.

Dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường TP. Đà Nẵng năm 2016

A. QUẬN CẨM LỆ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU ĐÔ THỊ SINH THÁI HÒA XUÂN-GĐ 1A VÀ KHU DÂN CƯ NAM CẦU CẨM LỆ (Sơ đồ 01/1 và 01/2): 19 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Quang Lâm, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 990m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: NGUYỄN QUANG LÂM

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Văn Tiến Dũng, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 550m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: VĂN TIẾN DŨNG

3. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Ngô Huy Diễn (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 900m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ QUANG HÒA  

LÊ QUANG HÒA  (1914-1993)

Ông có tên thật là Lê Thành Kim; quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1938, hoạt động trong Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 12-1939, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù và đi đày ở nhà tù Sơn La. Tháng 3-1945, ông vượt ngục trở về hoạt động tại Sơn Tây, là thành viên Ban cán sự tỉnh. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia lãnh đạo, tổ chức giành chính quyền ở Sơn Tây. Từ tháng 11-1945 đến năm 1949, ông là Chính trị ủy viên Chiến khu 3, Bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy. Năm 1949, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Trung Du. Năm 1950-1955, ông là Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu.

Năm 1955-1956, ông làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường Văn hóa Quân đội kiêm Cục trưởng Cục Văn hóa. Năm 1957-1960, ông là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Trường sĩ quan Lục quân. Năm 1960-1963, Chính ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh. Từ năm 1963-1967, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1967-1973, ông là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu IV. Năm 1973, là Trưởng đoàn Quân sự miền Bắc trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên. Năm 1973, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 1.

Năm 1975, ông là Phái viên của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương ở Huế; Phó Chính ủy Thường trực Quân ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia lãnh đạo cánh quân Duyên hải rồi cánh quân phía Đông. Năm 1976, ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1977, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu IV. Năm 1980, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Thanh tra Quân đội. Ông được thăng hàm Thiếu tướng (năm 1973), Trung tướng (năm 1974) và năm 1986 ông được thăng hàm Thượng tướng.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều Huân chương khác.

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

4. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Lê Quang Hòa (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 765m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGÔ HUY DIỄN

NGÔ HUY DIỄN (1920-1946)

Ông quê ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Đầu năm 1937, ông tham gia phong trào đọc sách báo công khai của Đảng tại xã nhà. Tháng 6-1937, ông vào Đoàn Thanh niên dân chủ xã Phú Nham Tây (nay là xã Duy Sơn). Đến tháng 1-1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ ghép của hai xã Phú Nham Đông và Phú Nham Tây và được làm Bí thư chi bộ này.

Tháng 9-1939, ông là Huyện ủy viên huyện Duy Xuyên và tiếp tục giữ chức Bí thư chi bộ xã. Sau đó, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, được cử làm Chi ủy viên Chi bộ nhà lao. Tháng 6-1941, ông ra tù và tiếp tục hoạt động, làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Tháng 5-1942, ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam, bị địch bắt giam lần thứ 2 tại nhà lao Hội An. Trong thời gian này, ông cùng đồng chí Hoàng Hữu Chấp - cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ phái vào hoạt động ở Quảng Nam - vượt ngục, nhưng mới ba ngày sau thì bị bắt lại và bị địch đày lên nhà lao Buôn Mê Thuột. Sau khi được ra tù Buôn Mê Thuột, ông về hoạt động ở tỉnh Lâm Viên (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng, lần lượt giữ chức: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, Trưởng ty Tuyên truyền, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Chung Văn Năm đi nhận nhiệm vụ khác.

Tháng 1-1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I, đơn vị tỉnh Lâm Viên. Tháng 2-1946, sau khi họp Quốc hội về, ông cùng với đồng chí Chung Văn Năm trên đường đi công tác thì bị Pháp chặn đánh, hai đồng chí và lái xe đều hy sinh tại Krông Pha thuộc huyện An Sơn, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Ông đã được đặt tên đường tại thành phố Đà Lạt từ năm 2002.

* Tài liệu tham khảo chính: Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Quang Hòa (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 500m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐỖ ĐĂNG ĐỆ

ĐỖ ĐĂNG ĐỆ (1814 - 1888)

Ông tự là Thứ Khanh, hiệu Tùng Đường; ông quê ở làng Châu Sa, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1841, ông đỗ Cử nhân; đến năm 1842, ông đỗ Phó bảng và được bổ làm Bố chánh tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).

Sang đời Tự Đức, năm 1859, giặc Pháp đánh tỉnh thành Định Tường, ông cùng quân dân tổ chức kháng chiến dũng cảm, nhưng vì thua kém về vũ khí nên thành bị Pháp chiếm, do đó ông bị mất chức. Sau nhờ có Tuần phủ Khánh Hòa là Nguyễn Hữu Cơ tâu xin, ông được khôi phục chức Hồng lô tự khanh, Biện lý bộ Hộ. Không bao lâu, ông được thăng Kinh triệu doãn, rồi Thị lang Bộ binh, sung chức Tiểu phủ sứ. Sau lại đổi về Thị lang bộ Hộ, chuyển làm Tham tri.

Năm 1876, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ, sung Tổng tài Quốc sử quán kiêm Quản Quốc tử giám.

Năm 1881, ông thăng Thượng thư, rồi mùa thu năm ấy cáo bệnh xin về hưu.

Ông còn để lại tác phẩm “Tùng đường di thảo”.  

Ông là một vị quan thanh liêm, có tinh thần dân tộc, nhiệt tình yêu nước và cũng là một nhà giáo dục có tài.

* Tài liệu tham khảo chính:

 - Trần Văn Giáp - Nguyễn Tường Phượng - Nguyễn Văn Phú - Tạ Phong Châu, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, 1972.

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Quang Hòa, điểm cuối là đường Hoàng Thế Thiện (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 370m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ QUẢNG CHÍ

LÊ QUẢNG CHÍ (1451 - 1533)

 Ông có tên hiệu là Hoành Sơn; quê ở xã Thần Đầu, huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa, xứ Nghệ An, nay là xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông đỗ Bảng nhãn năm 1478 và làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ, Đông các học sĩ đời Lê Thánh Tông. Ông cùng làm việc với Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, năm 1493 đã chấm thi lấy Vũ Dương đỗ Trạng nguyên.

Ông cùng với em ruột là Lê Quảng Ý có công với các dân làng quanh dải Hoành Sơn, được lập đền thờ ở Thần Đầu, được triều đình phong là Thượng đẳng thần. Nhân dân cũng gọi là Hoành Sơn tiên sinh.

Ông mất năm 1533, thọ 82 tuổi và được truy tặng Thượng thư. Ngày nay, tại xã Kỳ Phương, đền thờ hai anh em Lê Quảng Chí và Lê Quảng Ý và đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Tác phẩm của ông còn có một số bài thơ trong tập Văn minh cổ xúy và chép trong Toàn Việt thi lục.

* Tài liệu tham khảo chính: Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa, 1993.

7. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Hồ Trung Lượng (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 560m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: VŨ THÀNH NĂM

VŨ THÀNH NĂM (1933 – 1981)

Ông quê ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông là Đại đội trưởng Đại đội 2 (được thành lập năm 1960, mang phiên hiệu H-30, thuộc Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam). Ông là người có công lớn trong Chiến thắng Núi Thành ngày 26 tháng 5 năm 1965, là người cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đỉnh Núi Thành.

Trong trận chiến Núi Thành: Vào lúc 7 giờ ngày 24-5-1965, tại thôn 2 xã Kỳ Thạnh (nay là xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành), Ban chỉ huy Tiểu đoàn thông qua phương án lần cuối cùng và tổ chức cho Đại đội 2 xuất phát. Trong buổi lễ, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội đã thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ và trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm l­ược” của Đảng bộ tỉnh cho Đội trưởng Vũ Thành Năm để cắm trên đỉnh Núi Thành. Đến 14 giờ cùng ngày, đơn vị xuất phát hành quân đến thôn 8 Kỳ Sanh và 18 giờ đơn vị hành quân đến vị trí tập kết cuối cùng, triển khai chiếm lĩnh trận địa.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26-5-1965, Đại đội trư­ởng Vũ Thành Năm lệnh cho Trần Ngọc Ảnh - Tổ trưởng thọc sâu ở mũi trư­ởng hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo 1 ki-lô-gam thuốc TNT làm hiệu lệnh chung. Lập tức mặt đất Núi Thành rung lên dữ dội, hàng loạt ánh chớp và những cột lửa dựng lên, tỏa ra theo các hướng chiến hào, công sự của Mỹ trên 3 mỏm của Núi Thành. Đồng thời, tại cầu An Tân và các  mục tiêu khác trên chiến trường đều nổ súng gây khí thế áp đảo quân Mỹ trên toàn khu vực. Từng tổ 3 chiến sĩ lần lư­ợt đánh chiếm các mục tiêu từ ngoài vào trong. Bất ngờ và choáng váng tr­ước đòn phủ đầu của quân ta, quân Mỹ ở vòng ngoài hầu như­ bị tê liệt. Sau gần 10 phút chiến đấu, quân ta đã đánh chiếm đ­ược tuyến ngoài và tiêu diệt hầu hết quân Mỹ ở đó. Qua 30 phút chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt bằng tinh thần quyết chiến quyết thắng đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tung bay trên đỉnh Núi Thành lúc 1 giờ ngày 26-5-1965. Đây là đòn choáng váng không những đối với Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Chu Lai mà còn là nỗi sợ hãi của sĩ quan, binh sĩ Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Nam.

Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nư­ớc của quân và dân ta, đã đư­ợc Đảng và Nhà nư­ớc xây dựng “Tượng đài Chiến thắng Núi Thành” ngay nơi đã xảy ra trận đánh lịch sử này.

Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đã được đặt tên đường tại thành phố Tam Kỳ (theo Nghị quyết số 48/2012/NQ-HĐND ngày 19-9-2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam).

* Tài liệu tham khảo chính: Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

8. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Vũ Thành Năm (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 460m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: HỒ TRUNG LƯỢNG

HỒ TRUNG LƯỢNG (1860 - 1942)

Ông quê ở làng An Dưỡng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Năm Tân Mão (1891), ông đỗ Cử nhân tại Trường Thừa Thiên, năm sau (1892) đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn dưới triều Thành Thái, lúc tròn 32 tuổi được triều đình phong tước “Tứ Thiện Đại Phu”, cùng khoa với ông có Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Sơ bổ Thừa biện bộ Lễ tại Huế, năm 1894 giữ chức Tri phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1902, thăng Đốc học Bình Định, sau chuyển về Huế giữ chức Thị lang bộ Lễ. Tại nhiều khoa thi do triều đình tổ chức, ông được cử làm chánh phó chủ khảo kỳ thi Hương tại các trường thi Nghệ An, Thanh Hóa.

Năm 1916, sau biến cố Duy Tân khởi nghĩa, ông xin về hưu với hàm Tham tri (tòng nhị phẩm), được ít lâu, triều đình truy phong chức Thượng thư (chánh nhị phẩm).

  * Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng Quảng Nam - đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Cổng Thông tin điện tử huyện Duy Xuyên, Thứ tư, 8-1-2014.

9. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Vũ Thành Năm (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 410m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: FRANCISCO DE PINA

FRANCISCO DE PINA (1585 - 1625)

 Ông sinh năm 1585, tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong ngay sau Biến cố Cửa Hàn năm 1617.

Ông đã học tiếng Việt và trở thành Giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông cũng đã dạy tiếng Việt cho một số Giáo sĩ khác, như:  Alexandre de Rhodes người Pháp, Antonio de Fonte người Bồ Đào Nha, hay Girolarmo Majorica người Ý... mới được cử đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624. Sau này trong lời tựa cuốn Từ điển Annam-Bồ-Latinh/Dictionarium Annamiticum Lusitanum e Latinum xuất bản năm 1651, Alexandre de Rhodes công khai thừa nhận vai trò số một của Francisco de Pina trong việc Latinh hóa tiếng Việt, khẳng định Francisco de Pina là: “người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.

Cũng chính tại Thanh Chiêm, ông đã biên soạn tài liệu về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt, đã lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo. Ưu thế của ông so với các Giáo sĩ Dòng Tên khác đương thời ở Đàng Trong là thành thạo tiếng Nhật, do vậy với sự trợ giúp có hiệu quả của một số giáo sĩ/giáo dân người Nhật ở Hội An, ông có thể tận dụng kinh nghiệm Latinh hóa tiếng Nhật hồi cuối thế kỷ XVI của chính các Giáo sĩ Dòng Tên.

* Tài liệu tham khảo chính: Kỷ yếu Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” tổ chức vào ngày 24-8-2016 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

10. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Đinh Văn Chấp (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 390m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: HỒ PHI TÍCH

HỒ PHI TÍCH (1664 - 1733)

Ông quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ông đỗ Hoàng giáp năm 1700 và được bổ làm quan nhiều nơi: Hải Dương, Quảng Yên (1702) Nghệ An, Bố Chánh (1708) Thanh Hóa (1714), sau đó về triều làm đến Lại Bộ Tả thị lang, Bồi tụng, rồi thăng Binh bộ Thượng thư mới về hưu, tăng tước Thiếu bảo Quỳnh quận công.

Ông có đi sứ Trung Quốc năm 1721. Năm Tân Mão (1711), đời Lê Dụ Tông, ông dâng sớ điều trần nhiều việc ích nước, lợi dân và được ban thưởng.

Ông nổi tiếng từ nhỏ, nhà nghèo, mẹ mất sớm nhưng rất chăm học. Thời kỳ làm quan, ông được triều đình và dân chúng ái mộ. Ông là người luôn quan tâm đến đời sống nhân dân các địa phương. Ông đã giải quyết cứu đói ở nhiều tỉnh (Bố Chánh, Nghệ An, Thanh Hóa), chính nhân dân các vùng đó đã tâu xin triều đình ân thưởng ông cho xứng đáng là vị nhân quan. Ông cũng được triều đình giao việc giải quyết tình hình biên giới, thảo luận với quan nhà Thanh là Khổng Dục Tuấn có kết quả. Lúc về hưu, nhà vua cho lấy thuế hai làng làm bổng lộc, ông dành cả hoa lợi này để mở chợ Bèo, làm nhà Văn thánh của huyện và đặt ruộng học điền để cấp phí tổn cho những người đi học. Bia ở làng ông còn ghi rõ việc ông cấp cho làng Quỳnh Đôi và làng Bàu Hậu 21 mẫu ruộng năm 1731.

Gia phả chép ông có soạn cuốn sách Cùng đạt gia huấn tập, nhưng nay chưa tìm thấy.

Gia đình ông là một gia đình gương mẫu, có tiếng khen ở đời.  

* Tài liệu tham khảo chính: Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa, 1993.

11. Đoạn đường có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Hồ Phi Tích (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 430m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐINH VĂN CHẤP  

ĐINH VĂN CHẤP (1893 – 1953)

Ông quê ở xã Kim Khê, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông là con trai thứ hai của Tiến sĩ khoa Ất Hợi 1875 Đinh Văn Chất.

Năm Nhâm Tý (1912), ông đậu Cử nhân, năm Quý Sửu (1913), ông đậu Đệ  nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Khoa thi này không có Đệ nhất giáp Tiến sĩ  mà chỉ có “Ban đỗ Đệ  nhị giáp Tiến sĩ xuất thân một người: Đinh Văn Chấp). Sau đó, ông được bổ chức Đốc học Quảng Nam. Năm 1919, chế độ thi cử Hán học bãi bỏ, chức Đốc học coi như không còn nên năm 1920, ông được bổ làm Tri phủ Vĩnh Linh (Quảng Trị). Sau đó, ông được chuyển vào làm Tri phủ Hòa Đa (Bình Thuận). Năm 1922, ông nhậm chức Tri phủ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) rồi Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), sau thay chức Án sát Khánh Hòa. Năm 1934, ông giữ chức Án sát Hà Tĩnh, thăng Bố chánh Hà Tĩnh rồi Tuần vũ Quảng Ngãi. Hai năm sau (1936), ông được bổ về giữ chức Tham tri một bộ rồi chức Toản tu Quốc sử quán cho đến khi nghỉ hưu và chuyển sang nghiên cứu Phật giáo. Một trong những người con của ông là Đinh Văn Nam tức Hòa thượng Thích Minh Châu, đỗ Tiến sĩ Phật học tại Pháp, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại làng Kim Thành, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lúc ông đang làm Đốc học Quảng Nam.

Trong thời gian ông làm Đốc học, nhiều sĩ tử Quảng Nam đã đạt được những thành tích trong các kỳ thi Hương và thi Hội, trong đó có Phạm Phú Tiết, Lương Trọng Hối…

Tài liệu tham khảo chính: Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

12. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Mậu Tài (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là khu dân cư: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 800m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường:  HOÀNG THẾ THIỆN

HOÀNG THẾ THIỆN (1922-1995)

Ông có tên thật là Lưu Văn Thi, quê ở thành phố Hải Phòng.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1942; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam 1945; nhập ngũ năm 1947; Thiếu tướng (1974); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 11-1977-1980).

Tháng 3-1943, ông bị thực dân Pháp bắt đày đi Sơn La. Tháng 3-1945 ra tù, ông hoạt động tuyên truyền vũ trang ở Võ Nhai.

Tháng 8-1945, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh ở Thái Nguyên, rồi Vĩnh Yên. Tháng 4-1947, ông là Trưởng phòng Chính trị Liên khu X. Tháng 7-1948, ông là Chính ủy Trung đoàn. Từ năm 1949-1953, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, làm Chính ủy Trung đoàn, rồi Chủ nhiệm Chính trị khu miền Tây. Tháng 12-1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1955, ông là Chủ nhiệm Chính trị Liên khu III. Tháng 7-1956, ông là Chính ủy Cục Hàng không dân dụng. Năm 1965, ông trở lại chiến trường Nam Bộ làm Phó Chính ủy Sư đoàn 9, rồi Chính ủy Sư đoàn 1.

Năm 1969-1973, ông là Chính ủy Sư đoàn 304, Phó Chính ủy Mặt trận 968, Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đoàn 559. Đầu năm 1975, ông là Chính ủy Quân đoàn IV, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tháng 3-1977, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế.

Tháng 12-1979, ông là Trưởng ban B68 thuộc Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Tháng 2-1981, ông là Trưởng đoàn chuyên gia bên cạnh Bộ Quốc phòng Campuchia. Tháng 7-1982, ông làm Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội.

Ông là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất; hai Huân chương Quân công (1 hạng nhất, 1 hạng ba); 2 Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Chiến thắng hạng nhất; Chiến công hạng nhất.

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

13. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Hoàng Thế Thiện (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 750m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN MẬU TÀI

NGUYỄN MẬU TÀI (1616-1688)

Ông quê ở xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

Năm 1633, ông thi đỗ Giải nguyên tại khoa thi Hương năm Quý Dậu. Năm 30 tuổi, ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân và ra làm quan dưới triều Lê (qua các đời vua Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông). Ông đã trải qua rất nhiều chức vụ quan trọng.

Năm 1672, ông được điều chuyển làm Phó Đô ngự sử, lĩnh tước An Lĩnh Nam. Đến tháng 3-1673, ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh, khi về nước được thăng lên Thượng thư bộ Hình, tước Tử. Chưa đầy nửa năm sau, ông lại được điều chuyển sang giữ chức Thương thư Bộ Binh.   

Năm 1676, đời Lê Hy Tông, ông cùng Thượng thư bộ Công là Hồ Sĩ Dương vào làm Tham tụng trong phủ chúa. Ít lâu sau, ông sang làm Thượng thư bộ Lễ, giữ chức Tể tướng trong 6 năm, được mọi người khen là không có lầm lỗi.

Năm 1682, do lời vu tấu giáng họa của Tham chính Thanh Hoa là Nguyễn Viết Đương nên ông bị giáng từ chức Lại bộ Thượng thư, Tham tụng xuống làm Hộ bộ Tả thị lang.

Tháng 9-1685, chúa Trịnh phong ông  làm Thượng thư bộ Công, vẫn ở ngôi Tham tụng, tước An Lĩnh bá. Lúc bấy giờ, ông đã 70 tuổi và xin về trí sĩ nhưng chúa Trịnh cho rằng ông là người kỳ cựu, vững vàng và quen thạo nên lưu luyến muốn giữ lại. Chúa Trịnh Căn ban cho ông 5 chữ “Kỳ cựu trấn nhã tục” (người già làm quan đã lâu, làm gương cho người nhã, kẻ tục).

Tuổi cao, sức yếu, ông nhiều lần dâng sớ cáo lão xin về nhưng chúa Trịnh an ủi lưu lại. Tháng 5-1688, ông lại xin nghỉ hưu, chúa Trịnh buộc phải ưng cho. Nhưng ông chưa kịp về đến quê nhà đã qua đời, hưởng thọ 73 tuổi, được tặng phong Lễ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, An Quận công, vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nhân vật chí, NXB Trẻ, 2014.

- Viện Sử học cung cấp và đề nghị đặt tên đường.

14. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Hữu Nghi (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Trần Quốc Thảo: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 850m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN VĂN NGỌC

NGUYỄN VĂN NGỌC (1890 - 1942)

Ông có tên hiệu là Ôn Như; quê ở làng Hoạch Trạch, tục gọi làng Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là nhà giáo đồng thời nghiên cứu văn học dân gian.

Thuở nhỏ, ông học Hán văn, sau chuyển sang học Quốc ngữ, Tây học ở Hà Nội. Năm 1907, ông tốt nghiệp trường Thông ngôn khi mới 17 tuổi. Sau đó ông dạy ở trường tiểu học Bờ sông, Hà Nội. Ông còn dạy ở trường Bưởi, trường Sỹ hoạn (hậu bổ), trường Sư phạm... Sau đó, ông làm Thanh tra các trường sơ học ở Bắc Việt và phụ trách Tu thư cục của Nha học chính; Đốc học tỉnh Hà Đông. Ông còn làm Hội trưởng Hội Ái hữu các nhà giáo, thành viên Khai Trí Tiến Đức, Cổ Kim Thư xã.

Năm 1934, ông cùng các học giả bạn sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ và có công xây dựng chùa Quán Sứ làm Hội quán Trung ương.

Suốt 30 năm phục vụ trong ngành giáo dục, ông luôn tận tụy soạn sách, viết báo phục vụ ngành sư phạm, báo chí. Ông còn là một trong những người có công trong việc bảo tồn sân khấu dân gian và là một trong ba người thành lập Rạp hát Chèo Sán Nhiên đài, đỡ đầu cho sự khẳng định giá trị của thể loại sân khấu chèo cổ.

Các tác phẩm chính của ông, gồm:

 - Nam thi hợp tuyển.                            - Tục ngữ phong dao.
- Câu đối.                                                   - Đào nương ca.
- Đông tây ngụ ngôn.                             - Nhi đồng lạc viên.                                                                   
- Để mua vui.
- Cổ học tinh hoa (hợp soạn).

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 5-12-2007.

15. Đoạn đường có điểm đầu là đường quy hoạch 15m, điểm cuối là đường Huỳnh Tịnh Của: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 1070m; rộng có đoạn 10,5m và có đoạn 11m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 5m và có đoạn rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHẠM HỮU NGHI

PHẠM HỮU NGHI (1797-1862)

Ông có tên tự là Trọng Vũ, hiệu là Đạm Trai, tên cũ là Phạm Hồng Nghi; quê ở làng Trừng Giang, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ông thi Hương và đỗ Á nguyên. Sau thi Hội, ông thi hỏng Tiến sĩ, rồi ra làm quan. Sơ bổ chức Điển bạ, thăng dần đến Tu soạn, được sung chức Chánh sứ sang Trung Quốc điều đình về việc ngoại giao giữa ta và Trung Quốc. Sau đó, ông từng giữ chức Tri phủ tại các phủ: An Nhơn, Hoài Đức, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 1841 (Thiệu Trị năm đầu), ông chuyển ra làm Án sát tỉnh Nghệ An, sau đó đổi về Kinh đô và thăng Quang lộc tự khanh sung Toản tu Quốc sử quán.

Năm Mậu Thân (1848), ông được thăng Hữu Tham tri bộ Lễ, sung giảng sách ở tòa Kinh diên cho vua nghe.

Năm Giáp Dần (1854), ông đề nghị với vua Tự Đức cho sưu tầm các: sắc, mệnh, cáo, biểu, sớ, bi ký và các bài tựa, bạt của vua và các công thần đã soạn ra, chọn những bài xuất sắc, phân loại thành bộ môn chuyên ngành và in thành sách. Vua Tự Đức liền phê duyệt. Bộ sách có nhan đề: Đại Nam văn tuyển thống biên.

Đánh giá về ông, Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết: “Hữu Nghi thông các kinh, học rộng, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập “Sứ yên tùng vịnh”, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng. Lại có  tập thơ “Đạm trai” lưu hành ở đời. Nghi, lúc ngày thường, lưu ý đến quê hương. Khi Nghi ở làng lúc ấy lo nạn bãi sông lỡ, Nghi bèn họp người làng, mưu xin ruộng của xã Thẩm Lĩnh để cho dân ở. Đến nay dân làng còn ơn”.

Tác phẩm tiêu biểu, gồm: Đại Nam văn tuyển thống biên, Sứ Yên tùng vịnh (thơ đi sứ Bắc Kinh), Đạm Trai thi văn tập.

 * Tài liệu tham khảo chính:

- Trần Văn Giáp - Nguyễn Tường Phượng-Nguyễn Văn Phú-Tạ Phong Châu, Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, 1972.

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.481).

- Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam - đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001.

16. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Quang Lâm, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 120m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: XÓM LƯỚI 1

Xóm Lưới trước kia là tên xóm thuộc thôn Liêm Lạc xã Hòa Đa, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

* Tài liệu lịch sử Đảng bộ phường Hòa Xuân.

17. Đoạn đường có điểm đầu là đường Xóm Lưới 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Trần Quốc Thảo: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: XÓM LƯỚI 2

18. Đổi tên đường Nhân Hòa 10, dài 235m, rộng 5,5m có điểm đầu là Đô Đốc Lân, điểm cuối là đường Phù Đổng được đặt theo Nghị quyết số 122/2015/NQ-HĐND ngày 10-12-2015 bằng  đường Nhân Hòa 9.

19. Đổi tên đường Nhân Hòa 9 (đường được đặt theo Nghị quyết số 122/2015/NQ-HĐND ngày 10-12-2015), có điểm đầu là đường Nhân Hòa 10, điểm cuối là đường Phạm Hữu Nghi (đường dự kiến đặt tên đợt này) bằng đường Nhơn Hòa Xuân.

II. KHU TÁI ĐỊNH CƯ HÒA PHÁT 5, KHU ĐÔ THỊ PHƯỚC LÝ, KHU DÂN CƯ PHƯỚC LÝ MỞ RỘNG, KHU DÂN CƯ PHƯỚC LÝ, KHU DÂN CƯ PHƯỚC LÝ 4 (Sơ đồ 2): có 25 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đinh Liệt, điểm cuối là đường Trần Đình Nam (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 390m; rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.    

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: ĐINH LIỆT

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nhơn Hòa 5, điểm cuối là đường bê-tông 5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 140m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: NHƠN HÒA 5

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường quy hoạch 10,5m, điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 1.320m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ HIẾN MAI

LÊ HIẾN MAI (1918-1992)

Ông có tên thật là Dương Quốc Chính, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Ông tham gia cách mạng từ năm 1939. Năm 1941-1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi tù ở nhiều nơi. Tháng 8-1944, ông vượt ngục và tham gia Cứu quốc quân.

Tháng 5-1945, ông làm Phân Khu ủy viên Phân khu Tuyên Thái, Phái viên Tổng bộ Việt Minh, rồi Phái viên Chính trị Giải phóng quân phụ trách Mặt trận Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Lào). Tháng 12-1945, ông là Chính trị viên Trung đoàn, Bí thư Trung đoàn ủy.

Tháng 3-1946, ông làm Tham mưu trưởng kiêm Chính ủy Chiến khu II, Bí thư Quân khu ủy kiêm Chính ủy Trường Bổ túc thuộc Quân sự ủy viên hội, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu II và từ tháng 2-1947, kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Tiến. Năm 1948, ông là Thiếu tướng, Chính ủy Liên khu I. Tháng 6-1949, ông là Chính ủy Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1950-1952, ông là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, kiêm Phó Tư lệnh và Khu ủy viên Phân liên khu Miền Đông Nam Bộ. Năm 1953, là Tư lệnh, Thường vụ Khu ủy Phân liên khu Miền Đông Nam Bộ, Bí thư Quân khu ủy. Năm 1958, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Binh chủng Pháo binh.

Tháng 7-1960, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực rồi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Tháng 4-1965, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu IV, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tháng 8-1967, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, tháng 6-1971 kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau là Bộ Thương binh và Xã hội), Bí thư Đảng Đoàn Bộ.

Năm 1976, ông làm Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Năm 1982, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Y tế xã hội của Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược. Năm 1990, là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV và Đại biểu Quốc hội các khóa III, V, VI, VII. Năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng.
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất…

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Yên Thế, điểm cuối là đường bê-tông 5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 750m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHAN KHOANG

PHAN KHOANG (1906 - 1971)

Ông là một sử gia nổi tiếng; quê ở xã Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con trai của Tiến sĩ Phan Quang trong Ngũ phụng tề phi.

Thuở nhỏ ông học ở Huế, làm công chức ngành Bưu điện, sau chuyển sang ngành Công chánh rồi Quan thuế (Hải quan). Từng làm việc ở Huế, Quy Nhơn, nhưng vì tính tình cương trực, phóng khoáng, không chịu gò bó của chế độ công chức thuộc địa, ông từ chức về quê sống ẩn dật. Thời gian này, ông được thân phụ giảng dạy chữ Hán nên vốn Nho học của ông khá vững, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu của ông sau này.

Từ năm 1940, ông dạy học tại các Trường Trung học Chấn Thanh (Đà Nẵng), Phan Châu Trinh (Hội An). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc. Sau đó, ông tiếp tục dạy học và làm báo. Từng làm Chủ bút các báo Bình Minh, Trách Nhiệm, Vì Dân (từ năm 1949-1955) ở Huế.

Sau năm 1955, ông làm việc tại Bộ Văn hóa Sài Gòn. Năm 1961, ông có chân trong nhóm Caravelle chống chế độ Ngô Đình Diệm, bị bắt giam mãi đến ngày 1-11-1963 mới được trả tự do. Sau đó, ông được mời giảng dạy tại các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, Huế về văn chương Việt Hán và Việt sử.

Tác phẩm chính của ông, gồm: Trung dung dịch giải (1944 - Hà Nội), Trung Quốc sử lược (1950), Việt Pháp bang giao sử lược (1950), Việt Nam Pháp thuộc sử (1961), Việt sử xứ Đàng Trong (1970), Đại học dịch giải, Cửa vào sử học, Tổ chức chính quyền Trung ương dưới thời Nguyễn, Chính trị Việt Nam qua các thời đại…

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam-đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001.   

 5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nhơn Hòa 5, điểm cuối là đường Đinh Liệt: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 600m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐINH NHẬT TÂN

ĐINH NHẬT TÂN (1836-1887)

Ông quê ở thôn Thư Phủ, xã Lương Điền, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Năm 1871, ông đỗ Cử nhân. Năm 1873, giặc Pháp đánh chiếm cửa bể Thuận An, ông đang giữ chức Hải Phòng tham biện, đóng đồn ở Lỗ Châu, chỉ huy binh sĩ chống giặc rất anh dũng.

Năm 1885, giặc Pháp chiếm kinh thành Huế nên vua Hàm Nghi phải lánh nạn, rồi truyền chiếu Cần Vương, ông đã cùng với Nguyễn Xuân Ôn phát động khởi nghĩa kháng Pháp và được phong làm Hồng lô tự thiếu khanh, Tham biện Nghệ Tĩnh sự vụ.

Ông tham gia chiến đấu rất ngoan cường và anh dũng suốt 3 năm, sau đó bị bệnh nên mất trong quân, thọ 51 tuổi.  

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1997.

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường 5,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 570m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÙI GIÁNG

BÙI GIÁNG (1926 - 1998)

Ông là một nhà thơ nổi tiếng; quê ở làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thuộc dòng dõi Bùi Tấn Diên. Thời niên thiếu, ông học tiểu học tại Hội An, trung học tại Trường Thuận Hóa (Huế) với các Giáo sư danh tiếng: Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Trần Đình Đàn...  

Sau ngày 19-12-1946, ông tham gia kháng chiến ở Quảng Nam và Liên khu IV. Năm 1952, do bị đau ốm nên chính quyền cho phép ông vào Sài Gòn chữa bệnh. Tại đây, có lúc ông ghi danh học Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng không thích gò bó theo con đường cử nghiệp, ông bỏ học và dành hết thì giờ để tự học, nghiên cứu phiên dịch và sáng tác. Thời gian này (những năm 60), ông có nhận dạy một số giờ về Pháp văn và Việt văn tại một vài trường Trung học tư thục ở Sài Gòn.

Ông thông thạo các ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Hán. Sự nghiệp văn học của ông rất đồ sộ và đa dạng. Tác phẩm của ông có thể chia làm 5 loại: Giảng luận văn chương, Triết học, Dịch văn chương, Thơ văn sáng tác (tạp văn), Vẽ.

Đáng chú ý là các tác phẩm:

- Về Giáo khoa như: Bà Huyện Thanh Quan (1956), Lục Vân Tiên (1956), Chinh Phụ ngâm (1956), Quan Âm Thị Kính (1956), Truyện Kiều (1957), Truyện Phan Trần (1957), Cung oán ngâm khúc (1957), Nguyễn Công Trứ (1957), Tản Đà (1958), Phan Bội Châu (1958), Chu Mạnh Trinh (1958), Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị (1958) đều do nhà Tân Việt xuất bản tại Sài Gòn trong những năm 1950, 1960.

- Về Triết học như: Tư tưởng hiện đại I, II và III (1962) Martin Heidegger và tư tưởng 1 và 2 (1963).

- Dịch văn chương Pháp-Anh-Hoa như: Cõi người ta của Saint Exupéry (1963), Hoa ngõ hạnh của Shakespeare (1963),Hamlet của Shakespeare (1964), Hoà âm điền dã của André Gide (1964), Kiêm kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh (1970), Nhà sư vướng lụy của đại sư Tô Mạn Thù (1970)...

- Về Thơ, văn sáng tác như: Mưa nguồn (1962), Màu hoa trên ngàn (1963), Sương bình nguyên (1970), Thúy Vân Tam Hợp đạo cô (1971), Con đường ngã ba (1973)...

   * Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam - đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, 2010.

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Khoang (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 315m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN CÔNG TRIỀU

NGUYỄN CÔNG TRIỀU (1614 -1690)

Ông quê ở làng Kẻ Sau, nay là thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Mới lên 10 tuổi, khi cha mẹ mất, ông đành phải nương nhờ cửa phật tại chùa Đại Bi. Tại đây, ông đã miệt mài rèn luyện, ngày đêm đèn sách và tự học thêm chữ, quyết ra Thăng Long tìm cách tiến thân.

Lúc này, đất nước ta đang diễn ra cuộc nội chiến, phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Ông đã phát huy tài năng, lập nhiều chiến công, được chúa Trịnh tin yêu, cho đặc tiến về cung, tấu lên vua Lê phong cho nhiều chức tước quan trọng. Năm 1653, ông được phong làm Đặc tiến Phụ quốc và được mời vào cung giữ chức Thái giám, sau đó là Tổng Thái giám.  

Ông luôn thể hiện là một người có biệt tài dùng tượng binh, lại có đức độ, thường giúp vua khuyên bảo dân tình nên cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, đóng góp công sức để xây dựng đất nước.

Ông được thăng chức Bắc quân Đô đốc phủ, Đề đốc trấn vũ, Tứ vệ quân vụ sự kiêm Quận công, Thượng trụ quốc.

Năm 1674, triều đình lại tín nhiệm cử ông đi dẹp các dư đảng của nhà Mạc thường gây rối ở vùng Sơn Tây và các vùng biên cương hiểm yếu. Ông đã lập nhiều chiến công, giúp triều đình trị quốc, an dân. Sau đó, ông đã được giao giữ chức Tổng trấn Sơn Tây, bao gồm cả Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Vĩnh Phú đến tận Hưng Hóa. Ông lại bỏ tiền của ra cho lập chợ mới; dùng lương bổng của mình để xây dựng hàng loạt các công trình lớn như: chùa Linh Quang, từ đường, chùa Hưng Phúc, chùa Thọ Vực, đình làng, dựng bia, tượng… Ông còn dùng hơn 100 mẫu ruộng do vua cấp riêng cho mình, chia hết cho dân có đất sản xuất, làm ăn.  

Do những công lao to lớn nên khi mất, ông đã được phong 14 sắc phong, trong đó có 4 sắc phong ông là Đại vương.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Vũ Hoàng, Danh thần Nguyễn Công Triều, Báo Biên phòng, ngày 7-1-2009.

- Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1997.

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Đinh Liệt: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 490m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: THÂN CÔNG TÀI

THÂN CÔNG TÀI (1619-1683)

Ông quê ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Ông là quan võ triều vua Lê Trung Hưng, làm đến chức Tả đô đốc, tước Hán Quận công; trấn thủ Bắc đạo, gồm Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Năm Cảnh Trị thứ 5 (1667), sứ nhà Thanh sang phong vương cho vua Lê và ban cho ấn bạc mạ vàng, ông được cử vào phái đoàn triều đình lên cửa ải đón tiếp sứ. Năm Chính Hòa thứ ba (1682), ông được cử lên Nam Quan, cùng Phó đô ngự sử Võ Duy Đoán, nhận tù binh nhà Mạc, do nhà Thanh bắt được và trao trả.

Ông giữ chức Đồng tri, cùng Vi Đức Thắng ở Lạng Sơn, trấn giữ biên thùy. Ngoài nhiệm vụ quân quản chốn cửa ải biên cương, ông còn quan tâm đến đời sống kinh tế của nhân dân. Ông cho san đồi mở núi, làm rộng đường sá, lập lên phường phố chợ Kỳ Lừa, thu hút thương khách Trung Quốc sang buôn bán, khiến trấn lỵ Đoàn Thành (tên thành Lạng Sơn ngày ấy) chẳng bao lâu trở nên phồn thịnh, manh nha một đô thị mới.

Chính vì vậy, khi ông mất, các thương nhân hai nước Việt-Trung đồng lòng lập đền thờ ông, gọi là đền Tả Phủ (Phủ của quan Tả đô đốc, tên đầy đủ là Tả phủ linh từ). Trong đền có tấm bia đá gọi là Tôn sư phụ bi (bia tôn ngài làm sư phụ, tức là làm thầy, làm cha) dựng năm Chính Hòa thứ tư (1683). Hiện nay trải dọc từ Hà Nội đến Lạng Sơn có gần 70 đền, miếu có thờ tự Thân Công Tài.

Tư tưởng mở mang thương nghiệp, trên cơ sở mở mang đô thị từng bước của ông, quả thực là một tư tưởng mới đương thời. Với những đóng góp lớn lao trong lịch sử của Hán Quận công Thân Công Tài và giá trị lịch sử văn hóa của đền Như Thiết, ngày 18-11-2015, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã chính thức cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đối với mộ và đền thờ Thân Công Tài.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Báo Quân đội nhân dân số 16489, ngày 20-3-2007.

- Đặng Giang, Báo Nhân dân điện tử, thứ sáu, 1-4-2016.

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m đang thi công, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 780m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN ĐÌNH NAM

TRẦN ĐÌNH NAM (1896 - 1974)

Ông quê gốc ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sinh quán tỉnh Quảng Nam.  

Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Ông là con của Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, thầy dạy của Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…  

Thuở nhỏ học ở Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp Trường Y sĩ Đông Dương tại Hà Nội, làm việc ở các bệnh viện tại Phan Thiết, Huế, Đà Lạt. Năm 1932, ông thôi việc về mở phòng mạch tư ở Đà Nẵng. Tại đây, ông từng tham gia các tổ chức yêu nước.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tích cực tham gia kháng chiến trên cương vị một nhà khoa học, làm bác sĩ tại Bệnh viện Dân y tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông về sống tại Đà Nẵng và mất năm 1974.

Ông là tác giả một số sách về Y học. Ngoài ra, ông còn cộng tác với Nhà Xuất bản Quan Hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và phụ trách, có trụ sở tại Huế.

* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam- đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

10. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Đình Nam (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Lê Trọng Tấn: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 450m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ ĐÌNH KỴ

LÊ ĐÌNH KỴ (1923 - 2009)

Ông quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Trường Bảo An, học Trung học ở Quốc học Huế. Học Tú tài phần I tại trường Việt Anh (Huế); đỗ Tú tài triết học phần II ở Pétrus Ký (Sài Gòn) năm 1944.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, ông công tác ở Ty Tuyên truyền tỉnh Quảng Nam. Năm 1947-1950, ông là giáo viên Trường Lê Trung Đình (Quảng Ngãi). Năm 1951-1952, ông gia nhập quân đội, làm Tiểu đoàn phó Quân báo Quân khu V. Năm 1952-1954, là giáo viên Trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi).

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, làm giáo viên Trường Trung học Nguyễn Trãi (Hà Nội). Từ năm 1958-1979, là giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1968.

Từ năm 1980, ông chuyển vào giảng dạy tại Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu.

Là người có vốn Pháp văn, Hán văn và Nga văn (tự học), ông đã dịch một số sách tham khảo về lý luận Văn học Xô Viết. Ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tham gia xây dựng bộ sách giáo trình Lý luận văn học sử dụng tại các trường đại học và cao đẳng trong điều kiện còn thiếu thốn tài liệu trong giới nghiên cứu.

Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư. Năm 1988, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 1995, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Các tác phẩm và công trình nghiên cứu chính, gồm: Phương pháp nghệ thuật (1962); Đường vào thơ (1969); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970), được tái bản nhiều lần; Cơ sở lý luận văn học (tập 4 và 5, 1971); Sáng mắt sáng lòng (1978); Thơ Tố Hữu (1979); Phương pháp sáng tác (1986); Nguyện lý văn học (1986); Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ-nguỵ (1988); Thơ mới - những bước thăng trầm (1988); Những vấn đề chủ nghĩa lãng mạn (1998); Sách dịch: Nguyên lý lý luận văn học của Timôphêep, 2 tập (1963).
* Tài liệu tham khảo chính: Thạch Phương - Nguyễn Đình An (Chủ biên), Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

11. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Trọng Tấn: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 520m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: LƯƠNG TRỌNG HỐI

LƯƠNG TRỌNG HỐI (1888 - 1969)

Ông sinh ra tại làng Đông Thành, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1918, ông thi đỗ Cử nhân (Á nguyên) tại Trường Bình Định (thi chung với Trường Thừa Thiên); sau đó theo học Trường Hậu bổ ở Huế.

Năm 1921, ông được bổ nhiệm làm quan tại các tỉnh thuộc miền Nam Trung Bộ. Năm 1923, làm Tri phủ Hàm Tân; tại đây, ông tạo điều kiện giúp các chiến sĩ phong trào Duy Tân vượt ngục Côn Đảo.

Từ năm 1937-1944, ông làm Tá lý, Thị lang rồi Tham tri bộ Hình ở Huế. Năm 1944, ông về hưu sống ở quê nhà.

Năm 1945 (sau ngày 9-3), ông được Nội các Trần Trọng Kim mời ra làm Tuần vũ Quảng Ngãi cho đến ngày Tổng khởi nghĩa.

Năm 1950, ông được đề cử giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam, kiêm Hội trưởng Hội Đông y.
Sau năm 1954, trong thế chẳng đặng đừng, ông phải làm dân biểu của chế độ Việt Nam Cộng hòa một thời gian. Sau đó, ông chuyển qua làm Giám đốc Viện Hán học Huế, kiêm nhiệm Hội trưởng Hội Đông y tỉnh Quảng Nam cho đến cuối đời. Năm 1969, ông mất tại Đà Nẵng.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam - đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001.

-  Lê Nam Quảng, Chuyện về một “Quan y sư” người Quảng, Báo Đà Nẵng điện tử, Thứ Bảy, 19-2-2011.

12. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 980m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÙI TẤN DIÊN

BÙI TẤN DIÊN (?-?)

Ông quê gốc ở Nghệ An, sau dời vào khai khẩn đất Quảng Nam, lập làng Vĩnh Trinh, tổng Đông An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên). Ông là người có công lớn trong thời kỳ đầu Quảng Nam mở cõi và trở thành vị tổ đầu tiên của dòng họ Bùi ở Duy Xuyên ngày nay.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi, cho lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam rồi giao cho Nguyễn Cảnh Chân trông coi việc bình định, khai khẩn đất đai. Tại đây, các vị tiền hiền đã khai hoang, lập làng khắp cả vùng đất mới này. Trong đoàn quân mở nước, ông cùng với con trai là cai phủ Khánh Sơn hầu Bùi Tấn Trường dừng chân ở phía Nam sông Thu Bồn.

Tại đây, ông cùng đoàn di dân khai khẩn và lập nên các thôn như: Phù Sa (Lệ Thạch), Bình Khương (Vĩnh Trinh), Thanh Nam thôn (Thanh Châu), Cổ Tháp, Cù La thôn (Cù Bàn), An Lâm (An Lâm) thuộc huyện Duy Xuyên ngày nay. Sang đến các đời sau này, nhiều người thuộc tộc Bùi đã từ Vĩnh Trinh sang lập nghiệp ở các phủ huyện khác như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn…

Nhiều người tộc Bùi thuộc dòng dõi Bùi Tấn Diên cũng đã trở thành những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, như: Bùi Văn Nam Sơn (nhà văn), Bùi Thế Mỹ (nhà báo, nhà hoạt động cách mạng), Bùi Kiến Tín (người sáng chế loại dầu chữa bệnh nổi danh có tên “Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín” thông dụng toàn quốc), Bùi Kiến Thành (người sau năm 1975 đã trực tiếp hỗ trợ Ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí biển Đông), thi sĩ Bùi Giáng…

Ngày nay tại nhà thờ tiền hiền Bùi tộc ở Duy Xuyên, hậu bối có câu đối tưởng niệm ông là Thỉ tổ đại tộc họ Bùi:

“Trước trăm năm, vượt bể trèo non,  dẹp Chiêm Thành nêu cố thổ, lập dân ấp khẩn hoang nhàn, quản bao dãi gió dầm sương, mở mặt giang sơn từ đất Bắc;

Sau nghìn thuở, dài dòng lớn họ, người khoa hoạn, khách kiếm cung, kẻ công nông, nhà thương cổ nhuần gội ơn vua lộc nước, vun nền nhân hậu giữ trời Nam”.

 * Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin năm, 2001.

13. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Đình Tứ, điểm cuối là đường Nhơn Hòa 6: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 270m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 9

14. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nhơn Hòa 9 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường bê-tông 5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 140m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 10

15. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Thạch, điểm cuối là đường Đinh Nhật Tân (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 200m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 11

16. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Hoan, điểm cuối là đường Phan Khoang (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 120m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 12

17. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Hoan, điểm cuối là đường Phan Khoang (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 150m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 14

18. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Khoang, điểm cuối là đường Thân Công Tài (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 90m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 15

19. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Triều, điểm cuối là đường Nhơn Hòa 18 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 215m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 16

20. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Triều, điểm cuối là đường Nhơn Hòa 18 (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 215m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 17

21. Đoạn đường có điểm đầu là đường Thân Công Tài, điểm cuối là đường Trần Đình Nam (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 18

22. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lương Trọng Hối (02 đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 210m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 19

23. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lương Trọng Hối (2 đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 210m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 20

24. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lương Trọng Hối (2 đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 210m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 21

25. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lương Trọng Hối (2 đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Lê Đình Kỵ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 210m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHƠN HÒA 22

III. KDC CHỈNH TRANG - TỔ 51, 52, 38, 45 - PHƯỜNG KHUÊ TRUNG (Sơ đồ 3): 2 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Ông Ích Đường, điểm cuối là đường Trần Huy Liệu: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 180m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 1,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHƯỚC HÒA 4

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Ông Ích Đường, điểm cuối là đường Trần Huy Liệu: Mặt đường bằng bê-tông xi măng; chiều dài 160m; rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHƯỚC HÒA 5

B. QUẬN HẢI CHÂU

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU DÂN CƯ PHÍA NAM ĐƯỜNG 3 THÁNG 2 (Sơ đồ 4): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Thị Sáu, điểm cuối là đường Hàn Mặc Tử: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 94m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: VÕ THỊ SÁU

C. QUẬN LIÊN CHIỂU

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU TÁI ĐỊNH CƯ KHÁNH SƠN 1, KHU DÂN CƯ ĐƯỜNG HOÀNG VĂN THÁI VÀ ĐƯỜNG VÀO DOANH TRẠI QUÂN ĐỘI 409 (Sơ đồ 5): 4 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Huỳnh Thị Bảo Hòa, điểm cuối là đường Phạm Thị Lam Anh (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 79m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: HUỲNH THỊ BẢO HÒA

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Đức (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường quy hoạch 15m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 630m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHẠM THỊ LAM ANH

PHẠM THỊ LAM ANH (Thế kỷ XVIII)

Bà có tên thật là Phạm Thị Khuê, tự là Khuê Ấu, hiệu là Ngâm Si, sinh vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XIII và là con của Hương tiến Tham nghị, Cai bạ Quảng Nam Phạm Hữu Kính.

Bà quê ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chồng là Phục Am Nguyễn Dưỡng Hạo, người huyện Duy Xuyên, cùng tỉnh. Phạm Dưỡng Am là người có đề tựa sách Phong trúc tập của Ngô Thế Lân.

Bà nổi tiếng được nhiều người ca tụng. Các nhà nghiên cứu đánh giá bà là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn thơ ca đất Quảng nói chung và mang đậm tố chất tạo nên “đặc tính hay cãi của người Quảng Nam”… “Đàn bà mà còn chuyên bắt bẻ cố nhân thì đàn ông chắc còn chuyên hơn và đó là tiền bối giữa thế kỷ XVIII huống gì các thế kỷ sau”. (Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, NXB Đà Nẵng, 1995, trang 72, 73).

Tiến sĩ Phạm Liệu - một trong Ngũ phụng tề phi nhận xét: “Trong giới nữ lưu từ trước đến giờ ở xứ Quảng này không có ai thơ hay bằng bà Phạm… Nữ sĩ Lam Anh là ngọn đuốc đầu tiên chiếu sáng nền văn học nữ giới xứ Quảng từ thời đó. Hẳn là tên tuổi của nữ sĩ sẽ còn lưu danh muôn thủa”. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (Trăm năm thơ đất Quảng, NXB Hội Nhà văn, 2005) cũng đã nhận xét về bà: “Trong cuộc đời riêng, trong tình yêu và hôn nhân bà đã sống chân thật, tự do và phóng khoáng thế nào thì trong thơ bà ta bắt gặp nhân cách bản lĩnh ấy, sự cảm nhận, suy nghĩ không theo thói thường, có tính cách phá cách ấy. Phải chăng đó cũng là một cái gì tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng”.

Hiện nay, thân thế của bà chưa được sưu tầm một cách đầy đủ. Hiện ba bài thơ chữ Hán của bà còn lưu truyền viết cho Hàn Tín, Kinh Kha, Khuất Nguyên. Tác phẩm nổi tiếng của bà có ghi trong tập thơ Chiến cổ đường thi.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, bản dịch của Cao Tự Thanh, NXB Khoa học Xã hôi,1995, tr.226).

- Vũ Ngọc Khánh, Từ điển văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.

- Lê Thí, Ba nữ sĩ tiên phong của đất Quảng trong sách Những mẩu chuyện về Danh nhân xứ Quảng, NXB Đà Nẵng, 2015.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hoàng Văn Thái, điểm cuối giáp doanh trại quân đội 409: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 290m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN ĐỨC

TRẦN ĐỨC (1917-1950)

Ông quê ở xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Ông nhập ngũ năm 1946; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1947.

Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1956), khi hy sinh là Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 108, Bộ đội chủ lực Liên khu V.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu ở chiến trường Khu V. Năm 1946-1950, ông tham gia đánh 40 trận, tiêu diệt 200 địch, bắn hỏng 7 xe vận tải quân sự. Tháng 4-1947, trong trận chặn đánh 3 đại đội địch ở Nam Ô (Đà Nẵng) ông dùng súng trung liên tiêu diệt 1 trung đội địch, yểm trợ cho đơn vị diệt 1 trung đội địch khác, đánh lùi 3 đợt tấn công của địch. Tháng 2-1949, trong trận có tới 1.000 quân địch bao vây 2 Đại đội ta ở Nam Thừa Thiên, ông đã dùng trung liên bắn chế áp, tiêu diệt và làm bị thương 70 tên địch, góp phần đánh bại các đợt tấn công của chúng.

Tháng 11-1950, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn địch cho đại đội rút lui an toàn, ông đã anh dũng hy sinh.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng nhì; Huân chương Chiến công hạng nhì.

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 170m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TRÀ NA 4

II. KHU SỐ 2 VÀ KHU SỐ 7-TRUNG TÂM ĐÔ THỊ MỚI TÂY BẮC (Sơ đồ 6): 14 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đặng Minh Khiêm, điểm cuối là đường Trục 1 Tây Bắc: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: ĐẶNG MINH KHIÊM

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lý Thái Tông, điểm cuối là đường Trục 1 Tây Bắc: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: LÝ THÁI TÔNG

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 1, điểm cuối là đường Đặng Minh Khiêm: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 180m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: BÀU NĂNG 1

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 5,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Đặng Minh Khiêm: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 410m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐẶNG HUY TÁ

ĐẶNG HUY TÁ (1817-1872)

Ông quê ở làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông là danh sĩ đời Thiệu Trị.

Ông là con của Đại thần Đặng Văn Hòa, anh họ ông là Đặng Huy Trứ một bậc tài danh đương thời. Ông đậu Cử nhân khoa Tân Sửu (1841), làm quan đến chức Án sát Hưng Yên (năm 1862), Án sát  Hà Nội (năm 1863) và Bố chánh Nam Định (năm 1867).

Ngoài ra ông có để lại một số tập thơ như: Trữ nguyệt đường thi, Hương Tích sơn thi tập, Vịnh nguyệt (30 bài thơ nôm), Vịnh cúc (25 bài), Bần nữ thán… Một số văn bia: sửa miếu Văn Xương hồ Hoàn Kiếm, Văn bia Đình bia tiến sĩ ở Văn miếu. Văn bia tu sửa chùa Một Cột...

  Ông có đức tính chính trực, thẳng thắn áp dụng pháp luật, không kiêng kẻ quyền thế.

Sau khi ông mất được truy phục Viên ngoại lang.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Tên đường thành phố Huế, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1997.

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 3, điểm cuối là đường Đặng Huy Tá (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 90m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 4

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 3, điểm cuối là đường Đặng Huy Tá (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 90m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 5

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 3, điểm cuối là đường Đặng Huy Tá (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 90m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 6

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường 5,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Đặng Huy Tá (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 140m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG  7

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 10, điểm cuối là đường Bàu Năng 7 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 100m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 8

10. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bàu Năng 10, điểm cuối là đường Bàu Năng 7 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 100m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 9

11. Đoạn đường có điểm đầu là đường 5,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Đặng Huy Tá (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 140m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 10

12. Đoạn đường có điểm đầu là đường 21m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Bàu Năng 12 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 380m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 11

13. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Bàu Năng 11 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 250m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 12

14. Đoạn đường có điểm đầu là đường 21m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Bàu Năng 11 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 100m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU NĂNG 14

III. KHU DÂN CƯ TRUNG NGHĨA (Sơ đồ 7): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là Trục 1 Tây Bắc, điểm cuối là đường Nguyễn Mộng Tuân: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 740m; rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN TƯỜNG PHỔ

NGUYỄN TƯỜNG PHỔ (1807 - 1856)

Ông quê ở làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Tuổi trẻ, ông sáng dạ thông minh, lại học rộng nghe nhiều, ngoài kinh sử ông còn thông cả “kiếm thư cầm phả không nghề gì không kiêm thông”.

Năm Tân Sửu (1841), ông đỗ Cử nhân; năm 1842, ông đỗ Tiến sĩ và được bổ nhiệm chức Hàn lâm Viện Biên tu ở Nội các, rồi thăng Tri phủ Hoàng An (Bến Tre), Tri phủ Tân An (Gia Định). Một thời gian sau ông cáo bệnh xin về quê.

Năm 1846, ông lại được bổ nhiệm làm Giáo thọ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, rồi chuyển về trông coi nhà in ở phủ Học Chánh, sau đó thăng quyền Đốc học tỉnh Hải Dương.

Ông làm quan nổi tiếng liêm chính, công bằng, tính tình cao thượng, yêu thương người nghèo khổ… Ông còn nổi tiếng về văn chương, chuyên tâm vào việc giáo dục.

Tác phẩm của ông có: Thứ Trai thi tập.

* Tài liệu tham khảo chính: - Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam-đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2001.

- Lê Thí, Từ chức kiểu… Quảng Nam trong sách Những mẩu chuyện về Danh nhân xứ Quảng, NXB Đà Nẵng, 2015.

IV. KHU SỐ 3-TRUNG TÂM ĐÔ THỊ MỚI TÂY BẮC (Sơ đồ 8): 9 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hà Hồi, điểm cuối là đường Trục 1 Tây Bắc: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 560m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: HÀ HỒI

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Chích, điểm cuối là đường Hà Hồi: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: NGUYỄN CHÍCH

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phùng Hưng, điểm cuối là đường Hà Hồi: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 6m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 1

Phú Xuân trước đây thuộc làng Hòa Phú, huyện Hòa Vang, nay thuộc khối phố Hòa Phú 1, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phùng Hưng, điểm cuối là đường Hà Hồi: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 6m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 2

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phùng Hưng, điểm cuối là đường Hà Hồi: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 4

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phùng Hưng, điểm cuối là đường Hà Hồi: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 160m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 5

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hà Hồi, điểm cuối là đường Nguyễn Chích: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 60m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 6

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phú Xuân 8, điểm cuối là đường Phú Xuân 6 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 90m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 7

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hà Hồi, điểm cuối là đường Nguyễn Chích: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 80m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHÚ XUÂN 8

V. TRỤC I TÂY BẮC (Sơ đồ 9): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là ngã ba Huế, điểm cuối là đường Hồ Tùng Mậu: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 2.500m; rộng 21m; vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: HOÀNG THỊ LOAN

HOÀNG THỊ LOAN (1868 - 1901)

Bà là thân mẫu của Hồ Chủ tịch; quê ở làng Hoàng Trù (làng Chùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Bà là con gái của cụ đồ Hoàng Xuân Đường, một gia đình có nhiều người hoạt động yêu nước nổi tiếng. Bà lấy ông Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc) và sinh được 4 người con: Nguyễn Thị Thanh, hiệu Bạch Liên (1884-1950) thường gọi O Thanh; Nguyễn Sinh Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt (1888-1950) thường gọi Cả Khiêm; Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ sau này) và một người con trai út là Nguyễn Sinh Xin mất tại Huế lúc còn rất nhỏ.

Bà là người vợ tần tảo, chịu đựng, thay chồng gánh vác mọi việc nhà để ông có điều kiện học hành thi cử. Là một phụ nữ hiền hậu, đảm đang, sống bằng nghề làm ruộng, dệt vải và chăm sóc dạy dỗ các con, một người phụ nữ Xứ Nghệ đặc biệt hy sinh tất cả vì chồng và tương lai con cái. Khi cụ Phó bảng vào Kinh lần thứ nhất (năm 1895), bà đưa con và cùng chồng vào Huế. Cuộc sống, hoàn cảnh của gia đình bà lúc ấy rất khó khăn, nhất là những lúc ông đi kinh lý xa. Tuy vậy, bà vẫn cố gắng làm lụng, chăm sóc dạy dỗ các con theo cách riêng của gia đình. Chính vì vậy, sau này các con của bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ bà và trở thành những nhà yêu nước nổi tiếng và cống hiến trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam. Bà là người mẹ đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung, người con sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Năm 1901, bà mất tại Huế khi vừa mới sinh người con thứ tư, hưởng dương 33 tuổi, được an táng tại phía tây triền núi Tam Tầng (còn gọi là Hòn Thiên, hoặc núi Bân). Năm 1922, cô Thanh, con gái đầu của bà đã vào Huế cải táng đưa di cốt bà về Nghệ An - hiện lăng mộ bà đặt tại Đại Huệ, một dãy núi đẹp cả vị trí cảnh quan lẫn phong thủy của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại núi Bân-TP.Huế, chính quyền địa phương đã dựng nhà bia ghi dấu tích và tưởng niệm bà.

Tài liệu tham khảo chính: Tên đường thành phố Huế, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

VI. KHU DÂN CƯ HẠ LƯU CẦU ĐA CÔ (Sơ đồ 10): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Nguyễn Lương Bằng: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 175m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: HÒA MỸ 6

D. QUẬN NGŨ HÀNH SƠN

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU TÁI ĐỊNH CƯ PHÍA BẮC NHÀ MÁY CAO SU VÀ TÁI ĐỊNH CƯ NHÀ MÁY CAO SU (Sơ đồ 11): 12 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Mộng Nguyên, điểm cuối là đường Lê Văn Hiến: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 450m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: VŨ MỘNG NGUYÊN

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Kiệt, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 15 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 60m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: PHẠM KIỆT

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Khuê Mỹ Đông 1, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 7 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 280m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 1

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Khuê Mỹ Đông 3, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 14 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 180m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 3

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Mộng Nguyên, điểm cuối là đường Lê Văn Hiến: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 350m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 7

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Khuê Mỹ Đông 6, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 14 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 170m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 8

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Khuê Mỹ Đông 10, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 8 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 70m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 9

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Mộng Nguyên, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 15 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 175m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 10

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Mộng Nguyên, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 14 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 30m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 11

10. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Mộng Nguyên, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 15 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 190m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 12

11. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Kiệt, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 1: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 370m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 14

12. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Kiệt, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 7 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 320m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 3m và có đoạn 1m.

- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 15

II. KHU GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN VÙNG 3 HẢI QUÂN (Sơ đồ 12): 4 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Văn Hiến, điểm cuối là đường bê-tông QH 7,5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 370m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐA MẶN ĐÔNG 1

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đa Mặn Đông 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường bê-tông QH 7,5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 250m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐA MẶN ĐÔNG 2

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường bê-tông QH 7,5m, điểm cuối cũng là đường bê-tông QH 7,5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 450m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 0m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐA MẶN ĐÔNG 3

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường bê-tông QH 7,5m, điểm cuối cũng là đường bê-tông QH 7,5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 430m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐA MẶN ĐÔNG 4    

III. KHU TÁI ĐỊNH CƯ BÁ TÙNG -GĐ 1-2 (Sơ đồ 13): 1 tuyến.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Đức Nam, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 320m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường:  ĐẶNG VĂN BÁ

ĐẶNG VĂN BÁ (1877 - 1942)

Ông còn có tên là Nghiêu Giang, người xã Phất Não, huyện Thạch Hà (nay là xã Thanh Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông đỗ Cử nhân năm Canh Tý (1900). Ông là một nhà nho yêu nước, hoạt động tích cực trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX.

Năm 1907, ông cùng với Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân và một số sĩ phu lập ra “Triêu dương thương điếm” buôn bán hàng nội hóa, sách báo “Tân thư”. “Triêu dương thương điếm” cũng là một trạm liên lạc của phong trào “Đông Du” của Phan Bội Châu, nhằm tuyển chọn thanh niên xuất dương du học và cung cấp kinh phí cho phong trào Đông Du.

Năm 1908, do hưởng ứng phong trào chống thuế của Trung Kỳ, lúc này đã lan ra Nghệ Tĩnh, ông đã bị thực dân Pháp bắt kết án đày biệt xứ ra Côn Đảo.

Năm 1921, ông được trả lại tự do, ở lại Sài Gòn một thời gian ngắn, sau đó ra Huế ở với cụ Phan Bội Châu mấy năm rồi trở về quê và mất năm 1942.

Trong thời gian hoạt động trong Phong trào Duy Tân cũng như khi ở tù, về quê sau khi ra tù, ông có sáng tác một số thơ ca yêu nước. Có một số bài thơ được phổ biến rộng rãi như: Sài Gòn (1923), Sống chết (1926), Vịnh Hai Bà Trưng (1942), Than thở thói đời…

* Tài liệu tham khảo chính: Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên),

Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa, 1993.

IV. KHU TÁI ĐỊNH CƯ ĐÔNG HẢI (Sơ đồ 14):

1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Thức Đường, điểm cuối là đường Trần Hữu Dực: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 730m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ NHƯ HỔ

LÊ NHƯ HỔ (1511 - 1581)

Ông là người làng Tiên Châu, xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, nay là thôn Vông, xã Hồng Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học và ăn khỏe, có sức vóc to lớn hơn người nên được gọi là Như Hổ. Dân làng Vông vẫn thường gọi ông là Cụ Nghè Tiên Châu hay Quan Nghè Lê Như Hổ.

Năm 30 tuổi, tài văn chương của ông đã nổi tiếng khắp nơi. Năm Quảng Hòa thứ nhất (1541), triều vua Mạc Hiển Tông (Mạc Phúc Hải) mở khoa thi, ông đỗ Tam giáp Tiến sĩ. Sau làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, hàm Thiếu bảo, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), tài trí ứng đáp hơn người. Ngày nay, tại Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) vẫn còn bia đá lưu danh Lê Như Hổ. Theo những tư liệu còn lưu trên các bia đá ở Văn miếu Xích Đằng thì ông là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở Trấn Sơn Nam đỗ Tiến sĩ. Ông là người kỳ tài cả văn lẫn võ.

Sau khi về quê an trí, ông được vua triều Mạc ban cho toàn bộ đất đai thuộc địa bàn xã Hồng Nam ngày nay. Sau khi ông mất, vua Minh sai sứ sang viếng và ban cho áo quan bằng đồng và được triều đình tặng chức Quốc công. Tương truyền sau khi đi sứ Trung Quốc ông học được nghề làm dù và sau này người Việt coi ông là Tổ sư của nghề làm dù nước ta.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Giang Quân, Từ điển đường phố Hà Nội, NXB Thời đại, năm 2010.

- Báo điện tử Hưng Yên, ngày 18-2-2014.

- Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, ngày 4-2-2012.

V. KHU DÂN CƯ TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH QUẬN NGŨ HÀNH SƠN (Sơ đồ 15): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đinh Gia Khánh, điểm cuối là đường Chu Cẩm Phong: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 110m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: ĐINH GIA KHÁNH

E. QUẬN SƠN TRÀ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU DÂN CƯ AN NHƠN (Sơ đồ 16): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Văn Đồng, điểm cuối cũng là đường An Nhơn 7: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 280m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

Đề nghị đặt tên đường: AN NHƠN 12

II. KHU DÂN CƯ PHỤC VỤ GIẢI TỎA CÔNG TRÌNH LÀNG CÁ NẠI HIÊN ĐÔNG (Sơ đồ 17): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Huy Thông, điểm cuối là đường quy hoạch 10,5m: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 570m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: PHẠM HUY THÔNG

F. QUẬN THANH KHÊ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KIỆT 526 TRẦN CAO VÂN (Sơ đồ 18): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Cao Vân, điểm cuối là đường Nguyễn Tất Thành: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 110m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: XUÂN ĐÁN 3

II. KIỆT 158 DŨNG SĨ THANH KHÊ (Sơ đồ 19): 1 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Dũng sĩ Thanh Khê, điểm cuối là đường Phan Phu Tiên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 80m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHỤC ĐÁN

Phục Đán là làng cũ thuộc phường Thanh Lộc Đán, nay là phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê.

G. HUYỆN HÒA VANG

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU DÂN CƯ THUỘC XÃ HÒA PHONG (Sơ đồ 20): 10 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường quốc lộ 14B, điểm cuối là đường Túy Loan 7 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 2.500m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: QUẢNG XƯƠNG

Quảng Xương là một huyện nằm về phía Đông Nam của tỉnh Thanh Hóa, là huyện kết nghĩa của Hòa Vang trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Sau thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ tháng 7-1954, đất nước ta lại rơi vào cảnh chia cắt hai miền Nam-Bắc. Để huy động sức mạnh tổng hợp hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các tỉnh thành miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh thành miền Nam. Ngày 12-3-1960, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa-Quảng Nam đã được tổ chức tại Thanh Hóa, sau đó tháng 5-1960, lễ kết nghĩa giữa hai huyện Quảng Xương-Hòa Vang đã được tổ chức long trọng. Đã hơn nửa thế kỷ qua, mối tình kết nghĩa Quảng Xương-Hòa Vang nghĩa nặng tình sâu vẫn luôn bền chặt, góp phần đưa quê hương Quảng Xương-Hòa Vang tiến nhanh, tiến mạnh trong công cuộc đổi mới đất nước.    

Nguồn: Quảng Xương- Hòa Vang thắm tình kết nghĩa, NXB Thanh Hóa, 2013.

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quảng Xương (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 550m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: LÊ VĂN HOAN

LÊ VĂN HOAN (1758 - 1828)

Ông quê ở làng Cẩm Toại, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ông xuất thân võ tướng, theo phò vua Quang Trung, được phong đến chức Đô đốc quản Doanh ngũ cơ tượng binh. Ông từng theo vua đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, làm nên chiến thắng vẻ vang Xuân Kỷ Dậu 1789. Năm 1793, Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời, nhà Tây Sơn nhanh chóng bị sụp đổ. Đầu đời nhà Nguyễn lưu dụng ông quản tượng binh, được vua Gia Long giao chức Quản tượng Chi chính Trưởng chi Khâm Sai cai cơ.

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được thăng chức Thị vệ nội úy, rồi đến Chưởng cơ, trông coi 3 cơ tượng là Tiền tượng, Tả tượng, Hữu tượng. Đến năm Minh Mạng thứ 6, vua xuống chiếu cho ông kiêm quản 5 cơ tượng. Năm Minh Mạng thứ 7 (1827), ông nhận mệnh vua đi công cán ở biên giới Nghệ An, lập nhiều công lớn và trở về được thực thụ Thống chế. Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1828), ông lâm bệnh và mất, hưởng thọ 70 tuổi và được truy tặng hàm Tòng nhất phẩm, chức Đô thống chế Chưởng Phủ sự tượng binh.

Lăng mộ ông tại làng Cẩm Toại có nói đến sự nghiệp lừng lẫy của ông và đã được xếp bảo vệ di tích.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Đại Nam liệt truyện, tập 2, NXB Thuận Hóa, 2006.

- An Dy, Kỳ bí lăng mộ cổ: Mộ tướng thống lĩnh tượng binh qua 4 đời vua, Báo Thanh Niên ngày 24-1-2016.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quảng Xương, điểm cuối là đường Lê Văn Hoan (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 110m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 1

Túy Loan là một trong những làng cổ thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang được hình thành cách nay 500 năm. Theo văn bia Ngũ tộc trong làng còn giữ được, thì tổ của làng là năm vị tiền hiền các họ Ðặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê vào năm 1470, theo chiếu của vua Lê Thánh Tông đi mở mang bờ cõi về phía Nam. Các vị chọn vùng đất có địa thế đẹp này để khai khẩn, lập làng, đặt tên làng là Thúy Loan (có nghĩa là ngọn núi cao màu xanh), về sau, nhân dân gọi chệch thành Túy Loan.

Nguồn tư liệu: Đình làng Đà Nẵng, Hồ Tấn Tuấn, NXB Đà Nẵng, 2012.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Túy Loan 3, điểm cuối là đường Túy Loan 1 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 150m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 3m và có đoạn 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 2

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quảng Xương, điểm cuối là đường Lê Văn Hoan (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 120m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 3

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quảng Xương, điểm cuối là đường Lê Văn Hoan (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 150m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 4

7. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu và điểm cuối là đường Quảng Xương (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 360m; rộng 3,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 1,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 5

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Quảng Xương, điểm cuối là đường Túy Loan 5 (2 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 180m; rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 6

9. Đoạn đường có hình chữ U, có điểm đầu và điểm cuối là đường Quảng Xương (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 290m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 7

10. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Túy Loan 7 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa; chiều dài 115m; rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÚY LOAN 8

;
.
.
.
.
.