.

Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh: Người luôn thao thức

.

Tôi quen với ông Ngô Văn Minh từ thời ông còn làm ở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, thường lo những việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội họp tại Hà Nội, mỗi năm hai lần. Sau những ngày họp, nhất là vào cuối tuần, chúng tôi thường rủ nhau uống bia hơi.

Sau này khi trở thành đại biểu Quốc hội, làm công tác chuyên trách, là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông thường xuyên ở Hà Nội. Nơi ở là nhà tập thể, công vụ trên đường Hoàng Cầu, cạnh quán bia hơi Lã Vọng, nơi ông thường ngồi vui cùng bè bạn vào cuối ngày làm việc.

Thời gian đầu ông ở đó một mình, căn phòng trang trí đơn giản, vốn có của những cán bộ xa nhà, xa vợ, xa con. Nhiều nhất vẫn là sách và tài liệu. Đối diện phòng khách là chiếc ti-vi màn hình phẳng, cỡ trung, trên góc có in dòng chữ nhỏ: “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng” mà ông rất trân trọng, giữ gìn từ nhiều năm qua.

Do công việc những năm gần đây bận bịu, chúng tôi ít ngồi với nhau hơn, tuy vậy vẫn thường liên lạc nhau qua điện thoại, nhất là những công việc liên quan tới đồng hương.

Sống và công tác xa quê, ông trọng cái tình đồng hương. Dường như chẳng có buổi gặp mặt nào ông vắng mặt. Gặp là vui vẻ, tay bắt mặt mừng. Đối với bà con xa quê hay đối với bất kỳ ai ông cũng bộc lộ sự xởi lởi như vậy. Vì bận công việc không đến dự họp, gặp mặt đồng hương ông đều nhắn tin, thông tin cho Ban liên lạc biết, rõ ràng.

Tết năm vừa rồi tôi “alo” để thông tin ngày họp đồng hương Đà Nẵng tại Hà Nội nhân đầu năm mới. Ông nói: do bận đi công tác ở Tây Nguyên nên không dự được, xin chuyển lời chúc đến tất cả bà con xa quê.

Sáng 23-10-2016 vừa rồi, gặp và trò chuyện với ông tại buổi họp đồng hương Quảng Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, vẫn như mọi lần, trong câu chuyện, ông đau đáu một tấm lòng với quê hương, đất nước với trách nhiệm của một đại biểu dân cử.

Điều dễ nhận thấy nơi ông khi trò chuyện về những vấn đề xã hội, ông thường nói rất hăng say, không biết chán, dường như không có điểm dừng, tựa hồ những nỗi niềm thao thức trong ông luôn bời bời, lớn lao.

Trước sự ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều bà con ngư dân, ông bảo, tới đây, tức ở kỳ họp Quốc hội tới, ông tiếp tục tranh luận một cách quyết liệt hơn nữa.

Hôm ấy, tôi thấy ông vẫn khỏe, cười nói râm ran. Tôi lấy điện thoại di động xin chụp ông một kiểu để lưu niệm cho một buổi gặp mặt. Đoạn ông nói, sinh viên ở quê mình đang học tại Hà Nội có nhiều cháu học giỏi, nếu có dịp cần tuyên dương, khuyến khích.

Ví dụ cháu Mỹ Linh, đang học Trường Đại học Luật Hà Nội với 3 năm liên tiếp là sinh viên giỏi cấp trường. Mấy hôm sau, tôi liên lạc với anh em thuộc nhóm làm công tác khuyến học đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng thế hệ trẻ nhưng chưa ai biết. Anh em ấy bảo sẽ lưu tâm, và sẽ gặp trong thời gian gần nhất.

Không ngờ cuộc trò chuyện hôm ấy là cuối cùng với ông, với một đại biểu Quốc hội luôn mang nặng trách nhiệm trước cử tri, trước quốc dân, đồng bào cả nước được thể hiện bằng những luận điểm, luận cứ chất vấn tại các phiên họp Quốc hội một cách mạnh mẽ, thuyết phục. Ông chất vấn thẳng thắn, thường trực diện với những vấn đề, những bức xúc của xã hội từ mong đợi của đông đảo cử tri.

Ông Ngô Văn Minh sinh ngày 5-9-1959, tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và là đại biểu Quốc hội 3 khóa XII, XIII và XIV; là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; từ trần vào tối 16-12 tại nhà riêng (TP. Tam Kỳ). Theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội, lễ viếng được tổ chức từ 8 giờ 30 ngày 18-12-2016 tại số 5, Nguyễn Duy Hiệu, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ. Lễ truy điệu và đưa tang từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 ngày 20-12-2016; an táng tại Nghĩa trang Nỗng Bồ, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.

Hồ Phú Hội

;
.
.
.
.
.