.

Trắng đêm trực bão

.

Nếu ví đất nước Việt Nam hình chữ S như một chiếc đòn gánh kéo dài từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, thì mảnh đất miền Trung nằm ở ngay chỗ đặt vai của đòn gánh. Chỗ oằn lên vì sức nặng hai đầu “quang gánh” đó hằng năm gánh chịu biết bao tai ương, mất mát từ mưa lũ và gió bão. Chuyện trực bão đã trở thành công việc quá quen thuộc đối người miền Trung, trong đó có Báo Đà Nẵng mỗi khi mùa mưa bão về.

Cây xanh đổ trên đường Yên Bái trong bão Nari. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Cây xanh đổ trên đường Yên Bái trong bão Nari. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Những năm trở lại đây, Đà Nẵng liên tục đón nhiều trận bão lớn. Năm 2013, bão Nari (số 11) là cơn bão lớn, giật trên cấp 13 đổ bộ vào đêm 14-10, rạng sáng 15-10. Trước đó, nhận được thông tin dự báo bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung trong đêm, Ban Chỉ huy quân sự Báo Đà Nẵng đã phân công nhiệm vụ cho các chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, phòng chống khi bão xảy ra.

Khoảng 15 - 16 giờ ngày 14-10-2013, gió bắt đầu nổi mạnh. 19 giờ, gió vẫn nổi đều, một số anh em trong ca trực bắt đầu rải rác có mặt. Mì gói, nước sôi, trà đã được Phòng Hành chính-Trị sự chuẩn bị chu đáo. Tối đó, trực lãnh đạo có Phó Tổng Biên tập Trương Công Định, các chiến sĩ tự vệ gồm Việt Dũng, Đắc Mạnh, với tôi và một số anh em các phòng Hành chính-Trị sự, Tòa soạn. Có điều thú vị, trong tối bão đổ bộ, ngày mai báo vẫn phát hành bình thường, Tòa soạn vẫn làm việc. Khi hoàn thành công việc cũng đã gần 24 giờ, ngoài trời gió bắt đầu có dấu hiệu giật mạnh, êkíp Tòa soạn đêm hôm đó trở thành thành viên trực bão, gồm cả Thư ký Tòa soạn Hứa Hải, kỹ thuật viên trình bày Anh Chung...
24 giờ, gió bắt đầu nổi lên, mọi người tập trung ở Phòng Bạn đọc và đoán già đoán non “bão chưa vào”, “bão đang vào”, “có lẽ chỉ trượt qua thế thôi”...

1 giờ, gió thổi mạnh. Các cánh cửa bắt đầu rung lắc. Mặc dù từ chiều, công tác phòng chống bão đã được triển khai toàn bộ cơ quan, bao bì nilon được Phòng Hành chính-Trị sự chuẩn bị chu đáo mang đến các phòng để bao bọc máy vi tính, tài liệu, hồ sơ công việc..., nhưng khi bão vào, tất cả đều chỉ còn có hiệu quả rất ít trước sức mạnh con mãnh thú Nari. Tại trụ sở Báo Đà Nẵng, góc đối diện với ngã tư Lê Duẩn - Trần Phú là “họng” gió theo hướng di chuyển của cơn bão Nari.

2 giờ, gió nổi lên rất mạnh, mọi người đang tập trung ở Phòng Tòa soạn thì nghe một tiếng rầm. Có người nói trong tiếng gió giật mạnh: “Gió giật tung cửa sổ phòng Tổng Biên tập rồi, mọi người tập trung lên ứng phó, chống bão”. Tất cả mọi người đổ dồn lên phòng Tổng Biên tập. Một cánh cửa sổ ở phía Đông đã bị gió bật ra, gió lùa vào hất tung sổ sách, giấy tờ tư liệu. Trong khi mọi người cố gắng đóng cánh cửa đó lại thì thêm một cửa sổ ở phía đường Lê Duẩn bật tung ra. Mọi người cố hết sức để kéo cánh cửa sổ khép lại, nhưng bất lực. Phó Tổng Biên tập Trương Công Định, với quần đùi, áo phông, đã đứng lên với ra phía cánh cửa nằm kẹt lại với bờ tường, nhưng cũng... bó tay. “Hãy thu dọn tất cả những gì có thể thu dọn được, nhanh chóng nhất có thể, ưu tiên tài liệu, giấy tờ” - quyết định được đưa ra. Và mọi người dồn sức và khẩn trương nhất chuyển đồ đạc, giấy tờ, máy móc trong phòng Tổng Biên tập đến nơi kín đáo, khô ráo, an toàn trước gió bão.

Phóng viên tác nghiệp tình hình thiệt hại do bão Nari tàn phá rạng sáng 15-10-2013.
Phóng viên tác nghiệp tình hình thiệt hại do bão Nari tàn phá rạng sáng 15-10-2013.

Một tiếng rầm nữa nổi lên. “Chắc là cửa sổ phòng nào đó rơi rồi”, một người cất tiếng. Mọi người chạy qua phòng Phó Tổng Biên tập Trương Công Định thì thấy cánh cửa sổ phía Tây đã rơi xuống tầng 2. Ngoảnh lại, cửa sổ phía Đông phía đường Trần Phú đã bị cành cây đập nát kính, hất tung, lúc lắc như sắp rơi. Tôi trở lại phòng mình (Phòng Bạn đọc) thì ôi thôi, cửa sổ bị hất tung tứ phía, nước mưa ướt nhẹp tất cả mọi thứ. Cũng may từ chiều chúng tôi đã gói ghém máy móc, tài liệu tương đối cẩn thận. Đành mặc cho gió lung lay và cầu mong không thiệt hại gì thêm ngoài mấy chén trà đã bị bể.

Khi cơn bão đã dịu lại, đồng hồ điểm 5 giờ sáng, Phó Tổng Biên tập Lê Quang Á cũng đã có mặt sau một chặng dài đi bộ từ nhà, vượt qua cây đổ, gió thổi, tôn rơi đến cơ quan. Gần như không có thời gian chợp mắt, hai Phó Tổng quyết định đi thực tế tình hình thiệt hại do bão gây ra trong đêm qua đối với toàn thành phố. Hai Phó Tổng biên tập, Thư ký Tòa soạn, 3 phóng viên lên xe đi thực địa. Máy ảnh, máy tính, 3G đã chuẩn bị chu đáo và... bấm lia lịa, bởi đi đâu cũng bắt gặp cây đổ, tôn rơi, cửa bị hất... Xác định hướng đi của bão, xe đoàn công tác đã ngược với chiều gió bão để xem thiệt hại thế nào. Trên đường đi, nghe tin khu nhà liền kề làng Vân bị sụp đổ, chúng tôi lên tận nơi, nhưng đó chỉ là “tin vỉa hè”. Sau một vòng tác nghiệp, trên đường đi, anh em thay phiên chụp ảnh, mở máy tính chuyển tin, hình ảnh về cho báo Đà Nẵng Điện tử. Có thể nói, trong đợt bão lần đó, Báo Đà Nẵng cập nhật đầu tiên, sớm nhất về những hình ảnh thành phố sau khi bão đi qua ở Đà Nẵng.

Trở về chuyến xe đầu tiên, chưa đủ tư liệu, hình ảnh về tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra, Phó Tổng Biên tập Lê Quang Á đã trực tiếp lái xe chở phóng viên đi chụp hình đưa lên báo kịp thời, toàn diện nhất. Nước ngập đường, cây đổ, mái tôn bay như lá mùa thu rụng, lác đác khắp các tuyến đường. Mỗi lần đi qua khu vực bị thiệt hại, tôi chụp ảnh, thấy chưa đạt, lại “yêu cầu người tài xế đặc biệt” quay đầu để chụp được tấm hình ưng ý, đạt nội dung tuyên truyền nhất. Vẫn biết là nhiệm vụ, công việc chung của cơ quan trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng có lẽ đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm nghề của tôi.

Hình ảnh hai Phó Tổng biên tập, Thư ký Tòa soạn cùng anh em trong ca trực áo quần, tóc tai ướt nhẹt ngồi trên xe chờ đợi mua được mỗi người ổ bánh mì lạnh ngắt, ngấu nghiến cho qua cơn đói, mệt vì trắng đêm chống bão, đã hằn trong tâm trí tôi (người trong cuộc) một ấn tượng rất mạnh, rất hiếm hoi. Ai đã chọn cho mình nghề làm báo, thì trong huyết quản luôn nóng “máu nghề” dù khi đã lên làm lãnh đạo cơ quan. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm về tinh thần, ý chí nhập cuộc, tiếp cận hiện trường của người làm báo mà các bậc đi trước truyền cảm hứng lại cho tôi trong những lần khác đi tác nghiệp dù hoàn cảnh, điều kiện khó khăn đến đâu.

TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.