Nhiều giải pháp xử lý nước thải chảy ra biển

.

Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam (ảnh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc nước thải tràn qua cửa xả chảy ra biển là do tốc độ phát triển đô thị vùng phía đông thành phố rất nhanh, khiến hệ thống thu gom quá tải. Thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này.

Ông Lê Quang Nam cho biết:

- Hệ thống thoát nước hiện nay của thành phố là hệ thống thoát nước chung. Tại vị trí các cửa xả của hệ thống thoát nước có các cơ cấu tách dòng để chuyển hướng nước thải vào hệ thống thu gom. Theo thiết kế, khi không có mưa, toàn bộ nước thải được thu gom, đưa về Trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường. Khi trời có mưa to, nước thải được pha loãng bởi nước mưa tràn qua các cơ cấu tách dòng chảy ra biển qua các cửa xả.

Hiện nay, trên toàn tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa có 15 cửa xả, trong đó có 1 cửa xả không có nước thải (kênh Suối Đá) và 5 cửa xả từ phía nam khách sạn Furama đến giáp tỉnh Quảng Nam chưa có hệ thống thu gom nước thải đưa về Trạm xử lý nước thải tập trung nên nước thải thường xuyên chảy ra biển. Ngoài ra, tình trạng nước thải tràn ra biển vào mùa cao điểm xây dựng và du lịch tại một số cửa xả dọc tuyến đường Hoàng Sa đến Trường Sa xảy ra trong nhiều năm, kể cả các cửa xả đã có hệ thống thu gom nước thải của thành phố.

Đặc biệt, thời gian qua, vấn đề bức xúc nhất là nước thải chảy tràn ra biển và tình trạng mất cát sau các trận mưa đầu mùa tại một số cửa xả cạnh khu vực bãi tắm du lịch ven biển phía đông thành phố. Vị trí tràn nước thải ra biển nhiều nhất tại các cửa xả SPS3 (bãi tắm Mỹ Khê), cửa xả SPS4 (bãi tắm Mỹ An). Ngoài ra, một số cửa xả khác cũng thường có hiện tượng nước thải chảy ra biển như cửa xả An Đồn (cạnh Temple Resort) và cửa xả đối diện nhà hàng Cua Biển.

Hiện tượng nước tràn từ các cơ cấu tách dòng theo cửa xả ra biển thường diễn ra sau những ngày mưa, ngày cao điểm về du lịch và các hoạt động thi công xây dựng phần móng của các công trình dọc biển (mỗi công trình khi thi công phần móng 2-3 tầng hầm, diện tích khoảng 1.000m2 sàn bơm vào hệ thống cống lượng nước ngầm rất lớn 3.000-4.000m3/ngày đêm) phải bơm nước ra hệ thống thoát nước, dẫn đến lưu lượng nước thải tăng lên đột biến, một phần nước thải pha loãng với nước ngầm đã vượt với công suất bơm tràn ra biển. Ngoài ra, sau thời gian hoạt động trên 10 năm (từ năm 2007), các máy bơm bắt đầu xuống cấp, hư hỏng và việc phát triển nhanh chóng các nhà hàng, khách sạn đã làm hệ thống thoát nước càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là mùa cao điểm du lịch, xây dựng.

Tốc độ phát triển đô thị ở phía đông thành phố đã gây áp lực cho hệ thống thu gom nước thải. Ảnh: NGỌC PHÚ
Tốc độ phát triển đô thị ở phía đông thành phố đã gây áp lực cho hệ thống thu gom nước thải. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thanh tra Sở Xây dựng xử lý một số đơn vị khi thi công xây dựng công trình khách sạn tại khu vực ven biển đã không tuân thủ việc điều tiết nước ngầm khi thi công hố móng mà bơm trực tiếp vào hệ thống cống, dẫn đến lưu lượng nước trong cống tăng đột biến, gây tràn nước thải ra biển tại các cửa xả trong tháng 7-8 vừa qua.

* Theo ông, phải chăng tình trạng này là do việc thiết kế hạ tầng thu gom nước thải trước đây không dự báo được tốc độ phát triển đô thị hiện nay?

- Như tôi đã đề cập ở trên, một trong những nguyên nhân của tình trạng nước thải tràn ra biển là do hệ thống thu gom nước thải quá tải, việc thiết kế hạ tầng thu gom nước thải trước đây dựa vào quy hoạch cũ (chủ yếu đất nhà chia lô và biệt thự) nhưng do phát triển du lịch, quy hoạch ven biển đã thay đổi (đất chia lô gộp lại và xây dựng khách sạn cao tầng), nước thải tăng gấp vài chục đến vài trăm lần trên cùng diện tích, dự báo cho hệ thống thoát nước cũ không còn chính xác.

Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường của thành phố từ nguồn vốn vay ODA tính toán xác định lượng nước thải xử lý tại Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn vào năm 2020 lần lượt là 22.700m3/ngày đêm và 15.800m3/ngày đêm. Nhưng thời điểm hiện nay, ở Sơn Trà là 28.000 m3/ngày đêm, Ngũ Hành Sơn 27.300m3/ngày đêm, đã vượt tính toán.

Sự phát triển nhanh chóng, trong đó đặc biệt là việc xây dựng khách sạn, nhà hàng để phục vụ du lịch, đã dẫn đến tình trạng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nổi. Tại một số khu vực trước đây dự kiến bố trí khu dân cư thì hiện nay được xây dựng khách sạn và nhà hàng nên lượng phát sinh chất thải lớn hơn nhiều lần, tạo áp lực rất lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ diễn ra đối với việc thu gom, xử lý nước thải, mà còn thể hiện trong cấp nước sinh hoạt và giao thông.

* Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, ngành môi trường cũng có nhiều giải pháp tạm thời đối với vấn đề nước thải tràn qua cửa xả chảy ra biển nhưng vẫn chưa giải quyết được. Vậy đâu là giải pháp căn cơ và lâu dài trong thời gian đến?

- Trước mắt, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng đã giao Công ty Thoát nước và xử lý nước thải lấp rãnh nước và làm đập tạm bằng cát phía ngoài tại 9 cửa xả để khắc phục tình trạng nước thải tràn ra biển dọc tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đặt hàng Công ty Thoát nước và xử lý nước thải định kỳ 2 lần/quý nạo vét bùn đất tại các mương thu, cửa thu, cơ cấu tách dòng, đập chuyển dòng, các tuyến cống từ các lưu vực chảy về các cửa xả, giảm lượng bùn đất, rác cuốn trôi ra biển khi trời mưa; sử dụng xe đào san gạt cát phía trước các cửa xả sau các đợt mưa để cải tạo cảnh quan.

Đồng thời, trong những ngày nắng nóng, thời tiết thay đổi, công ty sử dụng chế phẩm khử mùi tại các cửa xả, hố ga… để giảm thiểu mùi hôi phát sinh. Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra việc bơm nước khi xây dựng tầng hầm cũng như vận chuyển đất, cát đối với các dự án đang thi công trên địa bàn thành phố, tập trung vào các dự án ven biển để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc bơm nước có lẫn bùn đất vào hệ thống thoát nước mưa.

Cống Phaolo - một trong những cống xả thường xuyên có nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Cống Phaolo - một trong những cống xả thường xuyên có nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Ngày 10-8-2017, UBND thành phố có Quyết định số 4386/QĐ-UBND phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán triển khai thí điểm cải tạo cửa xả Mỹ An với kinh phí 4,426 tỷ đồng. Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố đang triển khai thi công, dự kiến đến ngày 20-9-2017 sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ngày 11-8-2017, UBND thành phố có Công văn số 6219/UBND-QLĐTh thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng giao Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên mua sắm bơm và thiết bị với số lượng 11 bơm để thay thế các máy bơm tại các trạm bơm SPS1, SPS2, SPS3, SPS4, SPS34 dọc biển.

Về lâu dài, UBND thành phố đã phê duyệt phương án thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt khu vực Mỹ An - Mỹ Khê. Cải tạo cảnh quan cửa xả Mỹ An, Mỹ Khê tại Quyết định số 5153/QĐ-UBND ngày 1-8-2016 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Ngày 14-6-2016, UBND thành phố có Thông báo số 137/TB-VP đưa công trình xây dựng tuyến cống thu gom nước thải dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (đoạn từ khách sạn Furama đến đường Nguyễn Duy Trinh) vào dự án phát triển bền vững. Trong đó, bổ sung xây dựng tuyến cống có chiều dài 923m trên đường Võ Nguyên Giáp; thay thế tuyến ống thu gom nước thải cũ bằng cống BxH=1,4x1,4m hoặc cống tròn, chiều dài 2.128m. Dự kiến quý 1 năm 2018 sẽ triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên cũng chỉ giải quyết được nước thải được thu gom xử lý triệt để vào mùa nắng; khi trời mưa, nước mưa và nước thải vẫn phải chảy ra biển. Khu vực các cửa xả vẫn bị mất hàng ngàn mét khối cát sau các trận mưa đầu mùa làm chia cắt các bãi biển. Để giải quyết vấn đề này, một số nước tiên tiến trên thế giới như Úc, Mỹ bố trí các cống xả ra các bãi biển hợp lý (xa khu vực bãi tắm), hoặc xây dựng các cửa xả xa bờ nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp này và rất tốn kém kinh phí (chẳng hạn, ở Sydney - Úc triển khai 3 cửa xả xa bờ tốn hết 310 triệu USD)…

* Xin cảm ơn ông.

Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường của thành phố từ nguồn vốn vay ODA tính toán xác định lượng nước thải xử lý tại Trạm xử lý nước thải Sơn Trà, Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn vào năm 2020 lần lượt là 22.700m3/ngày đêm và 15.800m3/ngày đêm. Nhưng thời điểm hiện nay, ở Sơn Trà là 28.000m3/ngày đêm, Ngũ Hành Sơn 27.300m3/ngày đêm, đã vượt tính toán”

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
.
.
.
.
.