Tác nghiệp giữa Biển Đông

.

Nhiều nhà báo tâm sự, trong cuộc đời làm báo phải có một chuyến ra Trường Sa. Và tôi rất vinh dự sau gần 10 năm làm báo đã được Ban Biên tập cử đi tác nghiệp ở Trường Sa trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua.

Các phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa.  Ảnh: N.PHÚ
Các phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: N.PHÚ

Đến với Trường Sa mới thấy mình trưởng thành hơn, thấu hiểu và cảm phục hơn những con người đang vững chắc tay súng bảo vệ biển, trời quê hương.

Tránh bão ở Trường Sa

Chúng tôi đến Trường Sa vào những ngày cuối năm 2016 và cũng là những ngày cận Tết Đinh Dậu. Cuối đông, thời tiết ở Trường Sa thất thường, khi nắng gắt, khi mưa lớn, khi nổi giông bão. Ngày 20-12-2016, tàu Trường Sa 571 rời Cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đưa đoàn công tác lên đường ra Trường Sa. Trong 3 đoàn công tác, chúng tôi được phân đi tuyến phía bắc với 6 đảo. Đảo đầu tiên chúng tôi đến là Song Tử Tây, dự kiến tác nghiệp trong 2 đêm, 3 ngày. Thế nhưng, khi được nửa quãng đường, đoàn nhận được tin bão trên Biển Đông. Kế hoạch ở lại đảo phải thay đổi, chỉ ở lại vài tiếng đồng hồ tác nghiệp rồi “chạy bão”. Các phóng viên trên tàu cảm thấy có chút hụt hẫng bởi ai cũng có kế hoạch tác nghiệp tỉ mỉ. Thôi thì do “sự cố” chứ biết làm sao!  

Tàu dừng trước đảo Song Tử Tây chừng 1 hải lý. Do ảnh hưởng của bão, những con sóng vỗ vào thân tàu bắn nước lên tận boong, khiến kế hoạch tác nghiệp phải triển khai khẩn trương theo lệnh của Trưởng đoàn. Xuồng CQ được hạ xuống để đưa cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân và đoàn công tác vào đảo. Ở bên trong cầu cảng, CBCS và nhân dân đang chỉnh tề cầm cờ hoa để đón đoàn. Thế nhưng, những con sóng lớn luôn ngăn bước đoàn nên thời gian trung chuyển vào đảo rất khó khăn, vất vả. Trong quá trình trung chuyển, ai nấy ướt sũng vì sóng lớn; có máy ảnh, máy quay của phóng viên bị ướt…

Khi bão càng áp sát đảo Song Tử Tây, Trưởng đoàn khá lo lắng nên giục phóng viên tác nghiệp nhanh để “chạy bão”. 38 nhà báo phải tranh thủ ngay khi chân ướt chân ráo lên cầu cảng để tác nghiệp. Sau khi tặng quà cho cán bộ, nhân dân trên đảo, chúng tôi phải “chạy”. Đảo khá rộng, có thể khai thác tư liệu cho nhiều bài viết về Trường Sa, nhưng thời gian ở đây ít quá, chẳng đủ để chúng tôi tác nghiệp. Nào là âu thuyền, công tác tăng gia, việc chuẩn bị đón Tết của người dân, cây di sản, nước lọc, điện gió…, đề tài nào cũng có thể viết được và viết hay nếu biết cách khai thác tư liệu và tạo xúc cảm. Tiếng kẻng báo hiệu ăn trưa, nhưng phóng viên vẫn hăng say tác nghiệp. Anh em bảo nhau, nhịn một bữa chẳng sao, tối lên tàu ăn bù.

14 giờ, chúng tôi nhận lệnh xuống tàu gấp để “chạy bão” sau khi CBCS trên đảo tổ chức chào cờ. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh chào cờ thiêng liêng trên đảo, ai cũng xúc động. Không thể bỏ lỡ không khí này, máy quay, máy ảnh “lia” vun vút… Nhưng thời gian không thể đợi, chúng tôi nhanh chóng chia tay CBCS và nhân dân trên đảo để xuống tàu “chạy bão” với biết bao niềm xúc động.

Đại tá - Nhà báo Trần Trọng Tuấn (người đang tưới nước) tham gia trồng cây lưu niệm ở đảo Nam Yết.Ảnh: N.P
Đại tá - Nhà báo Trần Trọng Tuấn (người đang tưới nước) tham gia trồng cây lưu niệm ở đảo Nam Yết.Ảnh: N.P

Tác nghiệp mọi nơi, mọi lúc

Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài trong 23 ngày nhưng chỉ lên các đảo được vài ngày. Ví như đảo Song Tử Tây được tác nghiệp 4-5 tiếng; đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, mỗi đảo 2 tiếng rưỡi. Thời gian lên đảo ít buộc các phóng viên phải tranh thủ tác nghiệp. Nhà báo Phan Xanh (Truyền hình Quốc hội) bày tỏ: “Ra đảo Trường Sa không dễ nên mình phải tranh thủ từng giây, từng phút để khai thác đề tài”.
Lên đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, các phóng viên phải tích cực tư duy tìm kiếm đề tài. Đảo chìm nên cuộc sống vất vả hơn. Ở đây, đề tài chính là tiết kiệm nước, tăng gia sản xuất và sáng kiến trong tăng gia sản xuất. 2 tiếng rưỡi đồng hồ vừa tác nghiệp riêng, vừa trao quà chúc Tết, nên các phóng viên phải tập hợp lại để cùng khai thác thông tin, cùng phỏng vấn nhân vật.

Chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn khi lên các đảo Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn vì được ở lại qua đêm. Được ở lại trên đảo, chúng tôi lên kế hoạch và khai thác được nhiều đề tài hơn. Nhà báo, Đại tá Trần Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Quân đội chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình đi Trường Sa. Mỗi lần đến với Trường Sa đều có những cảm xúc khác nhau. Vì vậy, mình phải tranh thủ mọi thời gian để ghi chép, chụp ảnh, phục vụ cho công việc của mình không chỉ bây giờ mà còn nhiều năm sau”. Có khi giữa trưa nắng nóng, nhà báo Trần Trọng Tuấn cũng mang máy ảnh đi khắp đảo. Có khi mặt trời đã tắt, các phóng viên khác xuống biển tắm, nhưng anh vẫn còn lặn lội tác nghiệp. Còn đối với nhà báo Phan Hiếu (Báo Bình Thuận), đây là lần thứ hai anh đi Trường Sa và cũng là lần thứ hai đi tuyến phía bắc nên anh khai thác tư liệu dễ dàng hơn những nhà báo khác.

Ở Trường Sa, mạng 3G rất yếu, nhiều nhà báo phải làm việc suốt đêm, nhưng kết quả là tin, bài vẫn không thể chuyển về tòa soạn được. Riêng bản thân tôi có thể truyền tin, bài về mọi nơi, mọi lúc bằng Messenger (Facebook) và ở nhà có “hậu phương” biên soạn lại để gửi tòa soạn. Kết thúc hành trình 23 ngày với 6 đảo, anh em phóng viên lên bờ tổng kết thành quả của mình. Có phóng viên chỉ có 3 tin gửi về mà không có hình ảnh, có phóng viên có 2 bài, có phóng viên không thể gửi về được. Riêng tôi khi bước trở về đất liền đã đăng được 5 phóng sự ảnh, 6 tin và một tuyến bài 3 kỳ.

Tôi tự đúc rút cho mình một chút kinh nghiệm khi đến với Trường Sa là không sợ sóng gió, không sợ khổ, phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tác nghiệp. Một đời làm báo mà được đi một chuyến Trường Sa là điều thật vinh dự và hạnh phúc…

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.