.

Còn non, còn nước, còn người...

Cách đây 40 năm (10-5-1969 – 10-5-2009), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh lần cuối cùng Bản Di chúc lịch sử, để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Di chúc là “bản tổng kết” cả một cuộc đời, là những lời dặn dò tâm huyết của một con người trước lúc mãi mãi đi xa, là những tình cảm sâu sắc nhất mà con người đã từng gắn bó suốt đời. Đọc lại Di chúc của Bác Hồ để thêm một lần nữa chúng ta hiểu hơn trong những dòng chữ rất ngắn, rất súc tích đó, Hồ Chủ tịch đã muốn nhắn gửi những gì mà chúng ta chưa thật hiểu một cách đầy đủ...

Thứ nhất, cuộc đời vĩ đại, trong sáng và dung dị mà Hồ Chủ tịch đã sống và cống hiến suốt đời mình chỉ gói gọn thành một chân lý cũng giản dị như chính cuộc đời Người: “Hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Tổ quốc luôn luôn là điều thứ nhất, điều phải đứng trước, đứng trên tất cả mọi điều. Nếu tất cả mỗi người dân Việt Nam đều thấm sâu chân lý đó thì chúng ta hôm nay sẽ bớt đi không ít những sai lầm, sẽ có nhiều hơn nữa những thành công.
 
Điều đáng ngạc nhiên và làm cho chúng ta thật sự xúc động là Bác Hồ chỉ nói về mình có 79 chữ thôi: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức...”. Phải chăng Người đã tiên liệu được “lần đi” xa đã cận kề và, phải chăng Người đã nghĩ và tin rằng, mỗi chữ cho một năm sống cũng là đã quá nhiều? Có thể, trong đời, ngay cả vĩ nhân cũng có lần chưa hoàn toàn đúng; nhưng cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về mình bằng 79 chữ, là điều buộc mọi sự lãng phí phải giật mình, mọi con sâu mọt tham nhũng phải tự răn đe, mọi sự tham lam tiền dân, của nước cần phải sám hối.

Thứ hai, trong một bản Di chúc dài trên dưới 1.000 chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc đến hai từ Đoàn Kết, đủ để khẳng định điều tâm huyết nhất của Bác là việc giữ gìn, phát huy đoàn kết - nhân tố quan trọng nhất trong mọi yếu tố làm nên thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Bác đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Ở đây cần phải hiểu hai điều. Một là, từng đảng viên đều có tinh thần đoàn kết; nhưng khi đã tập hợp lại thành một tổ chức, dù là “trung ương” hay “chi bộ” thì việc thật sự đoàn kết là rất khó. Đứng về mặt ngữ nghĩa của ngôn từ mà xét, thì cụm từ “toàn thể đảng viên cần phải đoàn kết” ngắn gọn hơn. Trong trường hợp này, Bác Hồ sử dụng một mệnh đề dài hơn như trên tất nhiên là có dụng ý rõ ràng. Hai là, khi Bác dùng đến từ “con ngươi của mắt mình” là hàm ý chỉ ra rằng mất đoàn kết là một thực tế cần phải liên tục cảnh báo và phê phán. Lẽ tự nhiên, xu hướng mất đoàn kết là một “thuộc tính” của cuộc đời, duy trì và gìn giữ nó bao giờ cũng là nhiệm vụ khó khăn.

Đặc biệt, trong điều kiện cuộc sống khác biệt nhiều như hiện nay, khoảng cách giàu nghèo lớn như hiện nay, duy trì được khối đoàn kết chặt chẽ của toàn dân, toàn Đảng là nhiệm vụ càng khó khăn hơn gấp bội phần.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt Tổ quốc, Nhân dân trước tất cả những vấn đề khác. Trong Di chúc có hai lần khắc ghi rõ điều này: “Muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng” và “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng...” (Bác viết hoa hai từ Tổ quốc trong nguyên bản). Cách gửi gắm tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch sẽ được chúng ta hiểu rõ hơn nếu đọc ở câu cuối cùng khi Bác đặt Đảng đứng trước hai chữ “nhân dân” để nói về đoàn kết

: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu...”. Đoàn kết thì Đảng cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ hơn, đi trước và lo trước khi xây dựng khối đoàn kết toàn dân; nhưng tình cảm của Bác cũng như của Nhà nước thì phải chăm lo cho dân, cho Tổ quốc trước, cho cách mạng sau.

Chúng ta đã từng biết không ít lần Bác Hồ đã dùng từ đến mức kỳ tuyệt mà dẫn chứng điển hình nhất là tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (10 – 19-5-1941), Bác đã đề nghị thay Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương bằng Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Đó là một trong những cách “đặt tên” hay nhất mọi thời đại, xét về cả ngôn từ, ý nghĩa, nội dung, trong nước cũng như quốc tế!

Di chúc chưa phải là những dòng chữ kết thúc 3/4 thế kỷ đóng góp hết sức mình, luôn viết những lời tâm huyết cho dân tộc Việt Nam, cho toàn thể loài người của Chủ tịch Hồ Chí Minh Văn bản cuối cùng mà Người đã viết là bức thư gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon, đề ngày 25-8-1969 - đúng một tuần trước khi Người vĩnh viễn chia tay với cuộc đời này. Những lời nhắn gửi trước lúc đi xa của một con người, bao giờ cũng ẩn chứa rất nhiều điều tâm huyết.

Chợt giật mình khi đọc kỹ Di chúc, chúng ta thấy có rất nhiều điều chúng ta chưa làm được như lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, cho dù những điều tạc cốt, ghi tâm ấy đã có cách đây tròn 40 năm. Có lẽ, khi ôn lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ thêm bức thư đó để hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa bao quát, tiên tri với tầm nhìn rộng lớn đến mức nào! Nhất là, trong bối cảnh chúng ta liên tục bị sức ép, bị bức bách từ rất nhiều áp lực bên ngoài như hiện nay. Làm thế nào có thể tự đứng vững một mình trong thế giới đầy rẫy những liên minh, cố kết chặt chẽ về quyền lợi? Hồ Chủ tịch đã tiên liệu rất đủ về những điều phức tạp đó…

Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay…

Thơ là tiếng nói của tri âm, là nỗi niềm tha thiết của một con người. Hai câu thơ trên Bác Hồ viết trong Di chúc còn mang một ước mơ cháy bỏng: Bác rất muốn nhìn thấy ngày Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và non song đất nước ta thực sự đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Ngày đó đã và đang trở thành hiện thực. Chúng ta đã phần nào thực hiện được tâm nguyện cháy bỏng của Người. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đã có không ít điều chúng ta chưa làm đủ, làm đúng hoàn toàn với những gì Bác Hồ đã nhắn gửi với muôn vàn yêu thương.

40 năm đã trôi qua nhưng những Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên sức sống và tính chiến đấu, tư tưởng bất tử của một vĩ nhân mẫn tiệp tuyệt vời. Trong phần Nói về Đảng, Hồ Chủ tịch chỉ căn dặn có 3 điều: Đoàn kết trong tình thương yêu đồng chí; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân! Đó là những chỉ bảo sâu sắc!

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.