.
Tôi đã cùng Đà Nẵng...

Kỳ cuối: Người Đà Nẵng ở Mỹ

.

Những ngày lang thang ở các tiểu bang Hoa Kỳ, tôi đã gặp hai người gốc Đà Nẵng... Một người mang nghề uốn tóc sang xứ người làm rạng danh quê hương; còn người kia, trẻ hơn trở thành nhân vật nổi tiếng trong ngành Nha khoa ở Đại học Harvard và tiểu bang Massachusette. Họ luôn coi mình là dân Đà Nẵng...

Ông Lê Nẫm đã gầy dựng hơn 20 hiệu uốn tóc mang tên ông ở nhiều thành phố tại Mỹ.
Ông Lê Nẫm đã gầy dựng hơn 20 hiệu uốn tóc mang tên ông ở nhiều thành phố tại Mỹ.

Thương hiệu uốn tóc Lê Nẫm

Những năm 60-70 của thế kỷ 20, có lẽ nhiều người còn nhớ các hiệu uốn tóc nổi tiếng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng như Bính Sau, Ngọc Hương hay Lê Nẫm. Đó là những người cùng quê ở Thanh Quýt, Điện Bàn ra lập nghiệp ở Đà Nẵng từ thời niên thiếu. Làng này có mấy nghề truyền thống là trồng và chế biến thuốc lá thương hiệu Cẩm Lệ chiếm lĩnh hầu hết thị trường các thành phố miền Nam, nghề dệt vải bán cho thương lái nước ngoài tại cảng thị Hội An. Đất làng này ít, dân đông nên tiểu thủ công và dịch vụ là lối thoát trên đường mưu sinh. Bởi vậy, có lẽ từ đầu thế kỷ 20, khi nghề dệt vải tàn lụi, thị trường thuốc lá thu hẹp, nhiều người trai trẻ trong làng đã đi tìm học nhiều nghề khác ở Hội An và Đà Nẵng, mà nổi bật trong đó là nghề uốn tóc. Các người thợ lớp đầu tiên mạnh dạn mở hiệu là các ông Nguyễn Hữu Bính, Lê Tự Sau mở chung hiệu Bính Sau; Nguyễn Hữu Ngọc mở hiệu Ngọc Hương trước cổng chợ Hàn và Lê Tự Nẫm mở hiệu Lê Nẫm trên đường Trần Hưng Đạo, nay là Nguyễn Thái Học. Một vài người nữa ra mở hiệu ở Huế, Hội An, Quy Nhơn và cả Sài Gòn. Nghề uốn tóc thu hút được nhiều nhân lực trẻ từ nông thôn nhập cư vào Đà Nẵng. Tuy vậy, những ông chủ đầu tiên vẫn giữ được chỗ đứng suốt nhiều thập niên sau đó, trong đó có ông Lê Tự Nẫm...

Sau khi định cư ở thành phố Houston, bang Texas từ đầu những năm 1980, ông Nẫm gầy dựng lại nghề cũ. Sau 30 năm ở xứ người, ông đã xây dựng hơn 20 hiệu uốn tóc mang tên ông ở nhiều thành phố; đào tạo hàng trăm học trò thành những chuyên gia làm đẹp không những cho phụ nữ gốc Việt mà còn cho nhiều người Mỹ nổi tiếng. Những học trò có chí lập nghiệp đã được ông nhượng lại thương quyền để tiếp tục hành nghề. Ông chỉ giữ lại một cửa hiệu ở khu Bellaire, Houston với hơn 20 thợ chuyên nghiệp. Mỗi ngày, tuy đã 86 tuổi, ông vẫn lái xe đến cửa hiệu làm việc nhiều giờ để tư vấn cho các khách hàng hạng sang hoặc chỉ bảo cho các học trò...

Nhiều người khách cho biết cái làm nên thương hiệu Lê Nẫm chính là một loại thuốc uốn tóc rất đặc biệt, khách hàng vẫn giữ được kiểu dáng tóc đẹp qua nhiều ngày, sau cả khi ngủ hoặc đi tắm về! Còn ông lại nói với tôi, có được thành công đó chính là tinh thần luôn cố gắng hết mình, làm việc cùng nhau một cách hết lòng. “Nhưng quan trọng nhất là... nhờ ơn trời!”, ông nói.

Và cũng nhờ... ơn trời, đến nay các con ông đều là những bác sĩ, luật sư có uy tín ở Mỹ, cả con dâu lẫn con rể đều là người Việt, nhờ vậy mà vẫn giữ được sợi dây tình cảm gia đình, dòng tộc bền chặt; từ đó ông có thời gian cùng bạn bè làm thêm nhiều công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo ở quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng...

Tiến sĩ nha khoa Harvard

Trường Đại học Harvard (bang Massachusett) không chỉ nổi tiếng với lịch sử gần bốn trăm năm (từ năm 1636) đào tạo khoảng 25.000 sinh viên và có đến 360.000 cựu sinh viên khắp thế giới, với nhiều nhà khoa học, chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng. Đã có 10 Tổng thống Mỹ, kể cả Bill Clinton và Obama, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, nhiều thủ tướng và nguyên thủ quốc gia các nước ở châu Mỹ, châu Âu và cả châu Á từng học tại đây. Nhiều nhà văn, nhà biên kịch, nghệ sĩ Hollywood, cả người đã sáng lập ra Facebook Mark Zukerberg và tác giả Harry Potter cũng góp phần làm cho ngôi trường này càng vang danh.

Người Việt Nam  từng học tại Harvard tuy không nhiều, nhưng ngoài các GS, TS Nguyễn Xuân Oánh, GS, TS Ngô Vĩnh Long ra, đất Đà Nẵng hiện có một tiến sĩ nha khoa khá nổi tiếng: Trương Công Đức.

Trương Công Đức sinh trong trận lụt năm 1964, trong một gia đình nền nếp, là hậu duệ 6 đời của Thượng thư lưỡng bộ Trương Công Hy. Đức được gia đình bảo lãnh đến định cư tại San Jose vào năm 1981 và tiếp tục sự học. Năm 1989, khi tốt nghiệp cử nhân Sinh hóa tại Đại học California, anh được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm UC Davis Medical Center. Nhưng một năm sau, với lời khuyên của gia đình và thầy giáo, anh thi đỗ vào Trường Nha khoa Harvard Medical School với một học bổng bán phần suốt 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, anh lại được nhận vào học tiếp 3 năm nữa tại chuyên khoa Nội, khoa Răng miệng và Tủy máu (Endodontic) với học vị Tiến sĩ. Hiện nay, Trương Công Đức là chuyên gia nghiên cứu có uy tín về Nha khoa tại tiểu bang Massachuset và giảng dạy tại Harvard...

Theo lời kể của anh, Trường Y khoa Harvard có những ưu việt trong đào tạo mà ít có nơi nào sánh được. Mỗi lớp học chỉ có chưa đầy 30 sinh viên, lại được chia thành từng nhóm 7, 5 rồi 3 sinh viên, tùy năm học, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của một giáo sư. Sau hai năm đầu học chung về y khoa, theo lối đào tạo Newpathway - vừa học vừa thực hành. Mỗi ngày chỉ nghe giảng bài từ 8 đến 10 giờ sáng, sau đó các giáo sư hướng dẫn theo nhóm, nghiên cứu, thảo luận các patient case (tức hồ sơ bệnh nhân) theo từng cấp độ từ thấp đến cao trong vòng một đến hai tuần tùy theo sự phức tạp của mỗi hồ sơ.

Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi nhóm chỉ còn 3 sinh viên, do một giáo sư hướng dẫn, khám các bệnh răng hàm mặt  trong các Dental Clinic của nhà trường. Thầy trò gần gũi, nên sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và có thể nêu thắc mắc với thầy bất cứ lúc nào. Mỗi sinh viên đều được giao cho một số bệnh nhân để khám và chữa bệnh, lập hồ sơ bệnh án bằng hình ảnh, X-quang, model.

Cuối năm thứ ba và thứ tư đều phải làm các bài thuyết trình để chấm điểm. Năm thứ tư, sinh viên được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Tổng hợp tiểu bang, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Cựu chiến binh... để thực tập và sau đó làm luận án tốt nghiệp.

Sự nghiệp của Đức vững chắc từ kiến thức chuyên sâu từ sự kính nể của  các đồng nghiệp và cộng đồng, là thành viên thường trực của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ. Mặc dù thành danh ở xứ người, say mê nghiên cứu khoa học, họ vẫn ít khi bộc lộ về mình.

Nhưng năm nào anh cũng gửi tiền về quê đóng góp cho quỹ khuyến học và làm từ thiện. Gặp nhau ở xứ người, Đức luôn nhắc về những cái Tết ở quê nhà, về biển đẹp Đà Nẵng và theo dõi mọi đổi thay của thành phố. Đức đã nói với tôi về lẽ sống của mình: “Lòng thù hận biến con người thành nô lệ, còn tình yêu thương sẽ buông tha chúng ta khỏi những toan tính ích kỷ...”.

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.