.

Chuyện ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi!

Chùa sư nữ Quang Châu nằm sâu trong một ngõ vắng thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 15 cây số, nơi sư nữ Thích Minh Tịnh trụ trì, là một địa chỉ từ thiện ít ai để ý. Tôi đến thăm nơi này cùng các bác sĩ và doanh nhân trẻ vào một ngày chủ nhật nắng nóng.

Sư nữ Minh Tịnh đưa cho tôi xem một tờ trình kèm theo đề án “Thành lập trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi và người già không nơi nương tựa” gửi cho lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng từ mấy tháng qua, nhưng nay vẫn chưa có câu trả lời, nhà sư nói.

Phía sau chùa, trong một dãy nhà ngang lợp tôn là nơi ăn ở của trên 44 em nhỏ mồ côi và 4 cụ già không nơi nương tựa. Một tì kheo cho biết: “Buổi sáng mỗi ngày ở đây, chùa nấu 3 lon gạo cháo cho các em và các cụ. Chùa có một sào ruộng trồng lúa chỉ đủ gạo ăn sáng.

Các bữa còn lại phải mua gạo ở chợ cộng với rau đậu do bá tánh thập phương giúp đỡ. Riêng tiền mua đậu khuôn mỗi ngày cũng mất đến 100 ngàn... đồng”. Theo sư trụ trì, để có được nguồn kinh phí nuôi chừng ấy miệng ăn, nhà chùa phải tổ chức nấu cháo chay, nhận nấu những tiệc cúng chay cho các đạo hữu và gom góp mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tháng nào thiếu thì mượn tạm từ thùng Phước Sương do tín hữu cúng dường và tháng đó đành phải hẹn nợ tiền điện nước để ưu tiên lo cho cái ăn...”.

Được biết trong hơn bốn chục em mồ côi, hiện có 12 em nhà chùa gửi đi học mẫu giáo và tiểu học tại các trường địa phương, tiền trường bình quân phải nộp từ 500 ngàn đến một triệu cho mỗi em. Riêng mẫu giáo được giảm 50%. Trong những ngày nắng nóng hiện nay, các bác sĩ ở Bệnh viện tư Phương Đông và các doanh nhân trẻ Đà Nẵng, ngoài việc khám bệnh phát thuốc, lương thực, thực phẩm, còn giúp nhà chùa được 10 chiếc quạt máy. “Nếu không, chẳng biết xoay xở ra sao dưới cái nắng như lửa đốt này!”, sư nữ Minh Tịnh nói.

Chùa Quang Châu thành lập từ năm 1943, nhưng đến năm 1996 sư cô Minh Tịnh mới về đây. Năm 2006, lúc trời chưa sáng tỏ, các sa di phát hiện có một cháu bé còn đỏ hỏn bị ai đó để ở cổng chùa, bèn báo với sư trù trì. Thấy cháu bé khóc đã khô họng, đuối sức, sư Minh Tịnh sai mang cháu vào chùa và cứu sống. Sau khi báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, chùa nhận nuôi cháu bé. Không ngờ duyên số đưa đẩy, đến nay từ nhiều nguyên nhân khác nhau, số cháu vô thừa nhận hoặc mồ côi vào chùa ngày một tăng lên. Nhiều cụ già không nơi nương tựa cũng xin đến tá túc. “Mình đâu có ý mở cô nhi viện, nhưng lòng từ bi nỡ nào ruồng bỏ những người xấu số. Nhưng chùa lại là nơi tu học của hơn một chục các sa di, tì kheo là nữ nên rất bất tiện. Các nữ tu mỗi ngày phải chăm lo cho  3-4 cháu nhỏ, có em bị dị tật nên càng vất vả...”, sư Minh Tịnh tâm sự.

Được biết, do những bất ổn nêu trên, một dự án xin thêm đất để lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già bất hạnh của chùa Quang Châu đã được lập ra. Nhiều đạo hữu và các nhà hảo tâm cũng muốn đóng góp xây dựng để giúp các em có chỗ ăn ở đàng hoàng, nhưng đến nay, tất cả vẫn còn trên giấy. Theo sư cô Minh Tịnh, UBND xã do điều kiện khó khăn, chỉ có thể hỗ trợ nhà chùa về các thủ tục pháp lý đối với trẻ, ngoài ra, mọi việc nhà chùa phải tự cáng đáng, dựa vào từ tâm của bá tánh và... những nồi cháo chay như đã kể...

Nghe chuyện của sư cô Minh Tịnh và nhìn cảnh nuôi dạy trẻ mồ côi, người già cô độc ở chùa Quang Châu, tôi nghĩ, nếu có thông tin đầy đủ thì dù khó khăn đến bao nhiêu cũng có thể vượt qua. Bởi với mục tiêu xây dựng thành phố đậm đà chất nhân văn, chúng ta đâu có thiếu lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng...

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.