.

Giải bài toán cân đối ngân sách

.

Ngân sách quốc gia mà chỉ có 13/63 tỉnh, thành phố tự cân đối và đóng góp về Trung ương, trong khi đó cơ chế điều hành tỷ lệ thu chi/mức đóng góp/động viên/khuyến khích/hình thức chế tài vi phạm... không công khai, minh bạch, nghiêm túc, thì rõ ràng hệ thống tài chính nước nhà đang tồn tại những khuyết tật; sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng.

Nguyên nhân đầu tiên thuộc về thể chế. Cơ chế phân cấp điều hành ngân sách hiện hành còn bất cập. Vì vậy, giải pháp căn cơ là phải sớm trao ngay quyền lập và phân bổ ngân sách cho cơ quan lập pháp Quốc hội. Chân lý thực ra rất đơn giản. Ngân sách quốc gia cũng giống như két tiền của chủ doanh nghiệp/hoặc túi tiền của gia chủ, chỉ người có thẩm quyền cao nhất mới được toàn quyền quyết định sử dụng.

Tổng dự toán ngân sách khi được Quốc hội phê duyệt được xem như quyết định pháp lệnh. Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi, hậu kiểm, báo cáo giải trình tổng quyết toán hằng năm. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ có trách nhiệm triển khai, tuân thủ quyết định của Quốc hội mà cần phải chứng minh được năng lực điều hành quản lý kinh tế - xã hội thông qua việc giải đáp bằng được bài toán cân bằng và kết dư ngân sách, nếu không xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Cải cách này ngay lập tức sẽ có tác dụng “phá băng”, mở đường cho những giải pháp đồng bộ, hiệu quả tiếp theo về đổi mới cơ chế phân cấp quản lý ngân sách.

Giải pháp quan trọng tiếp theo là xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách khoa học và hợp lý. Bản chất ngân sách quốc gia luôn là một thể thống nhất, khó phân biệt đâu là “tiền tôi/tiền anh”. Càng không thể hiểu về quản lý ngân sách giản đơn theo kiểu đồng này chỉ dành mua mắm đồng kia chỉ được mua muối. Nhưng không vì thế mà đồng nhất, cào bằng tất cả.

Nếu chỉ chú trọng cấp phát, ban phát, ân huệ lẫn nhau mà thiếu sự động viên, khuyến khích, lơi lỏng chế tài, không tạo ra động lực lẫn nỗ lực để làm ra chiếc bánh ngân sách ngày càng to hơn thì chắc chắn càng đi vào ngõ cụt, bế tắc. Cần nhanh chóng chuyển từ phương thức phân bổ ngân sách theo nhu cầu phát sinh, nặng về cấp phát, xin cho, sang phân bổ theo phương pháp cân bằng nguồn lực. Gắn danh mục đối tượng thụ hưởng ngân sách với xuất xứ nguồn thu/nguồn chi/khả năng hoàn trả cụ thể.

Phân định rõ đối tượng nào thuộc phạm vi địa phương tự cân đối/Trung ương cân đối 100%/hoặc cân đối bổ sung. Ví dụ, các khoản chi an sinh xã hội (hưu trí, trợ cấp, bảo hiểm y tế…) nhất thiết phải cân đối từ nguồn Trung ương, bởi xuất xứ nguồn thu này là trước đây người được thụ hưởng đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của mình vào quỹ tập trung bảo hiểm xã hội/y tế. Các đối tượng chính sách, xã hội (thương bệnh binh, người nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn...) thuộc diện bắt buộc phải được hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh cũng được cân đối 100% nguồn chi xuất xứ từ Trung ương.  

Trong khi đó, các danh mục đối tượng thuộc diện đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, trụ sở làm việc, chi tiêu hành chính thường xuyên... bắt buộc phải tự cân đối bằng ngân sách địa phương. Trường hợp cần thiết được bổ sung từ ngân sách Trung ương thì phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “có vay có trả” trong phạm vi thời hạn cam kết.

Như vậy mới khuyến khích cấp trực tiếp quản lý sử dụng ngân sách nâng cao ý thức trách nhiệm, cân nhắc tính toán hiệu quả, tái tạo nguồn thu, đặc biệt là phải luôn năng động sáng tạo, vận dụng huy động mọi nguồn nội lực trong mọi hoàn cảnh để tự cân đối tài chính một cách chủ động nhất. Việc bố trí nguồn lực ngân sách Trung ương để phục vụ các dự án mang tính chất liên vùng, liên ngành cũng cần áp dụng nguyên tắc “đồng tài trợ”. Nghĩa là các chủ thể nằm trong khu vực hưởng lợi dự án sẽ cùng chịu trách nhiệm quản lý, thu chi và trả nợ. Triệt để vận dụng phương thức đấu thầu/cạnh tranh trong mọi cấp quản lý ngân sách nhằm nâng cao tính hiệu quả.

Kiểm toán ngân sách độc lập, chặt chẽ là công cụ thiết yếu để hướng mọi nguồn lực ngân sách quốc gia đi vào khuôn khổ công khai, minh bạch; do đó cần phải được kiện toàn, củng cố, kể cả trao quyền truy tố, xét xử đối với những trường hợp vi phạm buộc phải chế tài. Những giải pháp vừa đề cập sẽ hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng dựa dẫm, xin cho, tham nhũng, lãng phí, “cha chung không ai khóc”, kể cả “tư duy nhiệm kỳ”.

Thực tiễn điều hành quản lý kinh tế cho thấy rằng bất cứ quốc gia nào cũng có nguy cơ rơi vào tình thế đối đầu với vấn nạn nan giải nhất là căng thẳng bội chi ngân sách. Tuy nhiên vấn đề đôi khi không dừng lại ở đó mà có thể đi xa hơn những gì người ta tưởng.

Kết luận từ các nghiên cứu kinh tế kinh điển luôn cho rằng mất cân đối thu chi chỉ là bề nổi của vấn đề, quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém mới chính là nguyên nhân sâu xa, trực diện dẫn đến tình trạng bất ổn ngân sách, kéo theo nhiều rủi ro mang tính chiến lược về kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết để đổi mới cơ chế phân cấp quản lý ngân sách là phải nhận diện đúng những “gót chân Asin” của hệ thống tài chính quốc gia, gắn cải cách ngân sách với chiến lược tái cơ cấu triệt để nền kinh tế, từ đó xác định được quyết tâm chính trị, đề ra những giải pháp đúng mức, có hiệu quả thiết thực.

PHÚC VINH

;
.
.
.
.
.