.
KỲ HỌP THỨ 3 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA IX

Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc

.

Ngày 7-12, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh, kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa IX bước vào phần thảo luận ở hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề bức xúc nổi cộm kéo dài.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại phiên thảo luận.  										       Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Chưa rõ nhân tố mới tạo tăng thu ngân sách đột biến

Thảo luận về quản lý ngân sách, nhiều ý kiến đánh giá cao thuận lợi của năm 2017 là thành phố có cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, một thách thức rất lớn là phần thu ngân sách của thành phố điều tiết về Trung ương từ năm 2017 tăng đột biến từ 15% lên 32%. Trong khi đó, nhân tố mới tạo ra tăng thu đột biến chưa rõ để bù vào phần tăng điều tiết đột biến về Trung ương.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thúy Mai đề nghị thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế; tuyên truyền để người sử dụng sản phẩm, dịch vụ có thói quen lấy hóa đơn và coi đây là hành động đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ thất thu cao; mở rộng công khai doanh thu, số thuế phải nộp của các doanh nghiệp, công khai tên doanh nghiệp nợ thuế, chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng; hằng năm tổ chức vinh danh 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho thành phố. ĐB đề nghị thành phố cần thí điểm xây dựng phần mềm liên thông giám sát doanh số của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến đồng tình công tác quản lý thu ngân sách phải thực hiện trên quan điểm thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu chứ không tận thu. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đề nghị ngành Thuế cần tăng cường giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn

Đề cập về vấn đề phân cấp, phân quyền, ĐB Lê Minh Trung đề nghị thành phố cần tính toán phân cấp hợp lý. Theo ĐB Trung, một số vấn đề ở quận, huyện phải xin ý kiến nhiều quá. Ngoài ra, có những vấn đề phải phân cấp mạnh mẽ nhưng cũng có vấn đề không thể phân cấp. Về cơ chế, chính sách phải là vấn đề của thành phố; cấp thực thi là quận, huyện, phường, xã.

Trong khi đó, ĐB Võ Văn Thương cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ, thành phố phân cấp lĩnh vực xây dựng cơ bản là tốt. Tuy nhiên, có những vấn đề thành phố cần giữ, không nên phân cấp cho quận, huyện như: quản lý đất đai, phê duyệt quy hoạch, trật tự đô thị. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng việc phân cấp, phân quyền hiện còn chưa triệt để. Trên thực tế, “có chức phải có quyền”; trong đó, các quyết định, đề xuất phải có dấu ấn vai trò thủ lĩnh các ngành, sở. Trong một số trường hợp, có thể báo cáo trực tiếp với cấp trên, không thông qua văn bản để giảm thời gian chờ đợi công văn phản hồi.

Đến năm 2020, xử lý dứt điểm 13 điểm nóng ô nhiễm môi trường

"Chưa bao giờ thành phố quan tâm đến lĩnh vực an ninh trật tự như hiện nay. Thành phố đã đầu tư tiền tỷ để lắp camera, cấp xe cho công an... để thuận lợi hơn trong công việc. Không phải Đà Nẵng có tiền, cũng không phải giàu có gì, nhưng đó là sự quan tâm. Nghèo nhưng cũng phải làm, làm vì sự bình yên của người dân..."

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh

ĐB Huỳnh Minh Chức nêu ý kiến: Từ năm 2008, thành phố đã đề ra mục tiêu chấm dứt 10 điểm nóng môi trường, thế nhưng đến năm 2010 chưa xóa được điểm nào, còn phát sinh thêm 3 điểm nóng mới (cụm công nghiệp Thanh Vinh, khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh mở rộng).

ĐB đề nghị những người đứng đầu các cơ quan liên quan phải hứa chấm dứt 13 điểm nóng ô nhiễm môi trường vào năm 2020, đồng thời thành phố phải quy định xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tập thể các cơ quan tham mưu xử lý vấn đề này không đúng, không trúng và không đúng thời hạn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố sẽ điều chỉnh mục tiêu “đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường”. Riêng với 13 điểm nóng về môi trường, đến năm 2020, thành phố cam kết sẽ xử lý dứt điểm, trong đó các điểm ngập úng sẽ giải quyết xong vào năm 2018.

Các ĐB Nguyễn Thành Tiến, Huỳnh Bá Thành lo ngại về việc thành phố dự kiến đầu tư Khu liên hiệp xử lý chất thải ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu Đỏ - nơi cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh khẳng định thành phố đã quyết định xây dựng khu xử lý rác thải ở Hòa Vang. Địa điểm, công nghệ xử lý như thế nào sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi triển khai.

Đại biểu Lê Minh Trung chất vấn tại kỳ họp.  			              Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Lê Minh Trung chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Quản lý xây dựng cơ bản chặt chẽ hơn

Về tình trạng xuống cấp các công trình nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, Sở đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, sửa chữa phần dột, thấm nước sàn. Đối với các chung cư hư hỏng nặng, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Quản lý nhà chung cư lập phương án sửa chữa, thực hiện quy trình bảo trì và nghiệm thu bàn giao theo chỉ đạo của UBND thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho hay, UBND đã giao Sở Xây dựng chủ trì, chuẩn bị nội dung thực hiện chuyên đề giám sát về quản lý và sử dụng chung cư trong quý I năm 2017. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh đề nghị phải giám sát kỹ để cải thiện chất lượng, cấm hẳn nhà thầu thi công năng lực kém.

Đối với việc công trình xây dựng trên địa bàn quận Hải Châu gây lún, nứt nhà dân và việc giải quyết đền bù chưa rốt ráo, ông Vũ Quang Hùng cho biết, qua kiểm tra, có 3 công trình gồm tòa nhà FHome, tòa nhà số 65 Hải Phòng và công trình tại ngã tư đường Trần Phú - Thái Phiên gây lún, nứt nhà dân. Sở yêu cầu dừng thi công, nếu chủ đầu tư tích cực bồi thường thì tiếp tục được thi công.   

Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Bá Cử về quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn quận Sơn Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung nói rằng, thành phố quy hoạch 158 vị trí bãi đỗ xe, phân theo các giai đoạn; giai đoạn đầu, tại quận Sơn Trà có 25 điểm. Theo ông Trung, vốn đầu tư bãi đỗ xe lớn, khả năng hoàn vốn chậm. Do vậy, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải kêu gọi xây dựng bãi đỗ xe theo hướng xã hội hóa và kêu gọi nhà đầu tư.

“Làm vì sự bình yên của người dân”

Đề cập tình trạng tội phạm gia tăng, đặc biệt là tội phạm ma túy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, tội phạm ma túy đang đe dọa Đà Nẵng, đáng báo động, đặc biệt là ma túy tổng hợp. “Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, phương tiện không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm thôi. Chưa bao giờ thành phố quan tâm đến lĩnh vực an ninh trật tự như hiện nay. Thành phố đã đầu tư tiền tỷ để lắp camera, cấp xe cho công an… để thuận lợi hơn trong công việc. Không phải Đà Nẵng có tiền, cũng không phải giàu có gì, nhưng đó là sự quan tâm. Nghèo nhưng cũng phải làm, làm vì sự bình yên của người dân…”, Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói.

Một số ý kiến nêu ra về nguy cơ chương trình “5 không” khó đạt mục tiêu do tội phạm giết người cướp của và số người nghiện ma túy trong cộng đồng gia tăng. Các ĐB đề nghị thành phố tăng cường tấn công tội phạm quyết liệt hơn nữa, xét xử nghiêm minh tội phạm về ma túy; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: bar, vũ trường, khách sạn, cơ sở vui chơi, giải trí; cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện ở cộng đồng, tại cơ sở y tế; có chính sách ưu tiên tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

ĐB Trần Công Thành đề nghị cần tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với 236 người trong diện giáo dục ở phường, xã, 1.210 người bị xử lý hành chính về sử dụng trái phép chất ma túy trong năm 2016 nhưng chưa đến mức buộc cai nghiện bắt buộc. Qua đó, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng để có giải pháp giúp đỡ, cảm hóa họ tránh xa ma túy. Đối với lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma túy, thành phố nên xem xét có mức thưởng cho từng vụ án ma túy được khám phá.

Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố, cam kết ngành Công an sẽ tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng một Đà Nẵng an bình, đáng sống với người dân và du khách.

Về biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy, Đại tá Lê Văn Tam đề xuất các biện pháp cụ thể như: nâng cao hiệu quả quản lý người nghiện tại cộng đồng; tăng cường vai trò của các hội, đoàn thể trong công tác giáo dục, cảm hóa các đối tượng trong diện theo dõi; sớm nghiên cứu, triển khai đề án giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng sau cai nghiện...

Giải quyết 30/86 vấn đề Thường trực HĐND thành phố chuyển UBND thành phố

Về kết quả triển khai thực hiện các thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng và các phiên họp giải trình trong năm 2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện thành phố đã hoàn thành 30/86 vấn đề. 56 vấn đề còn lại cần có thời gian, lộ trình để thực hiện, giải quyết dứt điểm, chủ yếu liên quan đến những dự án, chủ trương lớn của thành phố hoặc các đơn thư của công dân. Văn phòng UBND thành phố tổ chức 1 tổ công tác chuyên theo dõi việc xử lý 56 vấn đề trên và những vụ việc khác. Hằng tháng, báo cáo tại cuộc họp của UBND thành phố để giải quyết rốt ráo.

Quản lý khai thác khoáng sản: Cần biện pháp mạnh

Trả lời chất vấn về công tác quản lý khai thác khoáng sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam cho biết, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 17 mỏ khai thác. Kết quả, hầu hết các cơ sở đều có biện pháp bảo vệ môi trường nhưng các cam kết được thực hiện một cách đối phó, chưa đồng bộ. Hiện vẫn còn 4 đơn vị chưa ký quỹ, Sở cũng đang tiến hành đôn đốc các đơn vị này thực hiện đúng tiến độ.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo phải có biện pháp mạnh, thậm chí dừng hoạt động đối với các đơn vị chây ỳ trong việc ký quỹ. Với các đơn vị chưa hoàn thổ sau khi khai thác, phải có biện pháp xử lý mạnh tay, tránh tình trạng dùng ngân sách thành phố để hoàn thổ.

Phát triển xe buýt nhanh BRT là phù hợp

Đối với việc triển khai dự án hợp phần xe buýt nhanh BRT, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung cho biết, hiện nay, Ban quản lý dự án hạ tầng ưu tiên triển khai các gói thầu, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2019. Ngành Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu thành phố về tính hiệu quả của loại hình này để triển khai mạnh hơn trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, việc áp dụng các tuyến xe này là phù hợp; đề nghị Sở Giao thông vận tải học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, sớm có biện pháp khắc phục những khó khăn tồn tại trong việc vận hành.

Đại biểu Phạm Tấn Xử, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố: Phần thảo luận tập trung
và đạt chất lượng

Phiên thảo luận tập trung tại kỳ họp HĐND lần này có nhiều đổi mới thiết thực. Việc điều hành của chủ tọa về hoạt động thảo luận đã ngắn gọn và tập trung hơn. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tích cực nghiên cứu tài liệu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ hết sức nghiêm túc trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Đặc biệt, các ý kiến cũng như những giải pháp mà các đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận đều ngắn gọn, tập trung và đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, nhất là các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bàn thảo về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TRỌNG HÙNG ghi

Đại biểu Lê Thị Thanh Minh: Tránh để khiếu kiện kéo dài

Giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng về tình trạng xây dựng chung cư làm nứt, lún nhà dân đã đáp ứng phần nào nội dung câu hỏi của tôi. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vì sao người dân khiếu kiện lâu dài như vậy vẫn chưa được giải trình cụ thể. Tôi cho rằng, việc đánh giá, thẩm định mức độ ảnh hưởng tại các nhà dân vẫn còn bất cập, chỉ dừng lại ở những vết nứt, lún thấy rõ; trong khi đó, về mức độ ảnh hưởng tổng thể lại chưa được đánh giá cụ thể, rõ ràng, nhiều trường hợp chưa đền bù thỏa đáng cho người dân.

Tôi đề nghị thời gian tới, Sở Xây dựng cần phát huy vai trò của mình, xuống tận cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương để cùng bàn bạc, trao đổi biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Thành Tiến: Cần xem xét kỹ các dự án mới

Tôi đồng tình với giải trình của Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý các dự án đầu tư cở sở hạ tầng ưu tiên thành phố trước những vấn đề liên quan đến dự án xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, các đơn vị chưa đưa ra được cái nhìn tổng thể, lâu dài về hiệu quả của dự án.

Theo tôi, trước khi triển khai thực hiện dự án, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố nên tham khảo quy trình, quy phạm và các thiết kế của nước ngoài, song phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình trạng giao thông, đi lại cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân thành phố. Việc thành phố có chủ trương sử dụng phương tiện công cộng là rất đáng hoan nghênh, giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhất là trong việc chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đối với các dự án mới, cần xem xét kỹ, tránh tình trạng khi đưa vào sử dụng lại không hiệu quả, gây lãng phí.

QUỐC KHẢI ghi

S.TRUNG - T.HÙNG - V.DŨNG - Q.KHẢI

;
.
.
.
.
.