.

Cử tri bức xúc về tham nhũng, ô nhiễm môi trường

.

Ngày 22-9, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thành phố, gồm: Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội; Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội; Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang (giữa) trao đổi bên lề buổi tiếp xúc.  	        	          Ảnh: TRÂM ANH
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang (giữa) trao đổi bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: TRÂM ANH

Tại các buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH thành phố thông báo dự kiến những nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10 tới; đồng thời, báo cáo về hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố từ sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đến nay. Cụ thể, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH thành phố duy trì thường xuyên việc tiếp xúc để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công dân. Đoàn đã tiếp 14 lượt công dân, nhận 41 đơn thư; trong đó, đã chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 38 đơn và nhận được kết quả phản hồi đối với 11 đơn; có văn bản hướng dẫn và trả lời công dân đối với 1 đơn; tiến hành xác minh, thu thập hồ sơ nghiên cứu và đang tổ chức giám sát việc giải quyết đối với 2 đơn của công dân. Sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đã tổ chức 4 cuộc tiếp xúc cử tri và tổng hợp 46 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch và tiến hành đi khảo sát, xác minh thực tế một số địa điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Liên Chiểu và quận Cẩm Lệ theo phản ánh của cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quận Sơn Trà nêu những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, cử tri Lê Bá (phường An Hải Tây) cho rằng tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay nhưng công tác phòng, chống tham nhũng chưa có những chuyển biến tích cực để người dân yên tâm. Cử tri Lê Bá đặt vấn đề ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc cho người nước ngoài thuê đất dài hạn và đề nghị trong thời gian đến, chỉ cho thuê đất tối thiểu 30 năm, sau đó nếu làm tốt mới xem xét cho thuê tiếp, còn không phải dừng lại. Cử tri cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản, gây thất thoát tiền tỷ; tình trạng hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế… diễn biến phức tạp làm cho nhân dân bất an.

Cử tri Nguyễn Đăng (phường Thọ Quang) bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông trong thời gian qua; đồng thời đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết về Biển Đông trong kỳ họp đến. Cử tri Nguyễn Đăng cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho người về hưu từ những năm 1990 trở về trước vì hiện mức lương hưu của các đối tượng này rất thấp, không giải quyết được khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các cử tri quận Sơn Trà còn phản ánh những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho lực lượng Thanh niên xung phong qua các thời kỳ; tình trạng ô nhiễm ở các bãi biển Mỹ Khê, T20, Đài phát sóng An Hải… và những bất cập trong việc chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn quận.

Tại buổi tiếp xúc ở quận Ngũ Hành Sơn, cử tri Đặng Hồng Vân (tổ 8, phường Mỹ An) trăn trở trước vấn đề bảo đảm quốc phòng-an ninh khi các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án ven biển; đồng thời bày tỏ cần có giải pháp hiệu quả để triển khai việc quản lý, bảo đảm chặt chẽ về quốc phòng-an ninh. Bên cạnh đó, các cử tri của quận Ngũ Hành Sơn cũng kiến nghị thành phố cần có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; đề nghị Chính phủ tăng cường thanh tra các dự án, quản lý chặt chẽ xe công…

Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thanh Quang ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri hai quận và cho biết sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp đến.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào ngày 22-10 tại Thủ đô Hà Nội.

Về chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết là Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Quốc hội sẽ cho ý kiến về 14 dự án luật về phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), quản lý ngoại thương, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi)... Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020... Quốc hội cũng sẽ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội và những vấn đề quan trọng khác của đất nước.

ĐẶNG NỞ

ĐẶNG NỞ - TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.