.

Tuyên án 19 bị cáo trong vụ phá rừng Cà Nhông

.

Sau 2 ngày xét xử, chiều 30-8, TAND huyện Hòa Vang tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ án phá rừng Cà Nhông. Trong đó, bị cáo Vũ Văn Tam (SN 1968, ngụ thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) nhận mức án cao nhất là 6 năm 3 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” và “Đưa hối lộ”.

Gỗ khai thác trái phép ở rừng Cà Nhông. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Gỗ khai thác trái phép ở rừng Cà Nhông. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Liên quan đến vụ án, 11 bị cáo còn lại ở nhóm hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” lãnh từ 16 tháng 10 ngày tù đến 3 năm tù. Ở nhóm tội “Nhận hối lộ”, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên, công chức kiểm lâm Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông lãnh các mức án như sau: Trạm trưởng Phạm Phú Cường (SN 1967) 4 năm tù, Trạm phó Hồ Tấn Hai (SN 1962) 2 năm tù, Trạm phó Thủy Ngọc Trọng (SN 1982) và nhân viên Nguyễn Văn Ấn (SN 1985) cùng nhận mức án 18 tháng tù, kỹ sư lâm nghiệp Lý Thanh Tùng (SN 1984) 12 tháng tù, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Nhung (SN 1963) 6 tháng tù, kiểm lâm viên Đinh Ngọc Bán (SN 1966) 9 tháng tù.

Quanh co, chối tội

Tại phiên tòa, bị cáo Tam không thừa nhận bất cứ hành vi phạm tội nào. Tam cho rằng mình không liên quan đến việc phá rừng bởi lẽ bị cáo đã cho “nhân công” về vì không có keo để khai thác vào mùa mưa. Riêng hành vi đưa hối lộ, Tam một mực khẳng định bản thân không đặt vấn đề với Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông về việc đưa người vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Tuy nhiên, tất cả 11 bị cáo còn lại ở nhóm hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” đều thừa nhận được bị cáo Tam thuê khai thác gỗ với số tiền công như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, 5 lãnh đạo, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và 2 công chức kiểm lâm mặc dù không nhớ chính xác số tiền đã nhận nhưng khẳng định bị cáo Tam có đặt vấn đề sẽ đưa 5 triệu đồng cho mỗi chuyến khai thác gỗ trái phép vào một ngày trong khoảng tháng 10-2013. Số tiền này được chi tiêu cho hoạt động của trạm như: tiền ăn cho tất cả nhân viên trong trạm, tiền thăm ốm, ma chay, chi quà đi dự liên hoan, thuê người trực Tết, chi cúng tất niên, cúng đầu năm… Lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được.

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm chung

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm ngày 29-6, TAND huyện Hòa Vang quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND thành phố để điều tra bổ sung một số vấn đề. Cụ thể, làm rõ hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng của Đặng Thị Lợi, Đặng Công Chung (em của Đặng Thị Lợi – người chung sống như vợ chồng với bị cáo Tam) cũng như vai trò của Chung trong vụ án; làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Quang Lộc (nguyên Trạm trưởng Trạm Cà Nhông) khi để Tam khai thác gỗ trái phép; hành vi của ông Lê Hoàng Sơn (nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Giang) khi bắt và thu giữ số gỗ vi phạm vào ngày 8-2-2013 cũng như số lượng gỗ Sơn đã thu giữ…

Tại phiên tòa lần này, theo vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, quá trình điều tra cũng như tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của Đặng Thị Lợi, Đặng Công Chung nên không đề cập. Đối với Nguyễn Quang Lộc, đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo lời khai của ông Lộc, ông đã tổ chức phối hợp cùng các đơn vị khác kiểm tra thường xuyên nhưng do địa bàn rộng, địa hình, thời tiết khó khăn… nên không phát hiện được Tam đưa người vào rừng Cà Nhông khai thác gỗ trái phép. Chính vì vậy, CQĐT nhận thấy chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Đối với Lê Hoàng Sơn, đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thu giữ số gỗ vi phạm vào ngày 8-2-2013 khi để 120 thanh gỗ lại hiện trường. Số gỗ này đã được Tam cùng đồng bọn tiếp tục vận chuyển ra khỏi rừng vào ngày hôm sau. Về vấn đề này, ông Sơn có lời khai, do cận Tết nên không có đủ điều kiện, lực lượng và phương tiện… thu giữ hết số gỗ vi phạm. Như vậy, hành vi này của ông Sơn không thể hiện mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên chỉ xem xét ở hành vi thiếu trách nhiệm.

Đối với Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, Chi cục Kiểm lâm thành phố, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý cũng như tổ chức kiểm tra, truy quét, bảo vệ rừng nhưng không nắm được thông tin và không phát hiện việc tổ chức khai thác gỗ trái phép của Tam, để rừng bị xâm hại một thời gian dài nên cần kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm chung…

Như Báo Đà Nẵng đã đưa tin, theo cáo trạng, từ năm 2012, Vũ Văn Tam tổ chức khai thác trái phép 104 cây gỗ kiền kiền với khối lượng 100,3m3 trong 3 đợt; cưa xẻ thành 1.461 thanh; gây thiệt hại tổng cộng hơn 847 triệu đồng. Để việc vận chuyển trót lọt, Tam đặt vấn đề với các cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và kiểm lâm viên địa bàn để được vào rừng khai thác gỗ trái phép và “lót tay” mỗi chuyến 5 triệu đồng. Từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014, Tam chung chi 30 triệu đồng cho Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông.

Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất trên địa bàn thành phố từ trước đến nay. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan trước pháp luật.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.