Phóng viên tài chính khó tác nghiệp

.

Mảng tài chính là lĩnh vực khá khó đối với các nhà báo không chỉ trong việc tìm kiếm đề tài, khai thác tư liệu mà còn tiếp xúc với hàng loạt con số. Nếu xử lý không khéo, bài viết sẽ đơn thuần là một báo cáo và toàn số liệu khô khan.

Tác giả (thứ 6 từ trái sang) trong một lần tác nghiệp tại nước bạn Lào.
Tác giả (thứ 6 từ trái sang) trong một lần tác nghiệp tại nước bạn Lào.

Với thâm niên hơn 10 năm theo dõi mảng Tài chính - Thuế - Hải quan, chị Hải Lý, phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) chia sẻ, phóng viên thường gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin mảng này; trong nhiều trường hợp, dù phát hiện ra đề tài nhưng không thể thực hiện vì không khai thác được tư liệu cần thiết.

Với phóng viên mảng tài chính, tình trạng “đổ” bài xảy ra thường xuyên vì việc liên hệ với các đơn vị ở lĩnh vực này mất khá nhiều thời gian, từ 5-10 ngày, thậm chí cả tháng mới nhận được câu trả lời nội dung phỏng vấn. Riêng việc phỏng vấn trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại rất ít khi thực hiện được. Bản thân người viết bài này từng mất một tháng để trình bày đủ loại giấy tờ, từ giấy giới thiệu của cơ quan báo, thẻ nhà báo, đơn đề xuất được làm việc có kèm chữ ký của Trưởng phòng… mới nhận được lời đồng ý từ đơn vị cung cấp thông tin; hay từng nhận không ít tin nhắn đề nghị như “viết về thuế ít thôi” (!?).

Phóng viên mảng tài chính không chỉ gặp khó khăn trong khai thác tư liệu cho những bài viết phản ánh những bất cập, vướng mắc hay các hành vi sai trái trong điều hành, sử dụng tài chính, ngân sách, trốn thuế, mà ngay ý tưởng thực hiện các bài viết biểu dương một đơn vị nào đó hoặc một doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đạt thành tích tốt về doanh thu hoặc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng không mấy khi được chào đón.

Một giám đốc điều hành một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu) từng khẳng định rằng, không doanh nghiệp nào muốn lên tiếng về các vấn đề liên quan đến hoạt động tài chính, nhất là thuế. Bởi lẽ, bản thân doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn hiện nay nếu làm đúng 100% quy định của Luật Thuế thì khó có lãi.

Ngay tại các buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, rất hiếm đơn vị nào phản ánh những vấn đề liên quan đến thuế hay các chính sách về thuế, hải quan. Họ đắn đo, e ngại khi chia sẻ về điều này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đơn vị. Và đương nhiên họ chẳng thể chia sẻ sự e ngại này với nhà báo.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, phóng viên phụ trách mảng tài chính còn phải nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng của nền tài chính hiện đại. Đó là hiện tượng mua bán tiền ảo qua mạng; các hành vi trốn thuế, lách thuế ngày càng tinh vi, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước; là những biểu hiện tham nhũng tiền thuế của nhân dân… Từ thực tế đó, phóng viên tài chính phải trăn trở, suy tính rất nhiều trước khi viết bài, bởi lẽ khi bài báo được xuất bản sẽ ảnh hưởng ngay đến những đối tượng liên quan. Với các con số, chỉ có đúng hoặc sai, không có sự nhập nhằng hay biện giải.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.