.

Xã hội hóa các phương tiện tránh thai

.

Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, nhu cầu về tránh thai sẽ tăng thêm 40% trong khoảng 5 năm tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) ngày càng tăng, trong đó số phụ nữ sử dụng các BPTT hiện đại cũng tăng dần.

Hội thi chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên.
Hội thi chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, hơn 1/3 các thai kỳ ở các nước đang phát triển là mang thai ngoài ý muốn. Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra ở những phụ nữ không sử dụng BPTT và mỗi năm trên thế giới có hơn 100 triệu phụ nữ đã có gia đình chưa được đáp ứng về nhu cầu tránh thai, trong đó vùng Nam Á và Đông Nam Á chiếm hơn 56% (tương đương khoảng hơn 60 triệu phụ nữ).

Đa dạng hóa các BPTT để tăng thêm lựa chọn cho phụ nữ là điều luôn được khuyến khích trong Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Càng ngày, các biện pháp tránh thai càng có nhiều ưu điểm như an toàn, hiệu quả cao, có thể hồi phục tốt khả năng sinh sản sau khi ngưng dùng, nhiều dạng hàm lượng và nhiều cách dùng khác nhau phù hợp ý thích mỗi người.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố Đà Nẵng, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng (BPTT) hiện đại là 73%,  đa số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận thực hiện BPTT để tránh mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, tình hình cung cấp và sử dụng các phương tiện tránh thai trong giai đoạn tới có một số khó khăn do chuyển dần sang xã hội hóa (người dân phải mua các phương tiện tránh thai để sử dụng, không còn phát miễn phí như trước đây).

Chị Lê Thị Hà, 28 tuổi (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có 2 con, hiện nay vợ chồng chị đang thực hiện BPTT bằng cách uống thuốc hằng ngày. Chị Hà cho biết: “Mấy năm gần đây tôi vẫn thường mua thuốc tránh thai ở các hiệu thuốc hoặc tại Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Bây giờ Nhà nước không còn hỗ trợ, cấp phát miễn phí nữa thì người dân cũng nên chủ động bỏ tiền ra mua phương tiện để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình”. Còn chị Nguyễn Thị Lan (xã Hòa Phú) có 3 con gái. Hiện nay chị đang sử dụng BPTT bằng cách đặt vòng. Chị Lan cho hay: “Nhà nước chỉ còn hỗ trợ, cấp miễn phí các phương tiện tránh thai cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp thực tế, bởi đời sống người dân giờ đã khá hơn trước, có thể tự bỏ tiền ra mua các phương tiện tránh thai phù hợp với mình”.

Chị Trần Thị Yến Vy, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết: Tuyên truyền, vận động sử dụng các BPTT từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” không phải lúc nào cũng thuận lợi; bởi từ lâu người dân đã có quan niệm và thói quen được Nhà nước “bao cấp” hàng hóa, dịch vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Xã đã triển khai công tác tiếp thị và người dân cũng bắt đầu làm quen và có ý thức là phải mua phương tiện tránh thai.

Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai là mục tiêu ngành Dân số đang hướng đến. Để làm tốt công tác này, ngành Y tế thành phố đã xây dựng Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, sẽ đa dạng hóa phương tiện tránh thai theo phân khúc thị trường, chú trọng các phương tiện tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình của người dân. Nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập để cung cấp dịch vụ.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật cho người cung cấp dịch vụ. Hỗ trợ bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế công lập để đáp ứng tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển đổi hành vi đúng đắn và bền vững trong nhân dân. Nội dung ưu tiên là chuyển đổi hành vi từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người sử dụng.

Bài và ảnh: Minh Phúc

;
.
.
.
.
.