Phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

.

Sáng 2-8, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ được thông xe kỹ thuật. Tuyến cao tốc này là một trong những dự án trọng điểm quốc gia và là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung. Đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1); tốc độ thiết kế 120km/giờ (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/giờ). Dự án không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, mà còn có ý nghĩa rút ngắn hành trình từ thành phố Đà Nẵng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và ngược lại so với đi theo các tuyến đường bộ hiện hữu, với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, tốc độ lớn hơn và điều kiện an toàn giao thông tốt hơn. Đặc biệt quan trọng hơn là góp phần đánh thức tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực phía tây của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thúc đẩy liên kết giao thương, rộng cửa phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng động lực miền Trung.

Đối với thành phố Đà Nẵng, dự án cao tốc này có thể xem như là chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm (cảng Liên Chiểu, nhà ga đường sắt mới) và các khu công nghiệp mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm) trong thời gian sắp đến. Đặc biệt, theo quy hoạch đã được phê duyệt, vị trí trung tâm logistics thành phố Đà Nẵng sẽ được đặt tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, phía nam hướng quốc lộ 14B và phía tây hướng ra đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là vị trí chiến lược giúp Đà Nẵng có cơ hội tốt trong việc phát triển một trung tâm kết nối cho việc vận chuyển hàng hóa đa phương thức, kho bãi và các dịch vụ hậu logistics. Do đó, việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với một trung tâm logistics trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, để công trình này đi vào sử dụng được phát huy hiệu quả, việc đầu tư, quản lý và khai thác cần bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ và khoa học, cần có nhiều giải pháp, trong đó chú ý đến một số vấn đề sau:

Trước hết, cần bảo đảm liên thông thông suốt trên toàn tuyến, các trục kết nối mạng lưới giao thông nội thị với tuyến cao tốc phải được triển khai đồng bộ, các nút giao cắt giữa giao thông địa phương và giao thông cao tốc bảo đảm nguyên tắc giao nhau khác cốt, nhất là việc kết nối với các đầu mối giao thông đô thị (như cảng biển, cảng hàng không, nhà ga đường sắt...) phải được chú trọng. Do đó, cần sớm bổ sung đầu tư một số hạng mục để tăng cường kết nối.

Đối với công tác quản lý đô thị, việc kiểm soát quy hoạch, khai thác đất đai dọc tuyến cần phải bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các khoảng cách ly, tránh tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn; việc phát triển các khu đô thị dọc tuyến cao tốc (nếu có) phải quy hoạch đường song hành và có giải pháp đấu nối giao thông hợp lý. Ngoài ra, cần tổ chức các điểm đón khách trên các nút giao, bổ sung các trạm dịch vụ cho lái xe, hành khách dừng nghỉ, nạp nhiên liệu và kiểm tra kỹ thuật… là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, nếu xét về hiệu quả kinh tế đối với các doanh nghiệp vận tải, với mức phí 380.000 đồng/xe cần phải được nghiên cứu thêm. Thực tế hiện nay, nếu lưu thông theo đường quốc lộ 1A thì chiều dài hành trình từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 130km, mức phí đường bộ là 180.000 đồng/xe cho xe có tải trọng 18 tấn trở lên. Nếu lái xe chọn đường cao tốc với chiều dài 140km, dài hơn 10km trong khi thời gian rút ngắn không đáng kể bởi thực tế thì đối với xe có tải trọng 18 tấn trở lên khó có thể đạt tốc độ tối đa theo thiết kế là 120km/giờ, thì tính ra phần nhiên liệu tiết kiệm được khoảng trên dưới 10 lít dầu, không đủ bù đắp cho phí đường bộ khi lưu thông trên tuyến cao tốc, chênh lệch đến 400.000 đồng cho 2 chiều đi và về là khá lớn. Do đó, để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp vận tải sẽ cân nhắc khi lựa chọn hành trình trong hoạt động của mình.

Cuối cùng, bài học từ quá trình khai thác các tuyến cao tốc khác ở Việt Nam, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu là do thiếu hiểu biết, chẳng hạn như việc người dân tự ý phá rào chắn, gia súc băng qua đường cao tốc, dừng xe không đúng quy định hay lái xe chạy không đúng tốc độ quy định… Cho nên, công tác tuyên truyền ý thức người dân sinh sống trong phạm vi có tuyến cao tốc đi qua, người tham gia giao thông lưu thông trên tuyến cao tốc cũng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả khai thác cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông sau khi đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này.

TÔ HÙNG

;
.
.
.
.
.