.
Khe Đương - Bao giờ hết khổ vì vàng?

Bài 2: Những đường hầm tử thần

.

Những đường hầm dài hàng trăm mét xuyên thủng lòng núi trở thành nơi các phu vàng tìm kiếm giấc mơ đổi đời và trốn lực lượng chức năng truy quét, kiểm tra. Ngày đêm khoét núi tìm vàng, những đường hầm mỗi lúc một dài hơn, rộng hơn được chống đỡ bằng những cọc gỗ sơ sài, có thể đổ sập, vĩnh viễn chôn vùi mọi khát khao.

Tiến sâu vào bên trong, hàng chục ngõ, ngách nối với đường hầm chính, tỏa khắp các hướng trong lòng đất.
Tiến sâu vào bên trong, hàng chục ngõ, ngách nối với đường hầm chính, tỏa khắp các hướng trong lòng đất.

“Mạng nhện” khổng lồ

Từ khi hết phép khai thác vàng tại Khe Đương, 6 đường hầm của Công ty TNHH Trường Sơn để lại trở thành những điểm khai thác vàng lý tưởng của hàng trăm phu vàng. Từng nhóm người liên tục tiến sâu vào bên trong, ngày đêm khoét núi mang hàng tấn đất ra ngoài để đãi tìm quặng. Ồ ạt đào bới, kiếm tìm, 5 trong 6 đường hầm tại đây đã bị sập một phần, hiện chỉ còn duy nhất đường hầm số 2 nằm cạnh vách núi ngay tiểu khu 27 đang được tận dụng để khai thác.

Chiều 12-8, Bớt (người Cơtu, trú huyện Đông Giang) dẫn đầu nhóm phu vàng 5 người nhanh chóng tiến sâu vào lòng núi. Miệng hầm chỉ đủ rộng để lọt một người qua, nhưng càng đi sâu vào bên trong thì hầm càng rộng hơn. Trong 100 mét đầu tiên của đường hầm có hàng chục hầm nhỏ khác nối vào, xuyên khắp các hướng giống như mạng nhện. “Những đường hầm nhỏ này là do anh em mới đào ra, chứ cứ theo hầm cũ của công ty thì khó lắm, hết quặng rồi”, Bớt nói.

Đường hầm chính mà Công ty TNHH Trường Sơn để lại trở thành “tài sản chung” của các nhóm phu vàng. Để tránh đụng chạm, tranh giành nhau, mỗi nhóm tự tạo cho mình một đường hầm riêng ở bên trong. Túc (quê Thái Nguyên) đứng chắn trước cửa đường hầm thứ 6 từ ngoài vào, tay cầm chiếc đèn pin rọi thẳng vào mặt từng người rồi nói: “Hầm này trúng mạch nước, sắp sập rồi. Muốn sống thì sang hướng khác mà đào!”. Vừa dứt lời, một tảng đất rơi sát vai Túc. “Đào hầm trúng mạch nước hoặc đá rồi bị rơi là chuyện thường. Hôm trước, thằng Lì mới bị đá rơi, ôm đầu máu chạy ra kịp, nếu không bị vùi lấp rồi”, Bớt bình thản nói.

Hàng trăm mét đường hầm với nhiều nhánh nhỏ bên trong nhưng việc chằng chống hết sức sơ sài. Chỉ khu vực cửa hầm được chống đỡ bằng 8 cọc gỗ đã mục phần chân, còn lại sâu bên trong thì hoàn toàn trống trơn. “Cửa hầm phải được giữ cho không bị sập, còn bên trong thì hầm ai người đó giữ. Cứ lo chằng chống thì thời gian đâu mà đào đãi vàng”, Túc nói.

Những xe rùa liên tục chở đất đẩy ra bên ngoài, tập kết ở cửa hầm. Tại đây có 5 chiếc máy đãi quặng đang hoạt động hết công suất. Đất được xay nhuyễn rồi đổ xuống một chiếc thùng và theo nước chảy ra ngoài qua một cái máng dài khoảng 2 - 3 mét. Phần quặng thu được như những hạt cát nhỏ li ti sẽ đọng lại ở ba vách ngăn của máng. Cứ thế, tiếng máy nổ liên hồi, những âm thanh chát chúa, cãi vã, chửi bới ở bên kia đồi vọng lại khiến Khe Đương giống như một đại công trường đang được cấp phép khai khoáng.

Giấc mơ tìm vàng còn thu hút, lôi kéo cả phụ nữ chân yếu tay mềm.
Giấc mơ tìm vàng còn thu hút, lôi kéo cả phụ nữ chân yếu tay mềm.

Sống trong lòng núi

Không ai có thể thống kê được hiện có bao nhiêu người đang khoét núi tìm vàng tại khu vực rừng Hòa Bắc. Mỗi ngọn núi đều có một cai đứng ra bảo kê khu vực đó. Người ta cũng không thể thống kê có bao nhiêu đường hầm được khoét trong lòng núi. Chỉ biết rằng, mỗi khi có lực lượng chức năng xuất hiện, cả khu vực núi rừng Khe Đương trở nên im ắng lạ thường.

Tiếng máy nổ xé toạc núi rừng bỗng nhiên im bặt, khắp nơi không một bóng người. Lợi, quê Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tìm vàng tại Khe Đương đã 3 năm nay, tiết lộ: “Chỉ trong các đường hầm xuyên núi mới trốn được lực lượng chức năng bởi vì họ không thể vào sâu và vào hết bên trong. Người không quen đường thì bị lạc như chơi”.  Đó cũng là lý do dễ hiểu khi khu vực tiểu khu 27 và 29 luôn như một đại công trường rộn tiếng máy nổ với hàng trăm phu vàng nhưng khi có lực lượng chức năng xuất hiện thì số phương tiện máy móc bị phát hiện, phá hủy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vừa kéo bao tải đất ra khỏi miệng hầm, lật vạt áo bên trong không dính bùn đất để lau vệt mồ hôi trên trán đang chảy thành dòng, Hòa (quê Bắc Giang) lao vội đến vòi nước suối ở mé miệng hầm tu lấy tu để. “Nhìn cái lỗ hầm bé xíu vậy nhưng lúc cao điểm có cả hàng chục người sống chui trong đó. Hầm cạn thì còn thay nhau ra vào hít thở khí trời, ăn uống nghỉ ngơi. Nếu sâu hơn thì cứ mang nước, cơm đùm vào trong đó mà ở, khi nào thở không được thì mò ra”, Hòa thở hổn hển nói, giọng đứt quãng vì chưa lại sức.

Đối với những phu vàng, bóng tối, sự lạnh lẽo không phải là nỗi sợ hãi lớn nhất khi sống trong lòng núi từ ngày này qua tháng khác. Khi cơn mưa rừng đến bất chợt rồi trút nước xối xả, những ngọn núi thấm nước bắt đầu nhão ra, những đường hầm bên dưới phải oằn mình gánh thêm một lượng nước khổng lồ mới là điều đáng sợ. “Đất đá rơi lộp bộp thì lo mà chui ra, chậm chân có khi chết cả chùm. Nếu ngạt thở do hít phải khí độc thì còn có kẻ lao vào kéo ra chứ bị đất đè thì không ai dại gì mà nhảy vào bới đất tìm mình khi biết đoạn đường hầm để thoát thân cũng sắp bị bịt kín”, Hòa cảnh báo.

Mỗi phu vàng đều mong ở phía sau lớp đất đang bị bao quanh bởi bóng tối đặc quánh là vàng hay những thứ có giá trị khác. Nhưng trớ trêu thay, nơi đó còn ẩn chứa vô vàn mối nguy hiểm chết người, là một tảng đá lớn chỉ cần đào hổng chân sẽ đổ sập xuống hay một luồng khí độc có thể hạ gục cả những thanh niên vạm vỡ trong giây lát khi chưa kịp kêu lên một tiếng.  

Phu vàng khắp vùng Khe Đương luôn nhớ cái chết đầy thương tâm của ông Ngô Trường T. (38 tuổi, trú thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên) xảy ra vào tháng 7-2012. Ông T. cùng nhóm bạn 4 người vào Khe Đương đào quặng. Khi đang chui sâu trong hang tự đào để mót xái vàng, bất ngờ đất đổ sập xuống khiến ông T. không kịp trở tay. Nhóm bạn đi cùng sau một lúc không thấy mới tá hỏa đi tìm. Khi phát hiện sự việc, cả nhóm hốt hoảng bới đất cứu bạn nhưng không kịp. Gần một ngày sau, xác ông T. mới đưa ra khỏi hang, trên tay vẫn còn cầm chặt chiếc xẻng nhỏ dùng để xúc đất.

Chiều ở rừng, mặt trời sớm khuất núi. Hoàng hôn buông xuống, bao phủ núi rừng. Trên đỉnh núi cao phía bên kia khe nước, tiếng chim rừng dáo dác gọi nhau về tổ. Nhìn về phía cửa hầm, vẫn không thấy một bóng người bước ra. Như hiểu được thắc mắc này của chúng tôi, Lợi đáp gọn: “Mệt thì chúng nó tự chui ra nghỉ chứ trong đó làm gì biết sớm tối, lúc nào cũng đêm”.

Bài và ảnh:  ĐẠI BÌNH - TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.