.

Bứt phá trên đường phát triển

.

Cách đây hơn 2 năm, trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đà Nẵng là địa bàn chiến lược của khu vực và cả nước, có bước phát triển khá toàn diện và rõ nét; nhiều sáng tạo, linh hoạt trong cách làm đã mang lại thành công. Thương hiệu Đà Nẵng được ghi nhận, đánh giá không chỉ trong nước mà cả nước ngoài... Điều quan trọng là cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm từ những cách làm đó để tiếp tục phát triển hơn nữa”. Những đánh giá đó bắt nguồn từ những bứt phá ngoạn mục, gắn với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng kế thừa và phát huy suốt 20 năm qua.

Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phát triển đô thị với nhiều đột phá mới hài hòa với môi trường, diện mạo hiện đại, khang trang hơn.
Sau 20 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phát triển đô thị với nhiều đột phá mới hài hòa với môi trường, diện mạo hiện đại, khang trang hơn.

Tăng trưởng ấn tượng, toàn diện

Nhìn về quá khứ, nếu như 5 năm đầu của thời kỳ đổi mới 1986-1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đạt 5,3%/năm, thì 18 năm trực thuộc Trung ương (1997-2015), kinh tế Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất rõ nét và đúng định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế từng giai đoạn. Nếu như năm 1997, tỷ trọng các ngành dịch vụ - công nghiệp, xây dựng- nông nghiệp tương ứng 55,1%-35,2%-9,7%; thì đến năm 2015, tỷ trọng dịch vụ vươn lên chiếm 62,6%, công nghiệp-xây dựng 35,3%, nông nghiệp 2,1%.

Trong bức tranh kinh tế nhiều khởi sắc của Đà Nẵng, lĩnh vực dịch vụ du lịch tăng trưởng đột phá và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Riêng trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng đạt 12,1%. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hằng năm 20,14%, tổng thu du lịch tăng bình quân 30,7%. Năm 2016, Đà Nẵng dự kiến đón 5,2 triệu lượt khách với tổng doanh thu gần 14.000 tỷ đồng. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng vượt 1 tỷ USD. Riêng năm 2015 là 1,3 tỷ USD. Thu ngân sách của Đà Nẵng luôn tăng cao và có sự chuyển dịch theo hướng tích cực từ nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào khai thác quỹ đất sang thu từ sản xuất kinh doanh. Ước tính năm 2016, tổng thu đạt 18.000 tỷ đồng.

Bảo đảm phát triển bền vững

Với mỗi hướng đột phá chiến lược, Đà Nẵng luôn sáng tạo cả trong công tác chỉ đạo, điều hành và quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đà Nẵng không chỉ mang lại “quả ngọt” cho mình mà góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa ra khu vực và cả nước. Trên quan điểm này, đến nay kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng đã có bước phát triển khá ấn tượng cả về quy mô lẫn tốc độ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, dịch vụ, các khu dân cư được địa phương quy hoạch, đầu tư một cách đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn, từ đó góp phần tạo nên diện mạo của một đô thị mới, bảo đảm yếu tố hiện đại và đồng bộ. Chính hạ tầng đô thị khang trang đã tạo động lực để Đà Nẵng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững. Trong nỗ lực chung đó, nhiều cái nhất của Đà Nẵng cũng trở thành thương hiệu, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố môi trường của Asean, thành phố có hàm lượng carbon thấp, thành phố có khả năng chống chịu, thành phố tiến bộ nhất, điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh... được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thành công khi Hòa Vang được công nhận huyện nông thôn mới năm 2015 sẽ giúp Đà Nẵng có thêm điều kiện để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, gắn phát triển nông nghiệp hiện đại với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đi liền với phát triển kinh tế, thành phố luôn quan tâm bảo vệ môi trường. Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Do vậy, công nghệ thông tin và công nghệ cao trở thành lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển mạnh trong giai đoạn tới. Sự phát triển của thành phố đi đôi chất lượng sống, thu nhập và mức độ hài lòng của người dân, du khách khi đến Đà Nẵng. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân người dân thành phố đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn chỉ “riêng có” của Đà Nẵng như: “Thành phố 5 không” “Thành phố 3 có”, “Thành phố môi trường”, mới đây nhất là chủ trương “Thành phố 4 an”... Đà Nẵng được nhiều người dân trong nước và quốc tế đánh giá như “Thành phố đáng sống”.

Quá trình phát triển của Đà Nẵng sẽ gặp nhiều thuận lợi lớn khi Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù về tài chính dành riêng cho Đà Nẵng, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển mạnh hơn. Đây là minh chứng khẳng định Đà Nẵng đang đi đúng hướng và luôn nhận được sự ủng hộ cao của Trung ương để có thêm những nguồn lực cần và đủ cho quá trình xây dựng, phát triển theo tinh thần Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.