.

Tầm nhìn và giải pháp

.

Phiên họp cuối năm của HĐND thành phố khóa IX điểm danh nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn Đà Nẵng. Đáng chú ý nhất là những câu chuyện liên quan trực tiếp đến sinh hoạt đời sống thường ngày của nhân dân, như ăn/ ở/ đi lại/ môi trường/ trật tự trị an xã hội…

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì bất cứ quá trình phát triển nào cũng luôn nảy sinh trong thực tiễn những bài toán khó, buộc chúng ta phải trăn trở tìm giải pháp xử lý. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ để xử lý thành công những “câu chuyện thường ngày” nói ở trên phụ thuộc rất lớn vào (1) tầm nhìn của người lãnh đạo, (2) tính tiên phong gương mẫu của bộ máy quản lý hành chính, (3) sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Câu chuyện nóng hổi nhất hiện nay là đồ ăn thức uống. Dư luận đánh giá cao những nỗ lực gần đây của chính quyền thành phố khi triển khai một loạt bước đi cụ thể nhằm lập lại trật tự quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lý thuyết, mọi nguồn thực phẩm đầu vào/ đầu ra đều phải xác định được nguồn gốc, địa chỉ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên điều đáng băn khoăn là bằng cách nào bảo đảm rằng chủ trương lớn này thực sự đi đúng hướng? Bây giờ, mỗi ngày ra chợ hay siêu thị, người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng, đôi khi mặc kệ, khi lựa chọn thực phẩm, bởi không thể biết đâu là địa chỉ đáng tin cậy về thực phẩm an toàn.

Các hàng quán được đưa vào danh sách thông báo công khai đủ điều kiện liệu có giữ gìn được uy tín lâu dài?... Nhiều câu hỏi đặt ra chưa được trả lời thỏa đáng. Lẽ ra, thay vì làm đại trà, rầm rộ, vừa gây khó cho người quản lý và cả người tiêu dùng, nên chăng các cơ quan chức năng cần tập trung sức xây dựng những mô hình điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, uy tín và chất lượng đến từng địa bàn quận/ huyện/ phường/ xã/ tổ dân phố… tạo điều kiện cho người dân tiếp cận làm quen, nâng cao ý thức giám sát cộng đồng, rút kinh nghiệm để nhân điển hình.

Như lời Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu, phần lớn hộ dân sống trong các căn chung cư tồi tàn, nhếch nhác thực sự là “những con người dũng cảm”! Đây có lẽ là lời động viên, an ủi dành cho những người nghèo, nhưng đồng thời là lời chỉ trích đích đáng, cảnh tỉnh kịp thời đối với những chủ đầu tư có các công trình dự án chất lượng quá kém, mới xây đã hư, vừa dùng đã hỏng. Căn bệnh này đang diễn ra rất nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực thuộc diện đầu tư công chứ không riêng gì vấn đề nhà ở chung cư. Cần thiết phải sớm nhìn thấy tác hại của vấn nạn này, kiên quyết tẩy chay, thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với những kiểu cách làm ăn gian dối, kể cả những người đứng ra dung túng, bảo kê, hợp pháp hóa.

Theo như dự báo, với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ vài ba năm nữa thôi Đà Nẵng chắc chắn sẽ lâm vào tình trạng tắc nghẽn giao thông, nguy cơ môi trường ô nhiễm ngày càng nặng. Như vậy làm sao có thể gìn giữ được thương hiệu “Thành phố đáng sống” và là điểm đến thiên niên kỷ của khách du lịch trong và ngoài nước? Vì vậy cần xác định rõ tầm nhìn dài hạn để xử lý rốt ráo các vấn nạn này. Cần tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên mọi điều kiện để nâng cấp hệ thống giao thông công cộng và xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường sống và môi trường sinh thái.

Kiên trì phong trào vận động rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, viên chức, học sinh sinh viên, công nhân các khu công nghiệp… gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, từ đó lôi cuốn và hình thành nên thói quen ứng xử văn minh khi tham gia giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Trên lĩnh vực trật tự trị an cũng vậy, không thể phó thác cho lực lượng công an đảm đương trách nhiệm phòng chống tội phạm.

Cần xác định đây thực sự là một cuộc chiến trường kỳ, sự thành công chỉ được bảo đảm với điều kiện lôi cuốn được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi của quần chúng. Một khi biết huy động sức dân, dựa vào tai mắt của nhân dân, tranh thủ sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, tội phạm chắc chắn không thể “lọt lưới trời” mãi được.

Bản chất của cuộc sống là sinh động, khó khăn thử thách phức tạp luôn phát sinh, đan xen lẫn cơ hội cũng như khả năng đánh thức năng lực tiềm tàng trong mỗi con người và tổ chức. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng không có trở ngại nào là không thể vượt qua hoặc không tìm ra được phương án và giải pháp.

Trước đây, các bậc tiền nhân của chúng ta đã dũng cảm đương đầu và chiến thắng mọi thế lực xâm lược hùng mạnh nhất để hiện thực hóa khát vọng độc lập tự do chỉ vì cảm thấu được nỗi nhục mất nước, thân phận nô lệ của toàn dân tộc. Ngày nay, nếu chúng ta không cảm thấu được nỗi nhục của nguy cơ nghèo nàn, tụt hậu, chậm phát triển thì sẽ không bao giờ hội đủ động lực và năng lực để sánh vai với thiên hạ. Đây không chỉ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra mà còn là trách nhiệm lịch sử không thể thoái thác đối với hậu thế tương lai.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.