Chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch

.

Vào những ngày cuối năm, ký ức về những năm tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn in sâu trong tâm trí ông Trần Nhật Bằng, 78 tuổi, nguyên Trưởng Công an khu 2 Hòa Vang.

Dù đã 50 năm trôi qua, nhưng từng chi tiết lịch sử của công tác chuẩn bị gấp rút cho chiến dịch vẫn còn in đậm trong ông.

Ông Trần Nhật Bằng bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chuẩn bị chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 khi xem lại cuốn hồi ký.
Ông Trần Nhật Bằng bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chuẩn bị chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 khi xem lại cuốn hồi ký.

Hòa Vang là căn cứ quan trọng của chiến trường Quảng Đà, vừa là tiền phương vừa là hậu phương của nội thành Đà Nẵng. Do đó, việc Đặc khu Quảng Đà chia Hòa Vang thành 3 khu chiến lược cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng về mặt chiến lược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cùng với vùng B Điện Bàn, 3 khu chiến lược này trở thành các mũi tấn công lợi hại thọc sâu vào nội thành Đà Nẵng.

Ông Nhật Bằng bồi hồi xúc động nhớ lại: Vào tháng 11-1967, Mỹ tràn vào Hòa Vang vừa tròn 31 tháng thì Hòa Vang được lệnh chia thành 3 đơn vị: Khu 1, 2 và 3. Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ định đồng chí Nguyễn Khế làm Bí thư Đảng ủy khu 1, đồng chí Lê Tích - tức Lê Khắc Nhu làm Bí thư Đảng ủy khu 2, đồng chí Trần Thanh Kim làm Bí thư Đảng ủy khu 3. Lúc đó địch có 8.000 quân ngụy, 13.000 tên Mỹ và 49 căn cứ điểm đóng trên đất Hòa Vang. Sau 1964, Hòa Vang mới xây dựng được 200 bộ đội huyện, 400 du kích xã, 700 du kích thôn làm nòng cốt cho 117 thôn. Ba khu như 3 vùng chiến lược chuẩn bị thế trận tiến công vào nội thành Đà Nẵng theo cánh cung ôm trọn Đà Nẵng từ chùa Non Nước đến đèo Hải Vân.

Do yêu cầu nhiệm vụ quan trọng, ông Bằng được điều động lên làm ủy viên Ban An ninh khu 2 phụ trách công tác B5 với thực hiện công việc bắt giam, xét xử, xử lý. Để chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 được thắng lợi, Ban An ninh khu 2 lên kế hoạch triển khai công tác bảo vệ tất cả các hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch. Trong đấu tranh chính trị, Khu 2 Hòa Vang hình thành các đội quân như: đội quân nổi dậy “chịu đau, chịu đánh”; đội quân cứu thương; đội quân bảo vệ chống lại những kẻ đàn áp; đội quân binh địch vận biết tiếng Anh, Hàn để hỏi cung. Các đội quân này được trang bị gậy gộc, binh khí thô sơ nhằm thực hiện chống trả theo tinh thần tổng công kích, tổng khởi nghĩa của chiến dịch.

Theo ông Nhật Bằng, công tác chuẩn bị rất quan trọng bởi 3 khu chiến lược như 3 mũi tên lợi hại, chỉa vào căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng. Thế giằng co giữa ta và địch diễn ra ở đây cực kỳ ác liệt. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Dân quân phải đi tìm mua gạo, rồi gói thành từng túi nhỏ khoảng 10kg đắp trên bờ ruộng, đồng thời xây ghè bằng xi-măng chứa vài chục ang gạo ở những bãi cát địch không chú ý để bộ đội xuống lấy.

Đặc biệt, ở vùng lõm, khi bắt được địch, Ban An ninh khu 2 phải khai thác thông tin ngay để cung cấp cho tiền phương. Lúc này, Đặc khu ủy Quảng Đà có chủ trương phân công Chi bộ 1 ở vùng ngoài, tức vùng trắng dân sau khi địch đã hốt hết dân đi nơi khác. Chi bộ 2 được phân công ở phía trong khu dồn dân và nội thành. Các đảng viên có nhiệm vụ đi cùng với người dân vào trong vùng địch kiểm soát để vận động người dân đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển gạo, đạn dược, hàng hóa từ khu dồn dân lên căn cứ phục vụ chiến dịch. Nhằm đảm bảo an toàn cho dân công hỏa tuyến, Ban An ninh khu 2 cử tổ trinh sát vào rừng câu cá, kiếm rau rừng và tìm hang đá cho dân công hỏa tuyến ở an toàn khi lên căn cứ. Song song đó, chuẩn bị phương án xây dựng chính quyền, bảo vệ an ninh và kêu gọi bọn phản động ra đầu hàng sau khi tái chiếm Hòa Vang; đồng thời chốt chặn các ngả đường để nắm bắt các tổ chức phản động.

Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị, Ban An ninh khu 2 đã đóng góp một phần lớn công sức vào sự thành công chung của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Những chiến công của Khu 2 Hòa Vang gắn liền trách nhiệm cao cả và tình nghĩa keo sơn của quân và dân huyện Hiên (tức Đông Giang, Quảng Nam ngày nay). Trong kháng chiến, huyện Hiên đã góp sức người sức của bảo vệ an toàn khu Hòa Vang. Cùng với đó, phải kể đến sự đóng góp tài lực, xương máu của quân và dân tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng và các đơn vị của đặc khu đứng chân trên khu 2 với những cái tên hiển hách như đại đội Lam Sơn và pháo Lam Sơn, lính đặc công Thanh Hóa, Tiểu đoàn 575, T89, Tiểu đoàn 20, T25, Trung đoàn 31, Bệnh xá 39...

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.
.