.

Thương lắm mồ côi

.

Những thân phận nhỏ bé đã sớm bơ vơ giữa đời khi người thân yêu nhất lần lượt từ bỏ cõi trần. Dù được bà con hàng xóm đỡ đần, xã hội chia sẻ phần nào nhưng đằng sau những đôi mắt vui buồn trong thoáng chốc là khoảng trống mênh mông không ai có thể bù đắp được.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, em Nguyễn Thị Vinh băn khoăn trước đường đời còn rộng dài phía trước.			Ảnh: PHAN CHUNG
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, em Nguyễn Thị Vinh băn khoăn trước đường đời còn rộng dài phía trước. Ảnh: PHAN CHUNG

Bỏ học chăm cha

Một tuổi, Nguyễn Thị Vinh (SN 2001, trú tổ 44, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đã mồ côi mẹ. Bà lặng lẽ bỏ em đi sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác được phát hiện ở giai đoạn cuối. Trong căn nhà cấp 4 do Hội Từ thiện thành phố Đà Nẵng vận động xây dựng vừa khánh thành 3 tháng còn thơm mùi sơn vữa, đã có vành khăn tang. Ông Nguyễn Hiền (SN 1957), cha Vinh, thân gà trống một mình nuôi hai con, đứa lớn mới 4 tuổi, còn Vinh chỉ mới chập chững những bước đi đầu đời. Cứ thế, Vinh lặng lẽ lớn lên như cây phi lao còi cọc bên triền biển vùng Nam Ô, sớm phải nghiêng ngả theo từng đợt gió mang theo vị mặn chát của biển thổi vào.

Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua, ba cha con đùm bọc nhau trong sự túng thiếu đủ bề. Ông Hiền xuôi ngược khắp nơi, từ Đắc Lắc xuôi xuống thành phố Hồ Chí Minh rồi ngược ra Vũng Tàu, chắt chiu những đồng tiền lao động cực nhọc, đem về nuôi các con khôn lớn. Chừng ấy thời gian trôi qua, Vinh và anh trai lớn lên trong sự chăm lo, bảo bọc của hàng xóm và người chị gái cùng mẹ khác cha. Và có lẽ niềm an ủi lớn nhất của ông Hiền cũng như bà con sống quanh khu dân cư này là bảng thành tích học tập đáng nể của Vinh. 8 năm liền Vinh là học sinh giỏi của trường, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi do nhà trường và quận tổ chức.

Khi Vinh vừa bước vào năm học 2015-2016 được ít ngày thì ông Hiền bỗng nhiên đột quỵ, rồi bị liệt. Chỗ dựa duy nhất không còn sức che chở cho các con đang độ tuổi ăn học. Thương cha, Vinh lặng lẽ xếp lại những cuốn sách mới lần giở hơn vài trang đầu, tập vở mới chưa kịp ghi những dòng nắn nót vào góc tủ để đi làm thuê kiếm tiền. Nhưng ở độ tuổi 14, thật khó để nơi nào nhận em vào làm việc mà không lo ngại về vấn đề pháp lý. Cuối cùng, qua lời giới thiệu của bà con hàng xóm, em may mắn được một gia đình thuê phụ làm việc nhà, giặt áo quần cho sản phụ mới sinh với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Vinh lầm lũi sớm tối đi về. Đôi tay dù vụng dại, lóng ngóng vẫn cố chăm chút bón từng thìa cháo cho cha, vệ sinh, lau rửa, rồi đến giờ lại lấy thuốc cho cha uống. Hai tháng sau, ông Hiền mất. Người anh trai đang tuổi lớn, thiếu bàn tay chăm sóc người lớn đã sớm dính vào vòng lao lý. Một mình Vinh bơ vơ giữa đời.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, ngay sau khi biết hoàn cảnh gia đình, địa phương đã tìm mọi cách để hỗ trợ và đặc biệt là để Vinh quay trở lại trường học. Tuy nhiên, do hộ khẩu của gia đình hiện chưa nhập về địa phương nên việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước ít nhiều gặp khó, chủ yếu là vận động các mạnh thường quân.

Giờ đây, sau một thời gian bỏ học giữa chừng, Vinh đã trở lại mái trường quen thuộc. Bà con hàng xóm, người cho dăm ký gạo, chai nước mắm; người cho một ít cá khô… để em tiếp tục viết tiếp giấc mơ làm cô giáo nơi miền chân sóng. Một nhóm thiện nguyện mới đây còn vận động được khoản tiền hỗ trợ em học hè, kịp bổ sung phần kiến thức sau mấy tháng bỏ học nuôi cha. “Hiện chỉ lo cho cháu được học hè. Còn học hết lớp 9 hay không, rồi sang năm có được mặc áo dài lên lớp 10 như nó hằng mong ước hay không còn là một câu chuyện quá dài”, ông Võ Văn Đức (Hội Từ thiện quận Liên Chiểu), một trong những người kêu gọi giúp đỡ Vinh chia sẻ.

Con đường Vinh đi còn quá dài ở phía trước. Nghĩ về em, thật khó để quên hình ảnh những bước chân chông chênh trên con đường nhiều ngã rẽ. Có ngã rẽ nào tươi sáng cho tương lai?

Mong còn sức để nuôi cháu

Trong căn nhà rộng 34 m2 nằm lọt giữa con hẻm nối đường Hoàng Văn Thụ và đường Lê Đình Dương (quận Hải Châu) là 6 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ đang cố chống chọi với cái nắng như thiêu đốt suốt mấy ngày qua. Cụ ông Nguyễn Bốn năm nay đã 84 tuổi, miệng thở dốc liên hồi, ánh mắt mệt mỏi nhìn ra con đường bê-tông đang bốc lên hơi nóng hừng hực. Căn nhà chật chội, nóng nực khiến không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở. Dẫu vậy, hai năm nay, cụ ông, cụ bà tuổi trên dưới 80 này lại là chỗ dựa của đứa cháu ngoại đang tuổi đến trường. Em Nguyễn Phạm Tuyết Sương đã sớm mồ côi mẹ khi đang học lớp 7, Trường THCS Sào Nam. Đôi mắt rưng rưng, cụ bà Đặng Thị Nghệ (78 tuổi), bà ngoại Sương, vẫn nhớ như in ngày con gái mình trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian lâm trọng bệnh. Sống một cuộc đời lăn lộn, vất vả mưu sinh để nuôi đàn con khôn lớn, đến khi rơi vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, dường như hai ông bà không còn sức và nước mắt để khóc thương đứa con gái lớn bạc mệnh.

Sương không có cha, từ nhỏ lớn lên trong sự đùm bọc của người mẹ, sự sẻ chia, giúp đỡ của bà con hàng xóm. Cụ Bốn và cụ Nghệ có với nhau 6 người con. Hai cụ buôn bán vặt khắp nơi, thu nhập không ổn định nên cuộc sống khó khăn kéo dài. Các con lớn lên, rồi lần lượt dựng vợ gả chồng và tất bật mưu sinh, chăm lo cho gia đình nhỏ nên cũng không có nhiều thời gian, vật chất để bù đắp cho hai cụ. Chiếc tủ tạp hóa bên trong chỉ trưng một vài bao thuốc lá, bim bim, gói dầu gội bán lẻ dựng nép bên lề con hẻm nhỏ là nguồn sống của hai cụ kể từ khi mái tóc bắt đầu lơ thơ sợi bạc. Giờ đây, chiếc tủ ấy lại mang thêm một trọng trách nữa: nuôi dưỡng Sương trưởng thành, cho em tiếp tục được đến trường.

“Thu nhập ngày vài chục ngàn đồng là nhiều lắm, ông bà và cháu cố gắng bấu víu nuôi nhau, hy vọng cháu kịp lớn khôn khi hai thân già này còn chút sức lực”, miệng móm mém, cụ Nghệ tỏ bày.

Từ ngày mẹ mất, Sương trở nên trầm tính, ít nói. Học lực cũng sa sút ít nhiều. “Ông bà cũng đã già cả rồi, sống chết nay mai ai biết được, nhưng thực lòng chỉ mong sao mình còn sức lực để tiếp tục sống, để còn nuôi cháu, dõi theo cháu trưởng thành. Chứ để nó bơ vơ tội lắm”, vừa nói, cụ ông Nguyễn Bốn vừa đưa tay lên sờ sờ, nắn nắn chiếc máy trợ tim trên lồng ngực. 6 năm nay, cụ sống nhờ chiếc máy trợ tim được đặt phía dưới lớp da nhăn nheo để khắc phục chứng yếu tim của tuổi già.

Con hẻm nhỏ vắng người qua lại nhưng có đến 4-5 quán tạp hóa dựng san sát nhau. Chủ quán đều là những cụ ông, cụ bà khắc khổ, nỗi vất vả in hằn theo từng nếp nhăn. Nắng sớm, những “chủ quán” đều bước ra con hẻm nhỏ, dựa lưng vào bức tường cao ở phía đối diện để tránh nắng. Hễ có người lạ đi vào, những đôi mắt đồng loạt hướng theo với ánh nhìn tò mò, chờ đợi vị khách lạ ghé quán. Nhưng ánh nhìn của cụ ông Nguyễn Bốn thiết tha hơn tất cả. Bởi ở sâu bên trong đôi mắt đó có cả tương lai của một số phận đã sớm mồ côi, mơ hồ về tương lai.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.