.

Chuyển biến trong hành vi, nếp sống

.

Trong năm 2016, hành vi, nếp sống văn minh đô thị được UBND quận Thanh Khê tập trung triển khai ở 3 nhóm: quảng cáo, rao vặt (QCRV) sai quy định, lang thang xin ăn, chèo kéo khách.

Năm 2016, toàn quận tổ chức 119 đợt xóa quảng cáo, rao vặt trái phép tại các kiệt, hẻm, trên nhiều tuyến đường chính.
Năm 2016, toàn quận tổ chức 119 đợt xóa quảng cáo, rao vặt trái phép tại các kiệt, hẻm, trên nhiều tuyến đường chính.

Giảm quảng cáo, rao vặt

Năm 2016, Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) quận Thanh Khê tiếp tục duy trì và triển khai những mô hình hay đã đạt được trong năm 2015 về QCRV như: đẩy mạnh hoạt động của nhóm cộng tác viên cung cấp thông tin về các đối tượng QCRV tại các ngã tư, triển khai mô hình “Góc QCRV miễn phí”, tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính...

Tính đến cuối tháng 11-2016, toàn quận tổ chức 119 đợt xóa QCRV tại các kiệt, hẻm, trên nhiều tuyến đường chính, xóa 2.900 tờ QCRV; phát hiện và kịp thời ngăn chặn 6 trường hợp phát tờ rơi tại ngã tư Ông Ích Khiêm và Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, thu hồi hơn 200 mẫu), khu dân cư (KDC) phường Thanh Khê Tây (dịch vụ Gia sư Lê Việt), ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Đức Trung, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Phan Thanh, KDC phường Thanh Khê Đông, KDC phường Chính Gián, thu giữ hơn 1.670 mẫu tờ rơi QCRV. Xử phạt hành chính 4 trường hợp dán QCRV với số tiền 7 triệu đồng.

Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, Phòng VH-TT quận thường xuyên kiểm tra, ghi hình tình trạng dán QCRV không đúng quy định, phản ảnh về cơ sở để có hướng xử lý kịp thời. Từ đầu năm đến nay, phòng này thống kê 290 số điện thoại vi phạm đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông cắt thuê bao, trong đó đã cắt 177 số.

Riêng với mô hình “Góc QCRV miễn phí”, hiện nay trên địa bàn quận có 58 bảng, hầu hết đều phát huy hiệu quả, được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “nhếch nhác” của các bảng này, Phòng VH-TT phối hợp Tổ Liên ngành 43 quận tham mưu UBND quận ban hành quy chế quản lý, sử dụng bảng QCRV miễn phí trên địa bàn, qua đó gắn trách nhiệm về quản lý, sử dụng bảng phù hợp quy định của pháp luật và nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.  Bên cạnh đó, quận cũng tổ chức trao thưởng cho cộng tác viên cung cấp thông tin về các đối tượng QCRV để khuyến khích, động viên tinh thần, phát huy hiệu quả “tai mắt” trong nhân dân.

Ông Đỗ Khanh có nhà trên đường Trần Cao Vân, phường Xuân Hà phấn khởi nói: “Ngày trước trên con đường này, người ta dán quảng cáo dày đặc, bây giờ gần như vắng bóng. Đường phố được trả lại mỹ quan sạch đẹp, trông khác hẳn”.

Kiên quyết dẹp hàng rong, ăn xin

Trong năm 2016, Tổ kiểm tra của quận (gồm cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Cảnh sát cơ động, Công an quận, Kiểm tra quy tắc đô thị quận) tiếp tục kiểm tra, duy trì việc niêm yết bản cam kết tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận. Tính đến nay, các phường đã vận động được 977/977 cơ sở kinh doanh ký và dán bản niêm yết.

Bên cạnh đó, Tổ kiểm tra phối hợp với UBND, Công an phường và các ngành chức năng kiểm tra tích cực tại các tuyến đường, nhà hàng, quán ăn đông khách. Kết quả, Tổ kiểm tra lập biên bản cảnh cáo 31 trường hợp dùng loa phóng thanh bán hàng rong, nhắc nhở và đẩy đuổi 297 trường hợp bán hàng rong, tạm giữ 15 bộ loa, 4 bếp gas, đưa 17 trường hợp về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, 6 đối tượng tâm thần lang thang vào Bệnh viện Tâm thần, đưa 12 người lang thang có biểu hiện tâm thần về gia đình quản lý, tham mưu ban hành 3 quyết định xử phạt.

Đối với hành vi chèo kéo, đeo bám khách du lịch, Tổ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, siêu thị BigC, Coop-Mart.

Ông Lê Hữu Nhơn, Phó phòng LĐ-TB&XH quận kiêm Tổ trưởng Tổ kiểm tra cho biết, năm 2016, các ngành chức năng của quận phối hợp với Hội Nông dân, các địa phương có đối tượng bán hàng rong để hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế, hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề. Trong năm 2016, quận hỗ trợ thành công 12 trường hợp, góp phần hạn chế tình trạng bán hàng rong không đúng quy định.

“Nhìn chung, đã có sự chuyển biến rõ rệt hành vi này tại một số tuyến đường “nóng”. Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách tại một số nhà hàng, quán ăn, đặc biệt tại các nhà hàng cơm niêu trên đường Nguyễn Tri Phương, các quán ăn trên đường Nguyễn Tất Thành. Do đó, trong năm 2017, chúng tôi tiếp tục duy trì, không buông lỏng quản lý đối với hành vi xin ăn, bán hàng rong chèo kéo khách...”, ông Nhơn chia sẻ.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.