.
Chuyện cuối tuần

Sự cố môi trường

.

- Ông biết vì sao chọn ngày 5-6 là Ngày Môi trường thế giới không?

- Dễ ợt, vì ngày 5-6-1972, nhân ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Thụy Điển, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lần đầu tiên công bố về Ngày Môi trường thế giới; sau đó nửa năm thì Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra quyết nghị chính thức về ngày này. Thế là ngày 5-6 thành Ngày Môi trường thế giới, có chi khó đâu!

- Vậy mà tui cứ nghĩ, ngày đó là bắt đầu vào mùa nóng, nên nhiều sự cố môi trường diễn ra hàng loạt; vì vậy người ta chọn để nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường; nếu không nắng nóng cộng với mùi hôi, khói bụi… thở không nổi mà chết chớ?

Ông thấy không, mới mấy ngày nắng nóng đầu hè vừa qua, hàng loạt sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng - thành phố đang hướng tới mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường” đó. Nào là xả nước thải Phước Tường bị hỏng máy bơm nên nước thải đen ngòm, hôi hám xông vào mũi người dân và du khách tắm biển; nào là mùi hôi “do sốc tải” ở Âu thuyền Thọ Quang cũng như từ trạm xử lý nước thải của doanh nghiệp trong khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang;

rồi người dân hai thôn Phước Hậu và Phước Thuận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang “kêu trời không thấu” vì trời thì nắng xuống mà bụi và than đá cứ bốc lên từ các mỏ khai thác, tập kết đất, đá, than trên địa bàn… Đặc biệt nghiêm trọng là hàng trăm người dân vì chịu không nổi với mùi hôi bốc ra từ Trạm xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp Liên Chiểu.

Mặc dù trong thời gian qua, các cấp chính quyền cũng như ngành chức năng có những động thái tích cực trong việc bảo vệ môi trường, xử lý điểm nóng ô nhiễm, nhưng rõ ràng, qua những sự cố trên, cho thấy việc xử lý những điểm nóng ô nhiễm vẫn chưa thực sự căn cơ và khoa học, có tính bền vững; vì vậy, những điểm trên vẫn là… “điểm nóng”.

Đơn cử như vụ việc tại Trạm xử lý nước thải tập trung ở khu công nghiệp Liên Chiểu. Trước năm 2011, khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động đã gây nên tình trạng ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, dư luận bức xúc kéo dài…

Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng giải pháp cuối cùng được kỳ vọng khả thi là giao Công ty TNHH Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc Việt - một doanh nghiệp chuyên về xử lý môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh, đảm nhận.

Thành phố cũng đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này hoạt động cũng như yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hợp tác, xử lý nước thải trước khi tập trung xử lý công đoạn cuối. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, Công ty Quốc Việt cũng không kham nổi, để xảy ra sự cố vừa qua, dẫn đến bị chấm dứt hợp đồng.

Việc xử lý được giao về lại cho Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố. Vì vậy dư luận băn khoăn sẽ khó mà khắc phục được ô nhiễm trong thời gian chờ đợi đầu tư trạm xử lý nước thải mới có công suất và công nghệ hiện đại hơn, dự kiến vào quý 1-2017…

Cũng từ đó, dư luận cũng băn khoăn trước việc xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường, từ các cửa thải ở các bãi biển du lịch đến các điểm xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp, sông Phú Lộc, khe Cạn… đến ô nhiễm kéo dài trong các khu dân cư trên địa bàn huyện Hòa Vang – nơi có các mỏ đất, đá hoạt động.

Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường mới tạo được một môi trường bền vững, tạo nền tảng cho phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường!

Minh Thư

;
.
.
.
.
.