.

Thương tiếc thầy Phạm Đình Hảo

.

Thầy Phạm Đình Hảo, Nhà giáo Ưu tú, người suốt một đời chăm lo sự nghiệp trồng người, trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng, đã ra đi, lúc 1 giờ 55 phút, ngày 21-10-2016, thọ 88 tuổi.

Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo (bìa trái) tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng Hội Khuyến học Đà Nẵng.
Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo (bìa trái) tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng Hội Khuyến học Đà Nẵng.

Thầy sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ) tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Thuở nhỏ, vừa học chữ Nho vừa học quốc ngữ, giỏi toán, lập luận chặt chẽ. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công và những năm kháng chiến chống Pháp, thầy tham gia các hoạt động văn hóa, hành chính tại địa phương và các vùng tự do của khu Năm. Năm 1954, tập kết ra Bắc, thầy học đại học ngành toán, rồi về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Những năm trên bom dưới đạn thời chống Mỹ, cùng khoa và trường, thầy tham gia đào tạo nên nhiều thế hệ thầy cô giáo. Đến bây giờ, những người cùng công tác với thầy ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, dù ở trong Nam ngoài Bắc, vẫn luôn nhớ đến thầy Phạm Đình Hảo, một cán bộ giảng dạy gương mẫu, một đảng viên trung kiên, thương yêu đồng nghiệp, đồng chí, bảo vệ lẽ phải, không xu phụ.

Ngày đất nước thống nhất, thầy về quê hương xứ Quảng. Giữa bộn bề của một vùng đất vừa mới bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, dữ dội, lòng người ngổn ngang trăm mối, cộng với niềm riêng, thầy có những suy nghĩ khác, không máy móc, cực đoan. Năm 1979, đất nước khốn khó. Chiến trường Tây Nam dữ dội. Tháng 6, thầy ra Huế, bàn với lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm nhận sinh viên tốt nghiệp. Nhân đó, tôi - người viết bài này - xin thầy về Đà Nẵng, xe đến đỉnh đèo, bị hỏng máy, phải sửa. Thầy trò ngồi chờ, tâm sự. Thầy nói, ra nhận con em Quảng Nam về công tác tại Quảng Nam, nếu không, đi Nam Bộ, đang có chiến tranh biên giới. Tội bọn trẻ! Lứa trước chúng tôi, nhiều anh chị vào đến Cà Mau, Kiên Giang, Minh Hải, Thuận Hải, Bạc Liêu, Tây Ninh.

Tôi có người bạn, cùng học Đại học Sư phạm Huế, được phân công đi Tây Nguyên. Vào đến nơi, trình diện, không nhận. Lý do, có cha là sĩ quan, đã tử trận. Bơ vơ. Ngày đó, không có việc làm, không có tem phiếu, khó sống. Vậy là, nhớ lại chuyến xe dừng trên đèo Hải Vân, anh em chúng tôi mạnh dạn đến nhà thầy, đường Hoàng Hoa Thám, trình bày sự việc, nghe xong, thầy nhận hồ sơ, hẹn hai ngày, đến Ty Giáo dục, gặp thầy. Việc không ngờ, bạn tôi được nhận quyết định đi dạy. Từ đó đến nay, anh trở thành công dân xứ Quảng. Giá ngày ấy, không có cách nhìn độ lượng, thì nhiều số phận tương tự sẽ ra sao? Sau này tôi biết, trường hợp như bạn tôi, gặp thầy Hảo, được đi dạy, không phải là cá biệt.

Với tôi, đã có trên 30 năm quan hệ công tác, gắn bó đời thường với người lãnh đạo chân tình, yêu thương đồng nghiệp, không kể tuổi tác như thầy Phạm Đình Hảo, là một hạnh phúc lớn. Chúng tôi thương thầy như người cha trong gia đình, người anh cả trong sự nghiệp giáo dục.

Thầy về hưu năm 1990. Năm sau, 1991, thầy cùng các nhân sĩ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vận động và thành lập Hội Khuyến học. Đây là Hội Khuyến học được thành lập sớm nhất của cả nước, trước Trung ương đến 5 năm. Trụ sở của Hội trong khuôn viên của Sở Giáo dục, nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Trong nhiều ý tưởng thành lập Hội, có một chuyện đáng nhớ là, khi đi công tác tại huyện Tiên Phước, buổi trưa, nằm nghỉ trên võng, thầy nghe tiếng khóc của một em học sinh tiểu học không có tiền để đến trường. Hai mẹ con ràn rụa nước mắt, giữa cảnh nghèo ở một vùng quê sau chiến tranh và ước mơ kiếm cái chữ khiến thầy canh cánh trong lòng, muốn tìm mọi cơ hội để giúp trẻ em ở những vùng khó khăn được đến trường. Tiếng khóc trẻ thơ của buổi trưa hôm ấy theo mãi với thầy trong nhiều năm làm công tác khuyến học.

Sau ngày thành lập, chúng tôi là những hội viên đầu tiên của Hội. Có thể nói, tất cả năm tháng còn lại sau nghỉ hưu, thầy Hảo dành trọn vẹn cho công tác khuyến học, khuyến tài. Niềm vui và sự thành đạt của bao lớp học sinh cũng là niềm vui của thầy. Thầy chẳng có gì cho bản thân mình, ngoài việc lo toan sự học cho bao thế hệ học trò trên hai mươi năm nay.

Nhiều em học sinh theo Chương trình học bổng Đông Du, Lá Xanh, nay đã trưởng thành. Có em làm việc ở nước ngoài, có em công tác trong nước. Với các em, thầy Hảo mãi mãi là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong tâm khảm của nhiều thế hệ học sinh. Tận những chân trời xa xôi, nhiều bức thư cảm động, gửi đến thầy Hảo, được viết từ tấm lòng ân nghĩa của các du học sinh. Từ những thành quả đó, Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, bản thân thầy được nhận Huân chương Lao động hạng ba. Anh chị em công tác tại Sở Giáo dục, bao giờ cũng nhớ đến vị lãnh đạo gần gũi, chân tình. Ngày ấy, địa bàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng quá rộng, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là vùng B Đại Lộc, tây Quế Sơn, Duy Xuyên, vùng đông Thăng Bình hay Tiên Phước, Núi Thành... Vậy là, khi nào có chuyến công tác xa, đi bằng ô-tô, thầy ghé qua các phòng, bảo mấy anh em cùng đi. Tôi  lập gia đình nhiều năm nhưng chưa có mụn con nào. Chạy chữa cũng lắm nơi. Năm nào, trong ba ngày Tết, thầy cũng đến nhà chơi. Nhà có treo mấy tấm hình trẻ con, cỡ 35 x 60cm. Những tấm hình này mua ở phố, treo cho vui cửa vui nhà. Tết đó, vào nhà, trà lá xong, dạo một vòng quanh nhà, thầy phán một câu, nhớ mãi đến bây giờ: Toàn con nít giả. Khi tôi có cháu nhỏ, thầy chúc mừng và nói: Hết con nít giả rồi!

Anh Lê Phú Kỳ lớn tuổi, hồi chưa có đám nào, gặp đâu, thầy cũng giục, cũng làm mai mối. Thầy chia sẻ những khó khăn của một ngôi trường như Trung học Phan Châu Trinh mà anh Lê Phú Kỳ làm Hiệu trưởng. Trường lớn, có lúc đến 5.000 học sinh.

Chắc rằng, với nhiều thầy cô giáo của đất Quảng, trong dạy học và quản lý, sẽ không bao giờ quên hình ảnh thầy Hảo ốm và gầy, ít ăn, luôn có điếu thuốc gắn trên môi, nụ cười hiền lành, dân dã và chất phác, đôi khi bên chén trà, kể vài mẩu chuyện tiếu lâm, cười vui với anh chị em đồng nghiệp. Không có khoảng cách giữa thầy với mọi người.

Thầy Phạm Đình Hảo kính mến, trong đời riêng, thầy có những tháng ngày buồn, buồn đến nao lòng. Có những giây phút, thầy kể về ngày xưa, đôi mắt xa xăm, ơ hờ thương nhớ bao người thân. Nhưng làm sao được, tạo hóa là vậy!  Bù lại, trong cuộc sống, nhất là đối với nhiều thế hệ học sinh - sinh viên, nhiều lứa đồng nghiệp đã nhìn về thầy bao tình thương yêu, bao sự kính trọng của mọi người. Tình cảm đó, quý như  vàng. Tâm hồn thầy trong trẻo, ít vướng bận bụi trần, vì thế, nhiều người, dù khác tâm tính, khác hoàn cảnh, vẫn có thể cộng tác lâu dài, xóa đi các khác biệt, hợp tác cùng với thầy làm nên bao thành quả trong chỉ đạo dạy và học, trong công tác khuyến học, khuyến tài. Nhìn từ phương diện ứng xử, thầy như kẻ sĩ của ngày trước, bình thản đi qua cuộc đời này, ngẫm nghĩ về những vô thường, không quá bận lòng với được - mất, hơn - thua, rồi vẫy tay chào mọi người, nhẹ như không.

Hôm nay, thầy về với ông bà, tiên tổ. Trước ngày mất 5 ngày, bệnh tình đã trở nặng, thầy bảo người nhà, nhắn tin với anh Trần Đình Liễn, đồng nghiệp, nay là người kế tục sự nghiệp khuyến học của thầy, đến gặp để bàn về nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, làm sao có thêm nhiều nguồn quỹ, giúp đỡ học sinh nghèo. Chao ôi, một con người “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), như Phạm Trọng Yêm, nhà giáo dục thời Bắc Tống (989 - 1052), người cùng họ với thầy.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy, Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo.

Đà Nẵng, 21 tháng 10 năm 2016

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.