Bất cập trong quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ nữ - Bài 1: Từ ý tưởng mang tính nhân văn

.

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là bệnh viện duy nhất hiện nay trên cả nước không phải bệnh viện công cũng không phải bệnh viện tư. Mục tiêu của bệnh viện là giúp phụ nữ nghèo được điều trị bệnh kịp thời, thế nhưng ngay trong mô hình và quá trình hoạt động của bệnh viện đã bộc lộ nhiều bất cập.

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là nơi chọn lựa của nhiều phụ nữ để chăm sóc sức khỏe và đây cũng là nơi thực hiện các chính sách nhân văn.
Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là nơi chọn lựa của nhiều phụ nữ để chăm sóc sức khỏe và đây cũng là nơi thực hiện các chính sách nhân văn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ cho biết: “Đây là nơi phụ nữ nghèo trên địa bàn Đà Nẵng có thể tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế với mức chi phí khám chữa bệnh được miễn giảm một phần hoặc toàn bộ. Đó cũng là mục đích cao đẹp cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Nguyễn Bá Thanh hằng mong muốn khi sáng lập bệnh viện này”.

Hàng ngàn phụ nữ nghèo được miễn giảm viện phí

Bị bệnh đa xơ tử cung, chị Nguyễn Thị Thanh X. (44 tuổi, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) cứ lần lữa mãi không đi khám chữa bệnh mặc cho cơn đau hành hạ. “Lo kiếm tiền trang trải chi phí nên chưa đi khám được. Giờ nghe địa phương nói vào Bệnh viện Phụ nữ phẫu thuật được miễn, giảm viện phí nên tôi mới đi. Hơn nữa, các y, bác sĩ ở đây nhiệt tình lắm, trang thiết bị thì hiện đại, chỗ nằm cũng thoáng mát, sạch đẹp”, chị X. nói. Được phẫu thuật và điều trị tại đây với tổng kinh phí hơn 9,6 triệu đồng, sau khi trừ tiền bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 1,2 triệu đồng, chị chỉ phải đóng 1,7 triệu đồng (tương đương 20% chi phí điều trị sau BHYT, 60% còn lại tương đương 6,7 triệu đồng được bệnh viện hỗ trợ miễn giảm).

Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh (30 tuổi, ở quận Hải Châu) lại là một trường hợp khác. “Tôi muốn sinh đứa con thứ 2 ở Bệnh viện Phụ nữ bởi các y bác sỹ ân cần và trang thiết bị khá hiện đại. Có điều chi phí sinh mổ đến hơn 6 triệu đồng nên tôi còn ngần ngại. Sau đó, biết hộ nghèo được miễn giảm viện phí nên tôi đăng ký sinh mổ ở đây và tôi chỉ phải đóng gần 1 triệu đồng sau khi hưởng chế độ miễn giảm”, chị Anh nói. Đến nay, sức khỏe của cả hai mẹ con chị Anh đều khá tốt và chị đã quay trở lại công việc bình thường.

9 năm trước, xuất phát từ ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh về việc hình thành “nơi những phụ nữ nghèo của thành phố có thể tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, đạt chất lượng quốc tế”, năm 2009, Bệnh viện Phụ nữ được thành lập trực thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Tọa lạc tại quận Hải Châu, bệnh viện có quy mô 50 giường, 10 khoa, phòng chuyên môn, trang bị nhiều loại máy móc hiện đại bậc nhất trong khu vực, phục vụ cho việc khám và điều trị các bệnh phụ nữ như máy siêu âm 4 chiều, 5 đầu dò, máy Mammography analog, hệ thống máy và dụng cụ mổ nội soi phụ khoa, hệ thống máy sinh hóa và miễn dịch tự động... Đặc biệt, phải kể đến máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla (Đức) có thể chẩn đoán hình ảnh toàn cơ thể, có khả năng phát hiện các khối u nhỏ trong mạch máu. Đây là chiếc máy hiện đại duy nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Đến Bệnh viện Phụ nữ, người nghèo có thẻ BHYT (Mã HN của thành phố Đà Nẵng) được miễn giảm thêm 80% chi phí khám chữa bệnh còn lại sau khi BHYT thanh toán. Riêng đối với người nghèo bị ung thư và hộ đặc biệt nghèo được miễn giảm 100% chi phí khám chữa bệnh còn lại sau khi BHYT chi trả. Theo thống kê của bệnh viện, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đơn vị đã miễn, giảm viện phí (sau khi BHYT thanh toán) cho khoảng hơn 8.000 lượt phụ nữ nghèo với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Cũng theo thông tin từ bệnh viện, đơn vị đã tổ chức khám sàng lọc và tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho hàng ngàn phụ nữ nghèo trên địa bàn các quận, huyện. Nhờ đó, đã có nhiều bệnh nhân được phát hiện ung thư sớm, được điều trị kịp thời với chi phí thấp và trở lại cuộc sống bình thường.

Mô hình chưa phù hợp

Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng được thành lập với tư cách pháp nhân là công ty TNHH MTV, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với mục đích tốt đẹp như đã nêu trên. Nhưng trong quá trình quản lý, điều hành, đã nảy sinh những bất cập. Trước hết, là việc huy động và sử dụng kinh phí.

Bệnh viện có tổng kinh phí đầu tư 76 tỷ đồng từ nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất, từ ngân sách của thành phố 35 tỷ đồng. Theo báo cáo số 2989/STC-HCSN ngày 16-12-2016 của Sở Tài chính thì năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tạm ứng từ ngân sách 35 tỷ đồng để cấp cho Bệnh viện Phụ nữ và đến năm 2010 thì cấp hẳn cho bệnh viện này (theo Quyết định số 9198/QĐ-UBND ngày 26-11-2010). Nguồn thứ hai, 2,3 tỷ đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng vận động hội viên và các tổ dân phố trên toàn thành phố lúc đó đóng góp.

Như vậy, còn lại hơn 39,6 tỷ đồng được cho là do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh vận động các nhà hảo tâm tài trợ (trong đó có 4,5 tỷ đồng vốn lưu động). Khi được hỏi về số tiền này, ông Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố không đưa ra danh mục cụ thể mà cho biết lãnh đạo Hội nhiệm kỳ trước đã có báo cáo gửi Sở Tài chính. Trong khi đó, chúng tôi đề nghị Sở Tài chính làm rõ phần kinh phí còn lại này, cụ thể là những tổ chức, cá nhân nào tài trợ thì sau hơn 1 tháng yêu cầu nhưng đến nay Sở Tài chính vẫn chưa trả lời!

Một bất cập nữa, hầu hết tài sản do Hội mua sắm và chuyển giao cho bệnh viện như: đất đai, nhà cửa... để sử dụng nhưng chủ sở hữu lại là Hội. Điều này chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014. Bởi Luật Doanh nghiệp 2014 quy định đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, mặc dù hoạt động như một doanh nghiệp nhưng bệnh viện lại phải làm nhiệm vụ bắt buộc là miễn, giảm viện phí cho phụ nữ nghèo. Số tiền này được trích từ doanh thu của Bệnh viện Phụ nữ chuyển về cho Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, sau đó đơn vị này căn cứ vào thực tế số lượt phụ nữ nghèo đến khám và điều trị tại bệnh viện hằng năm để chuyển ngược về cho bệnh viện quyết toán.

Bài và ảnh: Nhóm P.V VHXH

;
.
.
.
.
.