.

Tức ngực, điếc tai vì nhạc "khủng"

.

(ĐNĐT) - Ngày càng có nhiều quán cà phê, cửa hàng ở Đà Nẵng đua nhau mở nhạc hết công suất, có khi thâu đêm suốt sáng, người dân bức xúc bởi ô nhiễm tiếng ồn.

Đua nhau mở nhạc "khủng"

Dọc tuyến đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), không khó tìm ra những quán cà phê mở các loại nhạc vũ trường phát ra ầm ĩ, khiến người dân ở chung quanh lẫn người đi đường cảm thấy bực mình, khó chịu.

Những âm thanh ồn ào phát ra từ những chiếc loa có công suất lớn đặt trong các quán cà phê khiến người dân rất khó chịu.Ảnh: Quán cà phê Thanh Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Những âm thanh ồn ào phát ra từ những chiếc loa có công suất lớn đặt trong các quán cà phê khiến người dân rất khó chịu. Ảnh: Quán cà phê Thanh Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Ghé vào quán cà phê Tyler trên đường Ngô Quyền giao nhau với đường Khúc Hạo (quận Sơn Trà), chúng tôi đã bị những âm thanh phát ra bởi dàn loa công suất lớn kê ngay phía sát ngoài bậc cửa của quán dội vào nhức tai.

Phía quán Young đối diện bên kia đường, dàn loa BJL đứng có hai bass với công suất hàng ngàn watt được treo trên lưng tường của quán cũng đang phát ra những âm thanh vang dội không hề thua về độ… ồn. Thỉnh thoảng lại có một thanh niên cầm điện thoại chạy vụt ra ngoài để nghe máy.

Để không kém cạnh, phía bên kia đường Ngô Quyền, lại một dòng nhạc ồn ào khác từ quán SV Wifi-Cà phê-Bóng đá cũng phát ra liên tục và chói tai. Sự pha trộn lẫn lộn của cả ba quán này tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn, ồn ào.

21 giờ ngày 29-2, chúng tôi cùng đi với Đội Kiểm tra liên ngành (KTLN) về văn hóa-xã hội thành phố Đà Nẵng. Vừa bước vào quán cà phê Thanh Khê (số 54 đường Lý Thái Tông, quận Thanh Khê), mọi người đều thấy choáng váng, tức ngực, điếc tai vì những âm thanh cực lớn của loại nhạc disco từ những chiếc loa hiệu BJL treo trên tường đồng loạt dội ra. Khoảng hơn ba chục vị khách đang ngồi tại quán đều là độ tuổi thanh niên, người lắc lư theo tiếng nhạc.

Ông Hoàng Sơn Trà, Phó Trưởng phòng Văn xã, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, Đội phó Đội KTLN thành phố, cho biết Đội đã xử phạt nhiều quán cà phê mở nhạc quá lớn trên địa bàn thành phố. Riêng quán cà phê Thanh Khê này đã từng bị UBND quận Thanh Khê xử phạt 2 triệu đồng vì "mở âm thanh phục vụ khách thoát ra ngoài vượt mức quy chuẩn cho phép".

Mặc dù theo lời nữ chủ quán, sau khi bị xử phạt, quán đã khắc phục bằng cách hạn chế mở nhạc lớn, đóng cửa phía sát khu dân cư. Song theo phản ánh của người dân xung quanh thì quán vẫn gây ồn ào, và đặc biệt phía ngay sau quán này có một ngôi chùa bị ảnh hưởng nhiều nhất.

“Nếu đã nhắc nhở lần thứ hai mà quán vẫn tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ xem xét rút giấy phép kinh doanh, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn này”, ông Trà khẳng định.

Dân bức xúc

Bà Đoàn Thị Lệ Thúy (54 tuổi), nhà phía sau quán cà phê Arsenal (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) than phiền: “Cứ từ 6 giờ tối trở đi là quán lại mở nhạc ầm ĩ. Khổ nhất là những hôm ti vi có chiếu bóng đá thì quán mở thâu đêm.  Người già như chúng tôi đau đầu, nhức óc, còn mấy đứa cháu cũng giật mình, khóc cả đêm vì không ngủ được ngon giấc”.

Quán cà phê Arsenal (đường Nguyến Lương Bằng, quận  Liên Chiểu).
Quán cà phê Arsenal (đường Nguyễn Lương Bằng, quận  Liên Chiểu).

Bà Thúy cho hay, quán cà phê sát nhà bà mở khoảng 3 năm nay, thường thì 6 giờ đến 10 giờ đêm (có bữa tới 4-5 giờ sáng) nhạc vẫn đập xình xình nên ảnh hưởng tới sinh hoạt.

“Có đứa sinh viên ở trọ cũng không chịu nổi tiếng nhạc ầm ầm này nên ở vài hôm lại đòi chuyển đi. Tôi có góp ý với chủ quán nhưng cũng không ăn thua”, bà Thúy ngán ngẩm.

Cùng chung nỗi khổ "đinh tai nhức óc" vì ô nhiễm tiếng ồn là gia đình bà Nguyễn Thị Loan (số 29 đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), nhà sát với quán karaoke Dân Ca ngay bên cạnh. Bà Loan bức xúc: “Ngày nào họ vẫn mở nhạc từ 10 giờ đến 12 khuya, có bữa hát hò ồn ào cả đêm khiến mọi người trong gia đình tôi rất khó ngủ. Đứa con gái tôi đang học lớp 12 thì chẳng thể tập trung học tập được”.

Bà Loan kể tiếp: nhiều bữa khuya rồi nhưng tiếng nhạc vẫn đập ầm ầm, rung cả nhà. Nhiều khách đến hát sau khi đã uống rượu, bia say xỉn cứ lao rầm rầm thẳng xe vào cổng nhà chị. “Có người lại còn vệ sinh bừa bãi ra trước cổng. Chúng tôi đã góp ý rất nhiều với chủ quán nhưng vẫn không ăn thua”, chị Loan nói.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến những âm thanh "khủng" này, ông K., một cán bộ hưu trí có nhà ở gần đó lắc đầu ngao ngán: “Tui đã 80 tuổi, chỉ muốn được yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng họ cứ hát hò ồn ào khiến tui rất mệt mỏi”.

Còn anh Hoàng Hà (nhà số 263/32 Nguyễn Văn Linh - dựa lưng tường sát với quán karaoke này) bức xúc: “Quán mở nhạc ồn ào nhất là cứ sau 10 giờ đêm, khiến vợ tôi không ngủ được vì vốn vợ tôi sức khỏe không tốt. Các cháu cũng không có được chút yên tĩnh nào vào ban đêm để tập trung học bài”.

Anh Hà cho hay, anh và một số hộ dân ở xung quanh đã nhiều lần có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. “Hình như có hai lần đoàn kiểm tra đã xuống nhắc nhở thì quán đỡ ồn được vài ngày, nhưng sau đó thì lại như cũ. Họ kinh doanh thì chúng tôi không có gì phản đối, nhưng chỉ mong họ có biện pháp hạn chế tiếng ồn để tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt của mọi người xung quanh”, anh Hà bày tỏ.

Ô nhiễm tiếng ồn có thể bị điếc

Theo các chuyên gia y tế, sống và làm việc nơi bị ô nhiễm tiếng ồn lâu dần cũng “quen”, có thể chúng ta sẽ cảm thấy bớt khó chịu,  nhưng hậu quả của tiếng ồn thì không hề nhỏ.

"Phố" karaoke trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) về đêm.

Bác sĩ Lâm Tấn Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho rằng với những bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều của tiếng ồn ở môi trường xung quanh thì họ rất dễ cáu gắt, dễ bị kích động. Ngoài ra, bệnh nhân bị “dị ứng” với tiếng ồn thì sẽ rất dễ bị căng thẳng, bị lệch giờ sinh học, khiến họ không thể ngủ được đúng giờ.

Còn theo bác sĩ Trương Ngọc Hùng, Phó trưởng Khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện Đà Nẵng, những người thường xuyên phải “hứng chịu” tiếng ồn sẽ gây giảm thính lực, thậm chí là điếc.

"Những người thường xuyên phải tiếp xúc tiếng ồn thì dễ bị giảm thính lực, vì bệnh có thể tiến triển từ từ một thời gian dài nên khó phát hiện sớm. Khả năng bị giảm thính lực tùy thuộc vào từng cá nhân, cường độ, thời gian, nhịp độ tiếp xúc với tiếng ồn.

Tiếng ồn có tần số cao có hại hơn tiếng ồn có tần số thấp. Dần dần sự giảm sút thính lực lan ra các tần số khác. Nếu bị ảnh hưởng của tiếng ồn lớn kéo dài sẽ bị tổn thương tai trong và gây nên điếc tai trong, hay còn gọi là điếc tiếp nhận. Đây là loại tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục”, bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Hùng giải thích, tiếng nói con người ở tần số 250 – 4.000 Hz, cường độ thường nằm trong khoảng từ 30 – 70dB (nói nhỏ là 30 – 35dB, nói vừa 55dB, nói to 70dB). Tiếng ồn cao là yếu tố bất lợi trong môi trường sống và làm việc gây nên giảm thính lực và đến một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến giao tiếp bằng lời và ảnh hưởng đến chất lượng đời sống.

Theo TCVN - 5949 (tiêu chuẩn VN) ban hành năm 1998, quy định mức  âm thanh trong khu dân cư trong khoảng từ 6 giờ đến 18 giờ là 75dB; từ 18 giờ đến 22 giờ là 70dB và vào buổi tối từ 22 giờ đến 6 giờ phải dưới 50dB.

Theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP, các trường hợp vi phạm các quy định về tiếng ồn sẽ bị phạt hành chính từ 2 triệu đến 100 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm); đồng thời tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt tiêu chuẩn cho phép mới được hoạt động tiếp.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.