.

Tiếp sức cho người bệnh

.

Không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn khám, chữa bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng còn tham gia huy động nhiều nguồn lực bên ngoài tiếp sức cho bệnh nhân. Những cử chỉ ân cần, những món quà thiết thực đến đúng lúc giúp người bệnh vượt qua cảnh khốn khó.

Các nhà hảo tâm trao quà cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện  Đà Nẵng.
Các nhà hảo tâm trao quà cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Chia sẻ khó khăn

Bà Hồ Thị Nghê (59 tuổi, trú khối phố Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị bệnh dạ dày hành hạ suốt nhiều năm qua. Không chồng, con, bản thân lại già yếu nên mỗi bước chân tới bệnh viện của bà đều nặng trĩu âu lo. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà Nghê nên bệnh viện luôn ưu tiên dành cho bà những phần quà của các nhà hảo tâm trao tặng. Mới đây, khi chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” được tổ chức, bà Nghê mừng ứa nước mắt khi nhận số tiền 1,7 triệu đồng từ tay những người xa lạ đến ủng hộ. Số tiền này quá lớn đối với người phụ nữ suốt đời lam lũ và loay hoay trong túng thiếu.

Bà Nghê không phải là bệnh nhân duy nhất tại Bệnh viện Đà Nẵng nhận được sự sẻ chia từ những tấm lòng chưa một lần quen biết. Dù mới bước sang tuổi 40 nhưng trông anh Nguyễn Văn Ba (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) gầy gò, hốc hác. Thân “gà trống nuôi con” đã gần chục năm và nỗi vất vả, gian truân càng đè nặng khi suốt một năm qua anh phải thường xuyên đưa người con trai mới bước sang tuổi 15 đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị chứng suy thận. Bao nhiêu tài sản, vốn liếng ở quê đều đã dành hết chữa bệnh cho con. “Cũng may còn có các nhà hảo tâm, người cho hộp cháo, gói bánh, có khi một ít tiền để bố con cầm cự tại thành phố để điều trị”, anh Ba chia sẻ…

Tháng 6-2016, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức thành lập. Sự ra đời của Phòng Công tác xã hội là bước đi mới trong việc triển khai Quyết định 2151/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Theo bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng Công tác xã hội, nhiệm vụ chính của phòng là tư vấn, hướng dẫn người bệnh khi đến làm các thủ tục khám, chữa bệnh; đồng thời kết nối với các mạnh thường quân để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những bệnh nhân khốn khó. “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn, giúp người bệnh cảm thấy được quan tâm, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ đó lại xuất phát một cách tự nguyện, thể hiện tình cảm giữa con người với nhau”, bác sĩ Hải cho biết. Xuất phát từ mục đích trên, sau 4 tháng đi vào hoạt động, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận hàng ngàn suất quà của các nhà hảo tâm là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gửi đến để sẻ chia với những bệnh nhân có hoàn cảnh bất hạnh.

Sinh viên tiếp sức

Không chỉ có các mạnh thường quân, hoạt động hỗ trợ người bệnh của Bệnh viện Đà Nẵng cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của tình nguyện viên là những sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Theo bác sĩ Hải, những tình nguyện viên trước khi tham gia đều được tập huấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng ứng xử với người bệnh. Đây được xem là thước đo quan trọng, tạo cho người bệnh cảm giác thân quen và yên tâm khi tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế.

Tham gia hoạt động tiếp sức tại Bệnh viện Đà Nẵng từ những ngày đầu tổ chức, sinh viên Lê Văn Bửu (quê Hà Tĩnh, hiện học Trường Đại học Kỹ thuật-Y dược Đà Nẵng) chia sẻ: “Hoạt động tiếp sức người bệnh giúp em cảm thấy vui, hạnh phúc vì mình đã giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, lo lắng với nhiều người. Đây là hành trang quan trọng để sau này tụi em bước vào đời theo phương châm sống là phải biết sẻ chia”.

Xuất phát từ mục tiêu trên và nhờ sự chung tay từ cộng đồng, hàng loạt chương trình thiện nguyện thời gian qua đã được phát động, tổ chức thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng. “Với vai trò kết nối tấm lòng của các nhà hảo tâm đến với những bệnh nhân đang đối mặt với khó khăn cả về vật chất lẫn bệnh tình, chúng tôi hy vọng những hoạt động này càng lan tỏa, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Điều này thể hiện một thông điệp rất nhân văn của người Việt, rằng trong cơn hoạn nạn vẫn còn có nhau”, bác sĩ Hải cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.