.

Cho đi là còn mãi...

.

Cùng với việc đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), chị Nguyễn Thúy Hồng Mỹ Lệ Dung (SN 1978) ngày ngày vẫn âm thầm, lặng lẽ kêu gọi những người đồng cảm, có tấm lòng hảo tâm chung tay, góp sức giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua cơn hoạn nạn. Tâm nguyện của chị “chỉ cầu mong hành trang của mình luôn là những yêu thương và chia sẻ bởi cho đi là còn mãi”.

Trẻ em nóc Ông Hành Chiến, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vui chơi tại công viên công cộng do Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Ưu Đàm xây dựng. 								    Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Trẻ em nóc Ông Hành Chiến, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vui chơi tại công viên công cộng do Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Ưu Đàm xây dựng. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Gặp chị Dung ngoài đời, có lẽ khó để hiểu hết những việc chị làm nếu không tận mắt thấy, tai nghe. Bên cạnh cái tên 6 chữ ấn tượng ấy, mọi người còn dễ nhớ đến chị là một con người luôn vui vẻ, cởi mở, nói rất nhanh và càng tiếp xúc với chị càng nhận ra sâu thẳm trong người phụ nữ này một tấm lòng nhân hậu.

Lần đầu gặp chị ở phường An Hải Tây, tôi khá bất ngờ với đống quần áo chất cao ngất ngưởng nằm ở góc phòng giữa mùa hè oi bức. Cứ ngỡ đó là hoạt động của Hội LHPN phường nhưng sau này tìm hiểu mới biết đó là công việc chị vẫn làm thường xuyên từ lâu lắm rồi.

Thương người như thể thương thân

Tiếp chuyện tôi, thỉnh thoảng chị Dung vẫn tất bật trả lời những cuộc điện thoại gọi đến trao đổi thông tin về những người hoạn nạn để chuẩn bị cho những chuyến thiện nguyện sắp tới. Chị vui mừng khoe, sáng nay Hội Thiện Tâm của cô Diệu Ngọc đi Quảng Trị giúp đỡ cho người dân xã Pa Tầng, huyện Hướng Hóa. Các hội vẫn thường xuyên kết nối với nhau để hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm hay thực hiện những chương trình thiện nguyện của mình.

Công việc này bén duyên từ lúc nào chị cũng không nhớ chính xác. Nhưng trong ký ức của chị chỉ mang máng là hồi còn đi học, thấy mấy đứa nhỏ con nhà nghèo trong xóm học yếu, chị mở lớp dạy kèm cho khoảng 15-20 em/lớp, rồi dạy xóa mù chữ cho những người không biết chữ.

Sau này làm công tác xã hội ở Hội LHPN phường, chị bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Chị kể, hồi đó có nhiều gia đình nghèo lo miếng ăn còn không đủ nói gì đến chuyện quan tâm việc học của con cái.

Thậm chí, một gia đình có tới 5 đứa con thì cả 5 đều mù chữ, trong đó đứa lớn nhất cũng hơn 20 tuổi. Trong khi đó, cha đi biển, mẹ rửa chén bát thuê và cả hai đều mù chữ. Thương các em, chị Dung tìm đến nhà vận động các em đi học chữ. Không chỉ kèm cặp mà hằng ngày chị còn qua tận nhà theo dõi, nhắc nhở các em học hành. Có em chị kèm từ mẫu giáo cho đến tận lớp 5. Rồi sau này, thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, chị cũng kèm cặp nhiều thanh-thiếu niên hư trở nên tiến bộ.

Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, đi đến đâu, gặp ai hoạn nạn là chị Dung tìm cách giúp. Chị kể, mới đây, vào ngày rằm tháng 7, trên đường đi chợ, chị gặp một người mẹ bồng đứa con nhỏ khắp người mọc đầy khối u đi xin gạo.

Qua tìm hiểu, được biết đứa bé đó tên là Võ Tấn Phước (SN 2013), đang bị một căn bệnh hiểm nghèo, trên cơ thể em liên tục mọc các khối u và đã đi điều trị nhiều nơi, kể cả Bệnh viện Nhi đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không khỏi. Khi nào khối u nổi lên là mẹ ôm con đi viện mổ. Đi riết rồi tiền cũng hết, nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Cha của Phước không chịu nổi cảnh khốn khó đành bỏ rơi mấy mẹ con Phước. Vậy là chị Dung mua hết số gạo cho hai mẹ con (số gạo người mẹ này xin được để bán kiếm tiền-PV) để họ có tiền đi viện, rồi đến các bệnh viện để xác nhận hồ sơ. Hết qua Bệnh viện Phụ sản-Nhi lại đến Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, cuối cùng chị Dung mới tìm ra được số điện thoại bà nội của Phước ở tận quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đó, chị mới lần ra được địa chỉ của hai mẹ con em Phước ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang và kêu gọi mọi người góp tiền hỗ trợ Phước phẫu thuật các khối u trên đầu và trong phổi. Đây là một trong nhiều trường hợp mà chị Dung tình cờ gặp trên đường và giúp đỡ cho đến khi họ xuất viện. Hầu hết các trường hợp chị giúp đều có hoàn cảnh rất thương tâm như: bệnh tâm thần, ung thư, người già neo đơn, phụ nữ đơn thân nghèo nuôi con nhỏ, bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo...

Đặc biệt, có nhiều trường hợp sau khi đã giúp đỡ hết mức có thể, chị vẫn còn cảm thấy day dứt trong lòng, đó là hoàn cảnh của chị Nữ ở đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Chị Nữ về phường An Hải Tây làm dâu khi mới ngoài 20 tuổi. Mẹ mất sớm, cha lao động phổ thông, chị Nữ lấy chồng, những tưởng cuộc đời sẽ bớt khổ nhưng gia đình chồng cũng thuộc diện hộ đặc biệt nghèo. Vậy mà ông trời không thương còn bắt chị Nữ mắc thêm căn bệnh ung thư vú khi đang mang thai 4-5 tháng.

Chị Nữ đành hy sinh bản thân, không điều trị sớm để giữ lại đứa con của mình. Khi thai được 8 tháng tuổi, chị sinh mổ và nuôi con trong lồng kính. Biết được hoàn cảnh của chị Nữ, chị Dung đã kết nối với các nhóm thiện nguyện kêu gọi ủng hộ hơn 100 triệu đồng để nộp chi phí phẫu thuật và xạ trị cho chị Nữ.

Nhưng bệnh tình quá nặng, chị Nữ cũng không qua khỏi. Dù đã cố gắng hết sức mình, chị Dung vẫn buồn lòng: “Với những trường hợp như thế này, sau khi họ mất, mấy ngày sau tâm trạng mình vẫn không dứt ra được, dù nguyện cầu nhưng vẫn cứ buồn”.

Chị Nguyễn Thúy Hồng Mỹ Lệ Dung đến thăm và ủng hộ tiền cho một bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.
Chị Nguyễn Thúy Hồng Mỹ Lệ Dung đến thăm và ủng hộ tiền cho một bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

“Đi mới thấy cuộc đời quá bé nhỏ”

Có theo chân chị Dung đến các bản làng xa xôi mới hiểu được nỗi vất vả của những người làm công tác thiện nguyện. Nhưng khi nhìn những nụ cười của các em bé, cụ già sau khi được sẻ chia mới thấy cuộc đời thật ý nghĩa, bao nhiêu nỗi vất vả tiêu tan.

Để có một chuyến đi thành công, chị Dung phải chuẩn bị cho chương trình ít nhất 3 tháng, kể từ khi khảo sát địa điểm cho đến khi kêu gọi quyên góp và hoàn thành chương trình. “Mục đích của mỗi chuyến đi là cố gắng làm sao cho chương trình của mình có hiệu quả thiết thực, đem lại niềm vui cho nhiều người dân”, chị Dung chia sẻ.

Chẳng hạn, trong tháng 7 vừa qua, chị Dung đã cùng Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Hoa Ưu Đàm Đà Nẵng do chị thành lập, làm một khu vui chơi cho trẻ em miền núi ở nóc Ông Hành Chiến, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nói về ý nghĩa của chương trình này, chị Dung cho biết: “Sau khi đi khảo sát địa bàn, thấy trẻ em miền núi nơi đây còn nghèo, thiếu sân chơi nên chị cùng mấy anh em trong Câu lạc bộ bàn làm một sân chơi công cộng cho các em.

Nếu lắp đặt đồ chơi hiện đại thì khi hư hỏng sẽ rất tốn phí sửa chữa và không có thiết bị thay thế. Cuối cùng, chị chọn cách làm xích đu, cầu quay, bập bênh gắn bằng lốp ô-tô theo mô hình quay bằng trục thay vì bằng điện như các công viên trong thành phố.

Ở miền núi, thời tiết khá khắc nghiệt nên lốp ô-tô đặt ở ngoài trời có thể bền hơn các vật liệu khác. Đặc biệt, không giống với trẻ em thành phố, trẻ em miền núi tự chơi, không có người thân trông coi nên các thiết bị làm đồ chơi phải bảo đảm an toàn.

Vị trí đặt thiết bị cũng phải nằm ở địa điểm thuận tiện nhất vì mỗi nóc nhà ở đây cách xa nhau cả quả đồi”. Không chỉ ở địa bàn Quảng Nam, chị Dung còn đi thiện nguyện ở các xã miền núi khó khăn khác của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị…

Tuy gặp gỡ nhiều trường hợp thương tâm, nhưng với chị Dung, những bệnh nhân ung thư luôn gây cho chị xúc động mạnh nhất. Bởi theo chị, “bệnh nhân ung thư đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, do đó sự sẻ chia về mặt tinh thần rất quan trọng, giúp họ nhen lên tia hy vọng cho cuộc sống.

Họ thường xuyên trải qua những cơn đau đớn về thể xác nên đôi khi chỉ cần những hành động chia sẻ rất nhỏ như nói chuyện, trao cho họ cái bánh, chai nước… cũng làm họ cảm thấy vui hơn. Họ vui là mình cũng cảm thấy vui lây. Còn khi họ chẳng may ra đi thì những chia sẻ của mình có thể sẽ giúp họ ra đi trong thanh thản”.

Chị Dung còn cho biết thêm: “Một ngày đến thăm các bệnh nhân ở các bệnh viện, mình thấy cuộc đời này giống như loài hoa bồ công anh, không biết gió cuốn đi lúc nào. Chỉ cầu mong hành trang của mình luôn là những yêu thương và chia sẻ”.

Cũng với suy nghĩ đó, vào tháng 7-2015, chị Dung quyết định thành lập CLB thiện nguyện Hoa Ưu Đàm Đà Nẵng để nếu sau này lỡ chị không còn nữa thì vẫn có người tiếp nối công việc chị đang làm. Đặc biệt, cái tên của CLB cũng đến rất tình cờ.

Trên đường đi thăm chị Lý bị u má ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bỗng nhiên ô-tô lao xuống lề đường. Trong khi ngồi nghỉ chân ở bụi cây ven đường thì bất ngờ nhìn thấy 11 cánh hoa ưu đàm mọc trên cỏ. Theo Phật giáo, loài hoa này được cho là 3.000 năm mới nở một lần để báo hiệu điềm may mắn, an lành và ai có duyên mới gặp được. Kể từ đó, chị quyết định lấy tên Hoa Ưu Đàm cho CLB của mình với hy vọng mang đến nhiều may mắn và tốt lành cho những mảnh đời bất hạnh.

Chia tay chị Dung khi trời đã đứng bóng nhưng chị vẫn liên tục nhận những cuộc điện thoại gọi đến ủng hộ chương trình chia sẻ yêu thương tới những cụ già neo đơn ở 3 xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mà chị sắp thực hiện.

Chứng kiến sự tận tâm và nhiệt huyết của chị Dung với công việc, tôi càng hiểu thêm ý nghĩa những lời chị chia sẻ: “Qua mỗi chuyến đi mới thấy cuộc đời thật nhỏ bé. Chị chỉ ước mình có thể chia sẻ đến mọi người thật nhiều, thật nhiều. Nhưng đôi khi lại cảm thấy bất lực vì điều kiện có hạn nên chỉ biết cố gắng hết sức mà thôi”.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.