.

Hành trình "tìm con"...

.

Mỗi ngày ngồi ngắm con trai ngoan ngoãn, bụ bẫm, chào đời cách đây hơn 1 năm từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), chị cứ ngỡ mình đang mơ. Sau 12 năm ròng rã “tìm con”, cuối cùng những nỗ lực của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng, trọn vẹn.

Sản phụ được kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước khi tiến hành chuyển phôi. 					Ảnh: QUỲNH TRANG
Sản phụ được kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước khi tiến hành chuyển phôi. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đọng mãi khoảnh khắc cuộc đời

Vợ chồng chị N.T.T (32 tuổi, quê Nghệ An) lên kế hoạch sinh con ngay sau khi tổ chức đám cưới vào năm 2004. Cưới chồng từ thuở 20, chuyện sinh con đẻ cái của cô gái miền quê tưởng quá đỗi dễ dàng. Thế nhưng, sau 3 năm cố gắng, chị T. vẫn “thắt đáy lưng ong”, nỗi mong mỏi về “ngôi nhà và những đứa trẻ” giờ đây không còn của riêng hai vợ chồng trẻ mà lan sang cả ông bà nội, ngoại, bà con họ hàng, vì chồng chị là con trai trưởng của dòng tộc.

Lặn lội từ miền xuôi lên miền ngược, từ Đông y đến Tây y, ai chỉ đâu đi đó, rồi vợ chồng chị T. đến gõ cửa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, chồng chị được chẩn đoán bị chứng tinh trùng lạnh, rất khó thụ thai. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn không nguôi hy vọng, tiếp tục chạy chữa, vận dụng đủ các biện pháp tân tiến nhất của y học trong nước như dưỡng, kích thích tinh trùng và trứng…, riêng TTTON đã thực hiện hai lần, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Mỗi lần TTTON, vợ chồng chị phải “vắt túi” ít nhất 100 triệu đồng, chưa kể tiền bồi bổ, ăn ở, đi lại và thu nhập bấp bênh vì bỏ công ăn việc làm. Thế nhưng, thất vọng lớn nhất không phải là chuyện hao tốn tiền bạc mà là suốt 12 năm ròng rã, hy vọng sinh con cứ mỗi ngày một xa...

Cho đến đầu năm 2015, vợ chồng chị T. quyết định “thử lần chót” với phương pháp TTTON tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Chị T. tâm sự, sau bao năm tìm con, vợ chồng chị đã vét sạch tài sản và lần này phải đi vay mượn khắp nơi. Anh chị cũng đều sẵn sàng tâm lý sẽ xin con nuôi nếu không thành công trong lần cuối này. “Sau một tuần không thấy “đến tháng”, mình vẫn không dám hy vọng nhưng cũng rủ chồng đi làm xét nghiệm.

Có lẽ cả đời này mình sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc hai vợ chồng cùng hét lên sung sướng khi nghe bác sĩ thông báo thai đã nằm gọn trong tử cung”, chị T. kể như reo. Đây là nhân duyên của gia đình, là kết quả của từng ấy năm điều trị giờ đơm hoa kết trái, là may mắn hay gì nữa chị cũng không thể định nghĩa, chỉ biết bây giờ, mỗi ngày ngồi ngắm con trai ngoan ngoãn, bụ bẫm, chào đời cách đây hơn 1 năm bằng phương pháp TTTON kỳ diệu, chị T. cứ ngỡ mình đang mơ!

Con trai chị T. là một trong 152 em bé đã chào đời bằng phương pháp TTTON tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Bác sĩ Trần Thy Yên Thùy, Phó khoa Hiếm muộn, cho biết, kỹ thuật TTTON được triển khai thành công tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi từ tháng 4-2014. Đến ngày 25-12-2014, Bệnh viện vui mừng chào đón 3 em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật TTTON. Từ ngày triển khai phương pháp này, số lượng bệnh nhân thăm khám tại bệnh viện tăng đến 150%.

Một trong 3 em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi  Đà Nẵng. 						      Ảnh: THANH TÂN
Một trong 3 em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÂN

Không nguôi hy vọng

Mới 7 giờ sáng nhưng Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tấp nập bệnh nhân. Có khoảng 20 cặp vợ chồng đang chờ làm thủ tục thăm khám, chọc hút trứng, lấy tinh trùng để tạo phôi. Mỗi người một tâm trạng, người đứng tựa cửa, người xoắn tay vào nhau. Khuôn mặt ai cũng toát lên vẻ băn khoăn, lo lắng.

Không dễ để có cuộc trò chuyện với bất cứ bệnh nhân nào, bởi theo điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Hương, Khoa Hiếm muộn là khoa có đối tượng bệnh nhân “nhạy cảm nhất”. Họ - những người đang khao khát cháy bỏng được làm cha, làm mẹ rất dễ tổn thương, bởi có thai và sinh con - điều rất bình thường với bao người, lại khiến họ gian nan đến vậy.

Ngồi kiên nhẫn trên hàng ghế chờ, cặp vợ chồng trẻ (có lẽ đến sớm nhất) đang nắm chặt tay nhau, anh chồng thi thoảng đưa tay vuốt tóc vợ như truyền thêm sức mạnh: “Cố lên, em!”. Ở hàng ghế bên cạnh, cô vợ đang nhìn hình em bé trên tường và thủ thỉ hỏi chồng: Anh muốn con mình sau này giống ai? “Giống em”, anh chồng cười, nhưng ánh mắt không giấu được nỗi buồn… Chốc chốc, mọi ánh mắt đổ dồn về hướng phòng khám khi cánh cửa vừa hé mở với bao bồn chồn, chờ đợi, lo lắng dù đó không phải là người thân của mình.

Bác sĩ Trần Thy Yên Thùy cho biết, mỗi ngày, Khoa đón hơn 100 lượt thăm khám. Bệnh nhân được khám rất kỹ, không chỉ tư vấn sức khỏe mà còn trấn an tâm lý. Bởi khi đến đây, họ mong muốn có thai bằng mọi cách. Trong khi, đối với TTTON, tỷ lệ thành công là 45%. Thụ tinh thành công và có thai đã quá khó, giữ được thành quả đó cũng lắm nhọc nhằn.

Bác sĩ Thùy kể, vì nhiều lý do, đôi khi có những trường hợp đáng tiếc xảy ra như kiêng cử quá mức, vui mừng xen lẫn sợ hãi nên đã không quay lại tái khám dẫn đến thai chết lưu… Kết quả không mong chờ này thật sự rất uổng, vì vậy, với mỗi trường hợp thụ thai thành công, bác sĩ ở khoa còn hồi hộp hơn cả bệnh nhân. Trong ngày, người bác sĩ chữa hiếm muộn thường trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, lúc thất vọng tràn trề, lúc hạnh phúc đến rơi nước mắt. Đến nỗi, các bác sĩ và điều dưỡng đùa với nhau, làm công việc hiếm muộn này riết rồi ai cũng bị đau tim hết.

Cũng theo bác sĩ Thùy, TTTON là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của cả hai vợ chồng. Bệnh nhân có thể phải thực hiện nhiều lần mới thành công. Quá lo lắng, nóng vội, căng thẳng khi bắt đầu hoặc suy sụp, chán nản sau một lần thất bại là những rào cản của việc tìm con bằng TTTON. Những trạng thái tâm lý đó sẽ gây sự thay đổi hormon trong cơ thể, gián tiếp ảnh hưởng đến thành công của cả quá trình.

Nhìn vẻ ngoài to cao khỏe mạnh của anh H. - một kỹ sư xây dựng (đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê) và vợ - cô chuyên viên ngân hàng, khó ai nghĩ họ đang gặp khó khăn về đường con cái. Hai vợ chồng cho biết, họ đang bắt đầu đầy hy vọng với phương pháp TTTON, sau 4 năm tìm mọi phương cách. Với các phương pháp thụ tinh nhân tạo nói chung, TTTON nói riêng, người phụ nữ thường phải chịu rất nhiều đau đớn về thể xác. Vợ anh H. nói rằng, trước khi đến đây, chị đã tìm hiểu rất kỹ và sẵn sàng đón nhận tất cả. Để có con, chị không sợ bất cứ điều gì!

Trong khi đó, ở góc hành lang Khoa Hiếm muộn, một người chồng đang dịu dàng lau những giọt nước mắt nức nở của người vợ trẻ. Họ vừa biết tin 4 phôi (trong đó có 3 phôi loại A) vừa được cấy vào tử cung cách đây 2 tuần nhưng không đậu thai. Mới đầu năm ngoái, người vợ đã gần như suy sụp hoàn toàn khi không thể giữ được “giọt máu” hai tháng trong mình, cũng với phương pháp TTTON. Lần này, tưởng cảm xúc dần chai sạn, nhưng khát khao làm mẹ lại trỗi dậy trong chị với một nỗi đau khác không thể gọi tên…

Chúng tôi rời Bệnh viện Phụ sản - Nhi, hòa vào dòng người đông đúc mà lòng nặng trĩu, chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà để ôm con gái bé bỏng vào lòng…

Trong suốt những năm tháng theo đuổi công việc điều trị hiếm muộn, bác sĩ Trần Thy Yên Thùy không thể nhớ tên tuổi hay hoàn cảnh của bệnh nhân nào cụ thể, bởi mỗi ngày có hàng trăm cặp vợ chồng có hoàn cảnh tương tự đến thăm khám. Tuy vậy, thi thoảng, mỗi lúc công việc căng thẳng, bác sĩ Thùy lại bóc một vài lá thư trong xấp tài liệu dày cộp ra đọc. Đó là những lá thư cảm ơn của bệnh nhân khi đã chữa bệnh thành công. Những khi ấy, trái tim của người làm khoa học phút chốc trở nên yếu mềm, rung cảm với những số phận, những mối lương duyên tuyệt đẹp giữa người với người!

THANH TÂN – QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.