Chuẩn bị tốt công tác bầu cử

.

Ngày 19-1-2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri hướng dẫn MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, nhiệm vụ của Mặt trận trong công tác bầu cử được quy định rất cụ thể.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026.  Ảnh: TRỌNG HUY
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo đó, Mặt trận có trách nhiệm tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Về tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Mặt trận phải lựa chọn thời gian tổ chức hiệp thương phù hợp; phối hợp rà soát cơ cấu, thành phần, số lượng, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc và nơi cư trú của người được giới thiệu ứng cử bảo đảm đúng theo quy định.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động đề nghị và thống nhất với Thường trực HĐND cùng cấp dự kiến phân bổ giới thiệu người ứng cử để danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư theo quy định. Trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của hơn 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo bằng văn bản để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại nơi cư trú thường xuyên; phối hợp với các đoàn thể nhân dân thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị cử tri, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia hội nghị cử tri. Về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với HĐND, UBND, các tổ chức thành viên, các cơ quan tuyên truyền, báo chí tổ chức thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026; làm cho mọi cử tri hiểu rõ vai trò, vị trí của Quốc hội và HĐND; về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND; về quyền, nghĩa vụ của công dân, của cử tri, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp, các cơ quan có liên qua trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quá trình tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải thực hiện đúng quy định.

Về công tác giám sát. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát; phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực HĐND cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật. Căn cứ các nội dung công tác Mặt trận trong bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể ở cấp mình, đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên để thực hiện.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 tiến hành chung một thời điểm với khối lượng công việc nhiều. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban bầu cử địa phương để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam tham gia cuộc bầu cử.

PHẠM PHÚ BÌNH
Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.