.

Nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo

.

Theo Tổng cục Dân số, mục tiêu Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) đến năm 2020 phải giữ nhịp độ phát triển dân số vùng biển, đảo và ven biển trong toàn quốc không vượt quá 37 triệu người.

Để giữ được mức độ dân số đó, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải áp dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại đạt 72%; tỷ lệ người làm việc và sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và áp dụng BPTT đạt 95%.

Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và di truyền giảm bình quân hằng năm khoảng 5%. Đề án cũng hướng đến cung cấp dịch vụ y tế kịp thời, giúp người dân có điều kiện đến cơ sở y tế để khám, tư vấn kiến thức nhanh chóng, chính xác.

Buổi nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản với phụ nữ phường Thọ Quang.  						        Ảnh: M.H
Buổi nói chuyện về chăm sóc sức khỏe sinh sản với phụ nữ phường Thọ Quang. Ảnh: M.H

Đối với thành phố Đà Nẵng, mục tiêu quốc gia về dân số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hơn 35% dân số vùng biển và ven biển có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có các dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, SKSS và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Đề án 52 đã được triển khai hơn 6 năm ở 18 phường có biển nhằm ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng biển, ven biển và góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Có được thành công trên không thể không kể đến đội ngũ cộng tác viên dân số (CTV DS)  - những người luôn “bám” ngư dân để truyền thông, tư vấn dân số và thực hiện KHHGĐ nhằm góp phần giúp các gia đình ngư dân có cuộc sống hạnh phúc, tình dục an toàn.

Chị Cù Thị Mỹ Châu, CTV DS tại tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc của phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) là một trong những CVT luôn kiên trì tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, và tiếp đến có thái độ tích cực, chuyển đổi hành vi có lợi trong việc bảo vệ sức khỏe.

Phường Thọ Quang là đơn vị có số ngư dân bám biển đông, vì vậy, việc thực hiện Đề án 52 đã làm chuyển biến đáng kể nhận thức của người dân nơi đây về chính sách dân số - KHHGĐ. Phần lớn các cặp vợ chồng của phường đều có chung quan điểm sinh ít con để có cuộc sống ổn định. Chị Phạm Thanh Mai, một người dân trên địa bàn phường cho biết:

Vợ chồng chị được cán bộ dân số và Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động chỉ sinh 2 con dù là trai hay gái, quan trọng là phải nuôi dạy, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp. Vì vậy, sau khi sinh con thứ hai, chị thực hiện BPTT ngay. Hiện nay, cuộc sống gia đình chị Mai dù chưa thật đủ đầy về vật chất nhưng nhìn con chăm ngoan, học giỏi, vợ chồng chị rất vui.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lang cho biết: “Tôi là dân biển, ít quan tâm đến thực hiện KHHGĐ. Khi chị Mỹ Châu đến tuyên truyền, tôi được hướng dẫn cặn kẽ về sinh đẻ có kế hoạch, từ đó tôi tình nguyện thực hiện vì sinh nhiều con sẽ khổ”.

Để góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe ngư dân biển từ nay đến năm 2020, các địa phương trên địa bàn thành phố đang tiếp tục thực hiện một số mô hình, dự án thiết thực, đặc biệt là tăng cường hơn nữa nhiệm vụ CSSKSS đến với người dân.

Ngành dân số tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động đáp ứng nhu cầu CSSKSS cho bà mẹ; hỗ trợ phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn... Với phương châm thực hiện tốt công tác dân số chính là tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào thành công của chiến lược biển Việt Nam đến 2020.

MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.