.

Ký ức không thể nào quên

.

Đọc Dòng sông mang lửa là trở về với ký ức trước ngày 30-4, tuy đã xa nhưng chưa hề khuất lấp trong cuộc sống hôm nay.

Dòng sông mang lửa (NXB Hội Nhà văn, 2013) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Hồ Sỹ Hậu. Cuốn tiểu thuyết ra đời khi tác giả 66 tuổi, đã kinh qua nhiều cương vị chỉ huy trong quân đội và nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng - nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng.

Trước khi có tiểu thuyết này, Hồ Sỹ Hậu đã có thơ và truyện ngắn in trên Báo Văn nghệ và các tuyển tập chung, là chủ biên công trình Bộ đội đường ống Trường Sơn - lịch sử và nhân chứng, cũng là người ghi hồi ký Nhớ lại một thời của nhà thơ Tố Hữu. Nhưng phải đến cuốn tiểu thuyết dày gần 630 trang này, tác giả mới thể hiện vốn sống dồi dào về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và bút lực mạnh mẽ, có bản sắc của một nhà tiểu thuyết, đủ sức lay động, đánh thức vùng ký ức một thuở không thể nào quên.

Vỉa tầng hiện thực mới còn khuất lấp

Chiến tranh đã lùi xa, trở thành quá vãng gần 40 năm, nhưng đối với những người lính từng tham chiến, dường như nó vẫn hiện diện và chưa bao giờ chấm dứt. Đã gần bước vào tuổi 60, từng đi qua chiến tranh, tôi mới nhận ra rằng, ký ức về người chết bao giờ cũng còn sống mãi. Chủ đề tư tưởng về sự sống của ký ức trước sự lãng quên của thời gian làm nên cảm hứng chủ đạo của tác giả, thôi thúc anh cầm bút, gần như xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần và chốt lại ở những dòng kết thúc tiểu thuyết: “Ngọc thầm tự hỏi, không biết một trăm năm nữa, những khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước liệu có còn vang trên môi hậu thế?”.

Đề tài về chiến tranh, về người lính Trường Sơn đã được quá nhiều nhà tiểu thuyết quan tâm. Trước một con đường đã chi chít những dấu chân, Hồ Sỹ Hậu vẫn tìm ra một lối rẽ mới, một vỉa tầng hiện thực mới còn khuất lấp. Như một nông phu cần mẫn anh đào xới ký ức đã lắng lại và soi tỏ một tia sáng mới trong một huyền thoại kỳ vĩ mà tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn từng khẳng định: “Nếu gọi đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”.

Không chỉ chứng kiến, mà còn trực tiếp tham chiến với tư cách là kỹ sư thiết kế thi công đường ống xăng dầu Trường Sơn, trải dài từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến tận miền Đông Nam bộ, Hồ Sỹ Hậu không xây dựng tác phẩm theo phương thức huyền thoại hóa, huyền thoại trước một huyền thoại, mà là phương thức phi huyền thoại hóa để tạo nên sức sống của một huyền thoại đích thực về cuộc chiến của bộ đội đường ống xăng dầu: “Tuyến đường ống của chúng ta là một dòng sông mang lửa. Điều đó đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phải có xăng chiến trường mới đánh lớn được. Phải có xăng thì binh khí kỹ thuật của ta mới có thể dội bão lửa lên đầu thù. Nhưng các đồng chí cũng nhớ cho, tuyến ống của chúng ta chỉ chạm vào một tia lửa nhỏ là có thể bùng cháy, huống chi nó phải vượt qua những trận mưa bom, thì tổn thất hy sinh không thể nói trước được”.

Hình tượng người lính

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu

Hẳn không ít người vận dụng các lý thuyết văn chương vào đo đếm các chiều kích và sẽ phiền lòng vì không tìm thấy nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết này. Không phải tác giả chạy theo các kiểu cách tân thời thượng của chủ nghĩa hậu hiện đại nhằm trình bày quan niệm phi trung tâm đối với vấn đề, sự kiện và nhân vật. Hồ Sỹ Hậu vẫn viết theo lối truyền thống, tuần tự theo dòng thời gian tuyến tính đã hằn sâu trong ký ức không dễ phôi pha. Thế hệ những người khoác áo lính từ cuộc chiến tranh trước, trở thành cấp chỉ huy được miêu tả trực tiếp hoặc gián tiếp, là những nhân vật có thật như Đinh Đức Thiện, Đồng Sĩ Nguyên, đến các nhân vật hư cấu như Lê Trọng, Quang Trung, Trần Đình, Hoàng Trần, Đăng Tùng, Đặng Văn Thế, Khuynh..., đến thế hệ trẻ - những người lính như Phú, Miên, Đỉnh, Hiến... hoặc những người lính “có học” như “nhóm mười tám tên kỹ sư” mới ra trường đi vào cuộc chiến với tất cả sự trong sáng, nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng muốn đem tri thức học được trong nhà trường phục vụ cứu nước.

Cũng từ hệ quy chiếu và tâm thế của người từng đi ra từ cuộc chiến, thông qua sức nóng của một “dòng sông lửa”, tôi nhận ra rằng vấn đề trung tâm của Hồ Sỹ Hậu tượng hình theo tuyến đường ống dẫn xăng dầu xuyên dọc theo đất nước từ Bắc vào Nam, ở đó dường như bầu trời sà xuống gần mặt đất, khoảng giữa là sức nóng của lửa đang trui rèn ý chí của con người, của tuổi trẻ.

Và hình tượng nhân vật trung tâm đó chính là đám đông, hình tượng những người lính, trong đó có cả những người đã hy sinh, không trở về sau chiến tranh, xác thân họ trở thành đất đai nuôi dưỡng cây lá, núi rừng: “Ba người trong hầm đều tan xác. Người ta nhận ra Lâm bởi một cái đầu với mái tóc đen, dày còn dính một phần vai và mảnh áo may ô màu vàng anh hay mặc vương trên cành cây. Những mảnh xương thịt vương vãi trong đất bom, trên cành cây được gom lại, chia ba phần, chia thành ba ngôi mộ ở sườn dốc bên tuyến ống. Ngôi mộ quay về phía Nam để Lâm có thể nhìn về quê hương anh. Đêm ấy, giấc ngủ của Ngọc cứ chập chờn. Đôi mắt nâu và vẻ đăm chiêu của Lâm trong buổi sáng đi tìm thi thể đồng đội cứ hiện về. Thôi, Ngọc ơi. Ở lại nhé, mình phải đi rồi. Theo mấy cậu lính bây giờ không biết đang nằm ở khe suối nào trên đại ngàn Trường Sơn này. Mai đây hòa bình, đừng quên bọn mình đang nằm lại đây nhé”.

Lẽ được mất của chiến tranh hiện rõ. Cái được là cuộc sống hôm nay mà chúng ta đang có, nhưng phải mất với một giá máu không thể tính hết được. Chỉ tính riêng “nhóm mười tám tên kỹ sư” thôi, nếu không có chiến tranh, với tài năng và trí tuệ của họ, sẽ đóng góp biết bao thành quả cho công cuộc dựng xây đất nước. Trong số những con người đó, ta dễ dàng nhận ra hình tượng tác giả. Hồ Sỹ Hậu viết về chiến tranh bằng cái nhìn của một trí thức, một sĩ quan chỉ huy. Vì vậy, tuy là tiểu thuyết tư liệu nhưng tác phẩm có tầm khái quát rất cao, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đọ sức với kẻ thù. Nhưng cũng chính vì thế, nhiều trang kể lể dài dòng, khó tránh khỏi sự khô khan, nặng về số liệu, chưa thể hiện cao độ sức mạnh của ngôn ngữ hình tượng..., đó cũng là nhược điểm cố hữu của loại tiểu thuyết tư liệu, nhìn về mặt loại thể.

Có 3 nhân vật được tác giả dành nhiều trang đặc tả xuyên suốt gần 9 chương tiểu thuyết là Thục, Ngọc và Quang; có 3 mối tình thủy chung gắn bó được quan tâm dành nhiều sắc thái biểu cảm, như cố ý làm dịu sức nóng trong không khí lò lửa chiến tranh: tình yêu giữa các nhân vật Thục và Khanh, Đỉnh và Lan, Ngọc và Hạnh... Nhưng tất cả đều không phải là sự kiện, là nhân vật trung tâm. Dường như bút lực của người viết tập trung triển khai trên nhiều bình diện, nhiều sự kiện cháy bỏng của cuộc chiến; tình cảm của người viết san đều cho nhiều nhân vật, nhân vật nào cũng đáng yêu, đáng quý. Ngay cả người lính đào ngũ như Hiến, tác giả cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến sự bỏ ngũ, làm người đọc dễ cảm thông.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.