Hòa Phát - Chặng đường phát triển

.

Từ một địa phương khó khăn về nhiều mặt, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) từng bước vươn lên, xây dựng đô thị phát triển, trở thành đơn vị hành chính loại I.

Một góc đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ hôm nay.
Một góc đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ hôm nay.

Phường Hòa Phát, đơn vị hành chính thuộc quận Cẩm Lệ, được thành lập trên cơ sở xã Hòa Phát chia tách thành 2 phường Hòa Phát, Hòa An vào năm 2005.  Xét về vị trí địa lý, Hòa Phát gặp nhiều bất lợi so với các địa phương khác, phần lớn diện tích nằm lọt thỏm giữa một bên là dãy núi Phước Tường, một bên là tuyến đường sắt Bắc – Nam, người dân chủ yếu là lao động phổ thông, làm nông nghiệp, trong khi đất đai cằn cỗi, thương mại, dịch vụ khó phát triển. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Khổ nhất là hệ thống đường giao thông xuống cấp khiến cho việc phát triển kinh tế của địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn nhớ năm 2011, thời điểm người viết về công tác tại quận Cẩm Lệ, mỗi lần tác nghiệp tại phường Hòa Phát là một lần khổ sở bởi tuyến đường chính dẫn vào UBND phường, đường Tôn Đản, xuống cấp nghiêm trọng. Cả một đoạn đường dài toàn ổ voi, nước đọng thành từng vũng lớn, mỗi lần xe chạy ngang qua là nước văng qua khỏi đầu. Đoạn Tôn Đản nối dài thì chỉ là một con đường nhỏ hẹp, trên đó một chút là đường dẫn vào kho CK 55, tất cả đều xuống cấp, hư hỏng nặng.

“Hồi đó có buôn bán chi được đâu. Đường thì lồi lõm, mưa là nước ngập lênh láng, nắng thì bụi mù mịt”. Bà Nguyễn Thị Chung, buôn bán quán nước nhỏ bên đường Tôn Đản nhớ lại.

Còn trong ký ức của ông Đoàn Văn Bảy, con đường Tôn Đản năm nào vẫn còn ám ảnh bởi tình trạng ngập nước thường xuyên, người dân lưu thông hết sức khó khăn, chỉ cần sơ ý là té ngã. “Mỗi lần có xe tải chạy qua là nước văng tung tóe, còn mùa nắng là bụi mù mịt, các phương tiện khác chỉ còn biết tấp vào lề. Lưu thông khó khăn lắm”. Ông Bảy nói.

Trong khi đó, nông nghiệp dù chiếm vai trò chủ đạo, song cũng chỉ dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nông dân loay hoay trong việc sản xuất, kinh doanh, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Bà Huỳnh Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội nông dân phường, người theo dõi xuyên suốt hoạt động Hội trong nhiều năm qua cho hay, thời điểm đó, việc nông dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, cùng với quá trình giải tỏa, quy hoạch, đô thị hóa, đất nông nghiệp càng thu hẹp nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi phải tìm tòi, nghiên cứu các mô hình mới để liên kết, tìm hướng đi mới cho nông dân ổn định sản xuất, kinh doanh”. Bà Châu nói.

Thực tế của hạ tầng, cùng với xuất phát điểm là xã nông nghiệp vùng ven khiến Hòa Phát trong ký ức của nhiều người là một vùng đất nghèo, cằn cỗi, khó khăn, thiếu thốn.

Dù khó khăn, song 12 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã phát huy nội lực, từng bước phát triển kinh tế. Trong 5 năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm là 8,79%, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - xây dựng, Tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân là 7,25%, giá trị sản xuất ngành Thương mại, Dịch vụ 10,97%, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân là 14,84%, giảm 100% hộ nghèo theo tiêu chí cũ. Nhiều HTX nông nghiệp ra đời như HTX nấm Song Phước, giá đỗ Nghi An… đã tạo hướng đi mới cho nông nghiệp ở địa phương, phù hợp với sự phát triển của đô thị.

Đặc biệt, Hòa Phát là một trong những địa phương đi đầu của quận Cẩm Lệ trên lĩnh vực giáo dục và cải cách hành chính (CCHC), trong đó nhiều mô hình cải cách hành chính hiệu quả đã được áp dụng rộng rãi như mô hình liên thông “3 trong 1”, tích hợp thực hiện 3 loại thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và nhập hộ khẩu cho trẻ em thành một loại thủ tục liên thông chỉ với 1 lần đi lại, giảm được 20 ngày thực hiện thủ tục. Mới đây địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “4 trong 1”, liên thông hồ sơ đăng ký khai tử - giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp một lần đối với người có công cách mạng từ trần – đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng trợ cấp xã hội. Mô hình này cũng đã được quận Cẩm Lệ triển khai nhân rộng trên địa bàn quận.

Ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường cho hay, bên cạnh giáo dục và CCHC, công tác vận động giải phóng mặt bằng cũng được địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Trên địa bàn hiện có hơn 10 dự án được triển khai, đặc biệt là dự án đường gom dọc đường sắt đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm. Đến nay nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phường Hòa Phát đã được công nhận là đơn vị hành chính loại I, đạt 82/100 điểm đối với các tiêu chí đánh giá về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, yếu tố đặc thù theo quyết định của Bộ Nội vụ.

“Địa phương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của phường để phát triển kinh tế bền vững, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như việc làm, giảm nghèo…, xây dựng Hòa Phát trở thành đô thị phát triển trong tương lai, xứng đáng là đơn vị hành chính loại I”. Ông Tuấn nói.

Bài và ảnh: Trung Trực

;
.
.
.
.
.