Đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa dịch vụ công

.

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm đến số phận những con thú ở Công viên 29-3 hiện rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan quản lý mong muốn giải thể sớm. Thêm vào đó, tại đợt giám sát thực tế mới đây về việc cải tạo, nâng cấp cảnh quan đô thị phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Ban Đô thị - HĐND thành phố nhận thấy việc duy tu hệ thống khuôn viên, cây xanh, dải phân cách... không thường xuyên; công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh chủ yếu phục vụ công tác phòng, chống bão. Công trình cải tạo cảnh quan phố thương mại Lê Duẩn đưa vào khai thác chừng 2 năm, đến nay toàn bộ các trang thiết bị bảo đảm tiện ích đô thị (ghế nghỉ chân cho người đi bộ, nhà chờ xe buýt...) phần lớn không sử dụng được, còn lại là xuống cấp, hư hỏng. Do tần suất dọn dẹp vệ sinh môi trường bị cắt giảm cộng với ý thức của người dân còn hạn chế, nên tại nhiều khu vực ven biển, khu vực trung tâm thành phố rác thải bị ùn ứ, không được thu dọn kịp thời; bất cập của việc thu gom rác các khu dân cư luôn là vấn đề nóng tại diễn đàn tiếp xúc cử tri…

Những chuyện nói trên tưởng nhỏ nhưng đó là vấn đề lớn đặt ra cho thành phố làm thế nào để việc cung ứng dịch vụ công bảo đảm hiệu quả. Theo đó, cần có cách nhìn toàn diện, giải pháp mang tính tổng thể và lộ trình cho quá trình xã hội hóa (XHH) các dịch vụ công.

XHH chính là huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công cơ bản cho người dân. Khi kinh tế và đời sống xã hội phát triển thì ngày càng có thêm nhiều loại hình mới về dịch vụ công với những phương thức cung cấp mới. Cùng với sự mở rộng của nền kinh tế thị trường, mức sống và lối sống của người dân ngày càng được nâng cao, phát sinh nhiều nhu cầu xã hội mới, nhất là sự khác biệt về nhu cầu giữa các đối tượng, thành phần và khu vực khác nhau (thành thị, nông thôn). Sự thay đổi như vậy luôn tạo áp lực cho chính quyền (tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, ngân sách...), vượt quá khả năng cung ứng và quản lý của Nhà nước. Do đó, XHH dịch vụ công là xu hướng tất yếu mà tất cả các thành phố đều phải phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.

Thành phố Đà Nẵng sớm chú trọng thực hiện XHH dịch vụ công thông qua hình thức chuyển một phần hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức ngoài Nhà nước, cụ thể như: ủy quyền cho các tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân cung ứng một số dịch vụ mà Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và thường có nguồn kinh phí từ ngân sách (vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải...); chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho một số tổ chức ngoài Nhà nước có điều kiện thực hiện có hiệu quả (đào tạo, khám chữa bệnh, tư vấn...); tư nhân hóa một số dịch vụ công theo những tiêu chí về quyền lợi và trách nhiệm, đồng thời Nhà nước vẫn giám sát và bảo đảm lợi ích công cộng (xe buýt có trợ giá, cung cấp nước sạch, chiếu sáng đường phố, dịch vụ tắm biển, lễ hội pháo hoa quốc tế...); Nhà nước đứng ra mua dịch vụ công của tư nhân (vận hành trung tâm hành chính tập trung, bảo dưỡng phương tiện tin học hay các công việc tạp vụ trong cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện...). Hiệu quả của chủ trương này chính là số người làm dịch vụ trong cơ quan Nhà nước giảm rất nhiều, hiệu quả dịch vụ công ngày càng được nâng cao.

Thực tế cho thấy, nếu thành phố tự làm tất cả dịch vụ công, bỏ qua việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia, thì không những gánh nặng về ngân sách ngày càng tăng lên, sử dụng kém hiệu quả, mà còn nguy cơ dẫn đến một xã hội tụt hậu, kém phát triển. Tuy nhiên, công tác XHH các lĩnh vực nhà ở xã hội, cây xanh - cảnh quan đô thị, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao chưa bảo đảm định hướng đã đề ra, kết quả đạt được còn ít và thiếu vững chắc so với tiềm năng. Tiến độ thực hiện chuyển đổi cơ sở công lập, bán công sang loại hình ngoài công lập hoặc doanh nghiệp còn chậm. Mức độ phát triển XHH không đồng đều giữa các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện thiếu kiên quyết, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa chặt chẽ. 

Để việc chủ trương XHH dịch vụ công được thực hiện hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng phục vụ và quyền lợi cho người dân, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

Trước hết, thành phố phân loại, phân kỳ theo từng giai đoạn, xác định rõ loại dịch vụ công nào Nhà nước cần trực tiếp làm, loại nào ủy quyền cho tổ chức ngoài Nhà nước và loại nào Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức để thực hiện. Nhìn chung, Nhà nước chỉ trực tiếp cung ứng dịch vụ công nào mà khu vực ngoài Nhà nước không thể làm thay hay không muốn làm do hiệu quả kinh tế thấp.

Hai là, tăng cường cơ chế, chính sách cho khu vực tư nhân tiếp tục tham gia cung ứng khu vực công kém hiệu quả hiện nay như: nhà ở xã hội, xây dựng đường sá, xử lý chất thải rắn, cây xanh cảnh quan đô thị...; tiếp tục cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trong khu vực Nhà nước bảo đảm theo kịp với đà phát triển của khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư trong cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực như: dịch vụ y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục và đào tạo...

Ba là, nâng cao tính minh bạch, công bằng, chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, áp dụng lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi thay vì đặt hàng để tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong quá trình chọn đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích, nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ mọi nguồn viện trợ để đầu tư cho dịch vụ  hạ tầng xã hội và đổi mới khoa học, công nghệ.

Cuối cùng, tăng cường hoạt động giám sát thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước, HĐND các cấp và nhất là vai trò của người dân nhằm bảo đảm lợi ích cộng đồng, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ công theo các quy định của pháp luật.

TÔ HÙNG

;
.
.
.
.
.