.

Dùng điện thoại để phản ánh, góp ý với chính quyền

.

“Giữa đường gặp chuyện bất bình”, người dân tại Đà Nẵng có thể chụp ảnh rồi đăng lên ứng dụng di động “Góp ý Đà Nẵng”. Theo đúng quy định, trong vòng 3 ngày làm việc, các cơ quan liên quan có trách nhiệm xử lý những “chuyện bất bình” được phản ánh.

Các kỹ sư của Công ty Sioux trong buổi giới thiệu phiên bản dùng thử ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng” tại Sở Thông tin - Truyền thông.
Các kỹ sư của Công ty Sioux trong buổi giới thiệu phiên bản dùng thử ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng” tại Sở Thông tin - Truyền thông.

Ngày 29-3, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) ra mắt ứng dụng di động “Góp ý Đà Nẵng”, kết nối với trang web gopy.danang.gov.vn. Với ứng dụng này, người dân có thể dùng điện thoại thông minh để chụp ảnh, quay phim những điều cần phản ánh với các cơ quan chức năng, rồi đăng trực tiếp lên kênh góp ý của thành phố mà không cần đến giấy bút hay máy vi tính…

Ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng” được xây dựng bởi 3 kỹ sư trẻ là Trương Nhật Trung (SN 1990), Vũ Hữu Thắng (SN 1995) và Lâm Khương Trung (SN 1994) thuộc Công ty TNHH Hệ thống nhúng Sioux Đà Nẵng. Giữa năm 2016, anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty Sioux nhận gói thầu xây dựng ứng dụng này từ Sở TTTT với mức giá… 0 đồng.

Anh nói: “Công ty chỉ muốn làm điều gì đó để phục vụ cho người dân thành phố!”. Sau khi tiếp nhận dự án, 3 chàng trai bắt tay vào nghiên cứu giao diện lập trình ứng dụng (API) để ứng dụng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu chung. Trung giữ vai trò nhóm trưởng, có trách nhiệm tiếp nhận các ý kiến, yêu cầu từ Sở TTTT để hướng dẫn Thắng và Trung thực hiện. Sau một tháng nghiên cứu, các kỹ sư bắt đầu thiết kế giao diện, rồi triển khai các chức năng trên giao diện. “Phải làm sao để ứng dụng nhìn vừa đơn giản, vừa chuyên nghiệp”, Trung cho biết.

Sau gần nửa năm xây dựng và hoàn thiện, phiên bản di động đầu tiên của “Góp ý Đà Nẵng” (trên cả hai nền tảng iOS và Android) ra mắt người dân đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Truy cập vào ứng dụng, người dùng có thể đọc các phản ánh của người dân và phản hồi của cơ quan chức năng đã được đăng trước đó. Các ý kiến được “xếp ngăn nắp” vào những mục an ninh trật tự, an toàn giao thông, hạ tầng đô thị…

Việc đăng phản ánh có thể được thực hiện dễ dàng nhờ giao diện đơn giản bằng tiếng Việt. Ngoài ra, ứng dụng cho phép người dùng đăng nhập bằng tài khoản Facebook hoặc Google để dễ dàng theo dõi lịch sử góp ý và nhận thông báo khi có ý kiến phản hồi. Anh Trung cho biết, dữ liệu từ ứng dụng này sẽ được đồng bộ với phiên bản web của kênh “Góp ý Đà Nẵng”. Đơn vị vận hành là Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Sở TTTT) sẽ duyệt thông tin, đăng tải, theo dõi và đưa kết quả xử lý lên ứng dụng.

Theo quy chế vận hành do UBND thành phố ban hành, các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm xử lý phản ánh trong ba ngày làm việc. Đối với các nội dung phản ánh phức tạp, Trung tâm Thông tin dịch vụ công sẽ báo cáo UBND thành phố để có phương hướng xử lý. Chỉ trong tháng 3-2017, đã có hơn 150 ý kiến được người dân đăng lên kênh góp ý này, trong đó có khoảng 80% ý kiến đã được xử lý.

Tại cuộc họp với các kỹ sư trẻ vào cuối tháng 2 vừa qua, Sở TTTT đề nghị phiên bản tiếp theo của “Góp ý Đà Nẵng” bổ sung tính năng lưu thông tin khi chưa kết nối được với mạng Internet và tự động đăng tải khi kết nối thành công. Anh Huy chia sẻ, hy vọng ứng dụng mới này sẽ trở thành một cầu nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền thành phố.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.