.

Vẹn tròn tình yêu

.

Ai cũng có quyền lựa chọn tình yêu và thể hiện tình yêu nhưng với những người khuyết tật, để yêu một người nào đó thật không dễ dàng.

Gia đình nhỏ của anh Hải luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Gia đình nhỏ của anh Hải luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Không ít người gặp trở ngại từ gia đình, cái nhìn kỳ thị của cộng đồng, sự tự ti bản thân nên con tim yêu nhiều lần thổn thức cũng không dám lên tiếng. Thế nhưng, ở đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn nhiều người khuyết tật vượt lên mọi rào cản để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Dù hành trình ấy lắm gập ghềnh nhưng lúc nào lòng họ cũng ánh lên niềm tin rằng, hạnh phúc trong cuộc sống này là có thật.

“Thương nhau đoạn mô hay đoạn nớ”

Một vài lần được sinh hoạt trong Câu lạc bộ (CLB) Sống độc lập với những người khuyết tật nặng, chúng tôi luôn bắt gặp trên môi họ nụ cười tỏa nắng. Đều đặn mỗi tháng một lần, những con người kém may mắn này lại tụ họp trong ngôi nhà chung để chia sớt nỗi buồn, nhân rộng niềm vui. Ông Đặng Thiện Tùng, Chủ nhiệm CLB Sống độc lập cho biết, hầu như những anh, chị ở đây ai cũng có niềm vui của riêng mình. Có người tìm được một nửa yêu thương khi đã ở tuổi xế chiều, có người phải lặn lội hàng trăm cây số để tìm đến nhà người yêu, có người bị gia đình từ mặt không nhận con, cháu nhưng rồi mọi việc cũng qua…

Mỗi người mỗi cảnh nhưng đều giống nhau là có con tim tin yêu thực sự, là khát khao cháy bỏng về một mái ấm tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Câu chuyện tình của anh Lê Phước Hội (56 tuổi) và chị Trần Thị Tâm Hiền (51 tuổi, tổ 80, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) được nhiều người ngưỡng mộ, bởi cả hai đã dũng cảm vượt qua rào cản gia đình để đi đến tận cùng hạnh phúc.

Gặp chị Hiền trong những lần sinh hoạt ở CLB Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố, anh Hội ngỏ lời muốn cùng chị xây dựng hạnh phúc. Thương chị Hiền từ ngoài Huế vào Đà Nẵng lập nghiệp không có nơi nương tựa, không có gia đình để được yêu thương, anh Hội quyết tâm cưu mang người phụ nữ bất hạnh này.

Ngày dắt chị Hiền về ra mắt, mẹ anh Hội không bằng lòng vì lo sợ hai người khuyết tật lấy nhau sẽ không chăm sóc được cho nhau. “Hồi anh đưa chị về nhà, mẹ anh từ mặt anh luôn. Biết bà giận nhưng anh chị vẫn thuê trọ gần nhà để qua lại coi ngó, rồi thuyết phục bà dần dần”, anh Hội tâm sự. Những ngày về chung mái ấm, chị Hiền phải bươn chải mưu sinh với nghề làm vàng mã từng được học khi còn ở quê nhà.

Trời mưa cũng như trời nắng, hai chiếc xe lăn đi khắp các chợ để bỏ mối và tìm bạn hàng. Những tháng ngày khó quên đó, dù cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, nhưng anh chị vẫn thấy đủ đầy bởi tình yêu đã đươm hoa kết trái cho họ một cậu con trai kháu khỉnh. Thương con, thương cháu, thời gian sau, mẹ anh Hội đã đón cả gia đình về sum họp trong niềm hạnh phúc nghẹn lòng.

Ngồi nghe vợ chồng anh Hội kể chuyện, chúng tôi mới nghiệm ra rằng, hạnh phúc của hai con người khuyết tật này chỉ giản đơn là được người này bón cho chén thuốc mỗi khi đau ốm, được người kia xoa cho tí dầu mỗi khi nhức mỏi. Suốt buổi nói chuyện, chị Hiền ngồi bên cạnh chồng cứ mỉm cười tủm tỉm, lâu lâu lại mắng yêu chồng khi chúng tôi hỏi đến chuyện yêu đương “ngày xửa ngày xưa”. Chị nói: “Mai này không biết ra sao nhưng bây chừ anh chị cố gắng thương nhau đoạn mô hay đoạn nớ”.

Những người khuyết tật tâm sự rằng, dù họ bị khuyết tật về thể xác nhưng không hề khuyết tật về tâm hồn. Họ cũng muốn yêu và được yêu, được cùng một nửa của mình xây dựng mái ấm như những người bình thường.

Chuyện tình của chàng trai khuyết tật Nguyễn Hữu Minh (SN 1982) và cô gái Nguyễn Thị Hương (SN 1986) khiến không ít người rưng rưng nước mắt. Bị bại liệt hai chân từ lúc 4 tháng tuổi sau một cơn sốt cao, Nguyễn Hữu Minh có tuổi thơ không lành lặn so với bao đứa trẻ khác. Khi đến tuổi biết yêu thương, anh cũng không dám nhìn thẳng vào mắt một người con gái nào vì tự ti về những khiếm khuyết của bản thân.

Tính tình vui vẻ, hoạt náo, nói chuyện có duyên nhưng mỗi lần gặp gỡ các bạn nữ, Minh lại ngồi im re. Trong một lần làm trợ giảng tiết học công nghệ thông tin tại Trường Đại học Đông Á, anh Minh để ý chị học trò Nguyễn Thị Hương ngay từ cái nhìn đầu tiên. Qua những lần nói chuyện, hẹn hò, tình cảm yêu thương vượt qua giới hạn “thầy-trò” mỗi ngày một lớn dần thêm.

Sau một năm quen nhau, Minh mạnh dạn thưa chuyện với gia đình để hai người nên vợ chồng nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình Hương. Dù bản thân đi lại khó khăn, Minh vẫn tự bắt xe ra nhà Hương ở Nghệ An “nằm vùng” một tháng trời thuyết phục cha mẹ người yêu. “Hồi đó cha vợ gặp anh lần đầu tiên không thiện cảm lắm vì thấy anh là người khuyết tật sao lo được cho con gái của ông.

Ở nhà người yêu một tháng, anh cũng chỉ biết “ghi điểm” với ông bà bằng tình cảm chân thành với Hương, bằng những việc làm đơn giản. Hồi đó anh ngồi xe lăn chứ nếu có thể cúi xuống đất quỳ lạy được, anh cũng làm. Mất thêm một tháng nữa, cha mẹ vợ mới đồng ý tác hợp cho hai đứa. Nhớ lại hồi đó chừ vẫn còn cảm xúc lâng lâng”, Minh cười tươi.

Với Hương, khi quyết định lấy Minh, chị không hề sợ khổ, sợ khó khăn. Chị nói rằng, trong tình yêu, chỉ khi nào người này không yêu người kia thì mới dễ buông tay, yêu nhau chân thật thì sẽ cố gắng đi đến tận cuối con đường.

Hạnh phúc là có thật

Nhiều người khuyết tật chia sẻ với chúng tôi, họ đến với nhau trong cuộc đời có thể không phải xuất phát từ “tiếng sét”, chính niềm thương cảm cho số phận bất hạnh đã gắn kết họ khiến tình yêu nảy nở và mỗi ngày một lớn dần thêm.

Đến căn nhà nhỏ của anh Huỳnh Nam Hải (52 tuổi, tổ 97, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), chúng tôi lại được nghe một câu chuyện tình khác cũng không kém phần xúc động. Căn nhà được bày biện ngăn nắp, với thiết kế đồ dùng sinh hoạt cho vừa vặn với người khuyết tật nặng.

Mất đi đôi chân trong một tai nạn lao động khi mới 32 tuổi, cuộc sống đã lấy đi của chàng trai Huỳnh Nam Hải bao mơ ước, dự định cho tương lai, khép lại mối tình dang dở. Biết mình sẽ trở thành gánh nặng cho ai đó khi suốt đời phải gắn bó với xe lăn, anh Hải tự “chui vào vỏ ốc”, nén lại những tình cảm yêu thương.

Không dám yêu, không dám ngỏ lời, không dám làm quen với một ai khác, sau tai nạn lao động, anh Hải ở nhà mở tiệm photocoppy tự nuôi sống bản thân. Thời gian trôi đi, khi bước qua tuổi ngũ tuần, trong một lần kết bạn qua mạng, anh Hải tình cờ làm quen với một người phụ nữ ở Hà Nội. Ban đầu chỉ là tìm bạn nói chuyện cho đỡ buồn rồi dần dần anh Hải nảy sinh tình cảm với người ấy. Con tim yêu tưởng khép kín từ lâu nay lại thổn thức như hồi trai trẻ.

Nhiều lần đấu tranh tư tưởng, nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, con tim mách bảo anh Hải phải chính thức ngỏ lời với người bạn quen trên mạng. “Hồi anh chia sẻ hoàn cảnh của mình là người khuyết tật, chị bị sốc, thời gian sau mới đồng ý đến với anh.

Sau này gia đình chị cũng phản đối vì không cho chị lấy người khuyết tật. Anh phải nhiều lần thuyết phục mẹ vợ bằng tình cảm chân thật của mình. Một năm sau bà mới đồng ý cho anh chị làm đám cưới”, anh Hải nói. Ai gặp vợ anh Hải cũng bất ngờ bởi chị còn trẻ, là người phụ nữ Hà Nội rất đẹp và dịu dàng.

Lần đó chúng tôi có dịp được ngồi nói chuyện với mẹ vợ anh Hải. Bà kể: “Khi con gái tôi quyết định lấy Hải, gia đình tôi không đồng ý. Nhiều lần tôi nói với con, sao con không lấy những người lành lặn, ở gần đây mà  lại đi lấy người khuyết tật ở đâu đâu. Nhưng thấy con vẫn kiên quyết đến với anh Hải, thấy anh cũng chân tình, hiền lành nên cuối cùng gia đình cũng xiêu lòng”.

Một vài lần vào Đà Nẵng thăm vợ chồng con gái, thấy con rể dù bị tật 2 chân nhưng vẫn biết nấu cho vợ bữa cơm, biết giặt giũ quần áo giúp vợ, biết tự lao động để nuôi sống vợ con, bà mẹ vợ hoàn toàn yên tâm. Cưới nhau được vài tháng, vợ chồng anh Hải phải trải qua những chuỗi ngày vất vả trong hành trình tìm con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Lần đầu tiên đón con gái vào lòng, anh Hải không cầm được nước mắt. Anh tâm sự, làm cha khi đã bước qua tuổi 50, còn niềm hạnh phúc nào hơn.

Được nghe tiếng cười của con thơ, được bế con trên chiếc xe lăn thì dù cuộc đời có gập ghềnh đến đâu cũng không sợ hãi như lúc độc thân nữa. “Nhiều người cứ nghĩ lấy người khuyết tật sẽ là gánh nặng cho mình, hạnh phúc với người khuyết tật là điều gì đó rất xa vời. Thế nhưng, anh nghĩ không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Điều quan trọng là chúng ta có thực sự yêu nhau hay không, có đủ dũng cảm vượt qua khó khăn hay không. Bây giờ hạnh phúc với anh là hoàn toàn có thật”, anh Hải nghẹn lòng chia sẻ.

Ai đó nói rằng, chuyện cổ tích thường chỉ có trong những giấc mơ, trong những câu chuyện kể của bà, của mẹ. Nhưng giữa cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều câu chuyện cổ tích được viết nên bởi những người khuyết tật. Khi đã là vợ, là chồng, họ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cố gắng chăm lo cho mái ấm của mình thật trọn vẹn.

Anh Hải hay gây bất ngờ bằng đóa hoa hồng tặng vợ vào những ngày rất đỗi bình thường; chị Hiền hết sức chăm chút cho chồng con và mẹ chồng từ bữa ăn đến giấc ngủ; anh Minh dù đôi tay rất yếu nhưng vẫn nhiều lần ôm con gái vỗ về giấc ngủ…

Nhà thơ Saint Exupéry (Pháp) từng nói: “Yêu và được yêu là bản nhạc ca mãi không bao giờ chán”. Với những người khuyết tật, bài ca tình yêu cũng đủ cung bậc cảm xúc như bao người bình thường khác, cũng giận hờn, cũng lo lắng, cũng ghen tuông...

Trước khi chia tay, anh Hội nói với chúng tôi rằng: “Bây chừ anh mãn nguyện lắm rồi, có chết cũng nhắm mắt yên lòng. So với những người bình thường, dù cuộc sống vật chất của vợ chồng anh không bằng nhưng hạnh phúc bây giờ với anh là quá đủ đầy”.

Nghe anh Hội nói, chị Hiền lại nhẹ nhàng nắm tay anh như trước đây anh đã nắm tay dẫn chị về nhà. Trước mắt những “cặp đôi hoàn hảo” này, cuộc sống mưu sinh vẫn đong đầy khó khăn nhưng luôn rạng ngời niềm tin phía trước.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.