đường giao thông liên thôn, liên xóm. Thu nhập bình quân đầu người 38 triệu đồng/năm; năm 2013 này xã dự kiến đạt 40 triệu đồng/người.

Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới (2008-2012), 4.500 nhân khẩu của Hà Mòn đã đóng góp xây dựng quê hương hơn 10 tỷ đồng, tính bình quân mỗi người dân đóng hơn 222.000 đồng/năm. Những con số ấn tượng trên phần nào minh chứng cho cuộc sống ngày càng phát triển của người dân Hà Mòn. Nhưng, phía sau những con số đó lại là những ấn tượng khó quên về cách làm, cách nghĩ của người dân Hà Mòn nói riêng và huyện Đăk Hà nói chung.

Hiện nay, thu nhập bình quân toàn huyện Đăk Hà hơn 27 triệu đồng/người/năm, cao nhất tỉnh Kon Tum. Huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020 ở tất cả 8 xã và một thị trấn. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền huyện xác định, trước hết phải có quyết tâm chính trị; tiếp đến tạo được sự đồng thuận trong dân và huy động sức dân, huy động sự hỗ trợ của các ngành, các cấp; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng từ chính quyền đến các hội, đoàn thể, các ngành chức năng; thực hiện dân chủ cơ sở.

Có lẽ, trong số các phần việc trên, vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo huyện Đăk Hà cho rằng, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới không ngoài mục đích làm cho đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế, người lãnh đạo phải xác định cho được những việc cần phải làm. Cụ thể như, trong sản xuất lấy cá thể làm chính, khâu chế biến, tiêu thụ phải là tập thể như hợp tác xã, doanh nghiệp…; phải đưa vốn đến tận tay người sản xuất bằng hình thức xây dựng các ngân hàng cộng đồng tại tất cả các thôn trong huyện. Ở xã Hà Mòn, lãnh đạo xã cũng đã xác định, từ năm 2013 phải nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi cho nông dân bằng cách áp dụng các chế phẩm sinh vật vào sản xuất. Vấn đề quan trọng nhất là có một định hướng phát triển rõ ràng, ổn định và bền vững.

Những việc làm và kết quả đạt được ở xã Hà Mòn và huyện Đăk Hà mà chúng tôi chứng kiến trong chuyến thực tế vừa qua như một gợi ý bổ ích. Trước hết, đó là quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người lãnh đạo trước yêu cầu thực tiễn của cuộc sống của người dân. Xã Hà Mòn có mức thu nhập cao; các tiêu chí nông thôn mới đã đạt đang được nâng cao về chất lượng. Đó là một tham khảo tích cực.

Huyện Đăk Hà có mức thu nhập bình quân người dân đạt gần 30 triệu đồng/năm, cao nhất tỉnh Kon Tum, vậy mà huyện phấn đấu đến năm 2020 mới đạt nông thôn mới. Quả là một bước đi thận trọng và chắc chắn. Một điều mà chúng tôi suy nghĩ là ở đây họ không đặt nặng chỉ tiêu GDP một cách chữ nghĩa, mà cụ thể hơn: đến năm 2020 nhân dân toàn huyện phấn đấu có thể chuyển từ đủ ăn sang ăn ngon.

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.