Đến năm 2020, Đà Nẵng giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập

.

Ngày 3-10, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp về thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hồ Kỳ Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn và Trần Văn Miên.

Ngành y tế sẽ sắp xếp, sáp nhập 6 đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Trong ảnh: Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh được can thiệp tại Bệnh viện Đà Nẵng. 							Ảnh: V.DŨNG
Ngành y tế sẽ sắp xếp, sáp nhập 6 đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Trong ảnh: Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh được can thiệp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: V.DŨNG

Giảm mạnh ở ngành y tế và văn hóa

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, năm 1997 thành phố có 285 đơn vị sự nghiệp công lập với 9.353 người làm việc. Đến năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp công lập với 22.065 người làm việc. Trong đó, ngành giáo dục chiếm 61%, cơ sở y tế 9%, văn hóa và thể thao 7,6%...

 Theo phương án sắp xếp nêu trong đề án, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, Sở Y tế thống nhất với Sở Nội vụ sáp nhập 6 đơn vị thuộc khối y tế dự phòng và y tế cộng đồng gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe và Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.

Đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thống nhất với Sở Nội vụ sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm 6 đơn vị, gồm: sáp nhập Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội thành phố và Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng thành phố vào Trung tâm Văn hóa thành phố; sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản văn hóa vào Bảo tàng Đà Nẵng; sáp nhập Trung tâm Thể dục-thể thao người lớn tuổi, Cung Thể thao Tiên Sơn vào Trung tâm Thể dục thể thao và đổi tên thành Trung tâm Tổ chức thi đấu thể dục thể thao. Tiến hành giải thể Trung tâm Quản lý quảng cáo.

Đối với các đơn vị sự nghiệp ngành Công thương, tiến hành hợp nhất Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công thành Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại; đồng thời tách Trung tâm Hội chợ - triển lãm từ Công ty Quản lý các chợ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế Nhà nước, từ nay đến năm 2020, thành phố phấn đấu giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 15 đơn vị, chuyển sang công ty cổ phần 6 đơn vị.

Đề án cũng nêu các giải pháp mới về các cơ chế quản lý, tài chính, quản trị đơn vị sự nghiệp. Theo đó, sẽ tiến hành thí điểm mô hình “Trường học tự chủ” trong ngành giáo dục và đào tạo; triển khai mô hình “Bác sĩ gia đình” và “Phòng khám đa khoa khu vực” ở một số trạm y tế phường, xã. Tiến hành chuyển giao doanh nghiệp đấu thầu quản lý, vận hành các chợ hạng 2 và hạng 3 ở các quận, huyện. Thành lập hội đồng quản lý và thí điểm thuê giám đốc điều hành (CEO) ở một số đơn vị sự nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Hiện nay, Nhà khách UBND thành phố đã thực hiện mô hình này và mang lại hiệu quả rõ nét.

Kiểm soát cấp phó

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số sở, ngành giải trình thêm các nội dung liên quan đến công tác sáp nhập. Đa số các ý kiến ủng hộ và đề nghị triển khai theo đúng lộ trình nhằm giảm sự cồng kềnh của bộ máy, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động. Riêng ngành y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Út đề nghị, đi liền với sáp nhập thì thành phố cần có trụ sở hoạt động phù hợp với quy mô và đặc thù của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong ngành văn hóa cần triển khai trên nguyên tắc phải bảo đảm hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo, quản lý các di sản văn hóa ngày càng hiệu quả… Cùng với đó, phải phát huy hiệu quả các công trình lớn như: Cung Thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hội nghị và triển lãm thành phố.

Quy định và kiểm soát cơ cấu, định mức tỷ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý cũng được nêu cụ thể trong đề án. Theo đó, về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, lâu nay việc tinh giản biên chế tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả, bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, có nơi làm việc chưa hiệu quả. Do vậy, đề án do Sở Nội vụ trình bày sẽ tạo đột phá trong việc sắp xếp bộ máy, giảm các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế chồng chéo. “Hướng sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa, tiến tới lộ trình tự chủ là những đề xuất mạnh mẽ, mạnh dạn, rất hợp lý và khoa học, cần triển khai thực hiện càng sớm càng tốt”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh. Bởi trên thực tế, có một số đơn vị sự nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, số lượng người làm việc nhiều nên cần phải rà soát, sắp xếp lại.

Để việc sắp xếp, sáp nhập triển khai thuận lợi và đúng thời gian, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Xây dựng phải chủ động các phương án về trụ sở làm việc để giải quyết nhu cầu của các sở, ngành có đơn vị sự nghiệp được sắp xếp, nhất là ngành y tế. Cùng với đó, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan cần đề xuất phương án nhân sự theo hướng tinh gọn, khoa học, đúng quy định. “Việc tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết, do vậy từng sở, ngành và UBND các quận, huyện phải tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo xử lý công việc. Mấu chốt nhất vẫn là con người thực hiện. Làm thế nào để mỗi cán bộ, công chức phát huy đúng năng lực, sở trường để hoàn thành tốt công việc được giao”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ lưu ý.

Cổ phần hóa 6 đơn vị sự nghiệp

Theo đề án của Sở Nội vụ, sẽ có 6 đơn vị sự nghiệp tiến hành cổ phần hóa trong thời gian đến gồm: Viện Quy hoạch và xây dựng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, Trường Trung cấp nghề giao thông công chính, Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp, Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và Trung tâm Vi mạch. Tất cả các đơn vị này đã được giao quyền tự chủ.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.